Vài bản Android tùy biến nổi tiếng: Fire OS, Cyanogen, Nokia X, MIUI... Mọi người đã xài cái nào?

Amazon Fire OSCyanogenNokia X, MIUI... tất cả đều là những phiên bản Android được tùy biến lại và thường không đi kèm theo các dịch vụ của Google. Chúng cho thấy rằng thị trường có một khát khao tương đối lớn về việc tách mình ra khỏi Google và giảm sự phụ thuộc vào Google Apps. Mời các bạn điểm qua một số bản Android tùy biến nổi tiếng, xem chúng có gì hay, người ta đón nhận ban đầu ra sao và tình hình hiện tại của chúng như thế nào.

Amazon Fire OS

Hệ điều hành Android tùy biến của Amazon tồn tại ở 3 dạng: phiên bản tablet trên chiếc Kindle Fire, phiên bản dành cho màn hình lớn như trên chiếc Fire TV, và một bản tối ưu cho điện thoại trên chiếc điện thoại yểu mệnh Fire Phone. Cả ba đều được Amazon làm lại từ mã nguồn Android gốc, thay thế cho Play Store là kho ứng dụng Amazon Appstore, và tất nhiên nó nhấn mạnh vào những dịch vụ của Amazon như Prime Video hay Kindle.

Những đợt sóng cao trào ban đầu: Tờ International Business Times năm 2011 nói rằng mức giá rẻ của Kindle Fire sẽ giết chết iPad. Một năm sau, trang ZDNet nói nếu một chiếc điện thoại chạy hệ điều hành của Amazon sẽ là nguy cơ cho Samsung và các hãng khác.



Trạng thái hiện tại: doanh số tablet Amazon chưa bao giờ vượt qua iPad, tuy nhiên vẫn có thị phần khỏe mạnh và đã qua nhiều lần làm mới. Fire OS cũng theo đó mà được cập nhật. Về mảng thiết bị giải trí, Fire TV trở thành một đối thủ đáng gờm trong phòng khách. Chiếc Fire Phone thì được đánh giá là đã thất bại ngay từ đầu và đến nay Amazon vẫn chưa có kế hoạch làm mới nó.

CyanogenMod

Cái tên này hẳn là quá quen thuộc với anh em Tinh tế, nhất là anh em chơi Android ROM Cook. CyanogenMod không phải là bản được cài sẵn trên điện thoại, cũng không phải là thứ được làm ra để kiếm tiền. thay vào đó, CyanogenMod được cài bởi những ai đang không cảm thấy hài lòng với bản Android có sẵn trên điện thoại của mình và muốn một thứ gì đó sạch hơn, ít app rác hơn và tùy biến được nhiều thứ hơn. Ngoài ra, người dùng cài ROM CyanogenMod cũng có thể cài thêm các dịch vụ Google vào máy mình (không được đóng gói chung, phải download riêng).

Những đợt sóng cao trào ban đầu: CyanogenMod đã bắt đầu xuất hiện khi mà Android vẫn chưa nổi như bây giờ.

Trạng thái hiện tại: bản mod này giờ đã có bản thương mại gọi là Cyanogen và được cài sẵn trong một số máy, được biết tới nhiều nhất có lẽ là dòng OnePlus. Cyanogen nói họ có 50 triệu người dùng cho cả bản được cài sẵn lẫn bản ROM cook.

Cyanogen+Mod.jpg

CyanogenOS

Phiên bản thương mại này không hẳn là một bản Android tùy biến như cách mà chúng ta nhắc tới trong bài này vì nó vẫn được cài sẵn nhiều dịch vụ Google. Tuy nhiên, Cyanogen đã luôn nói rằng mục tiêu của họ là thoát khỏi hoàn toàn sự phụ thuộc vào Google.

Những đợt sóng cao trào ban đầu: nhiều người cho rằng việc mở các tính năng cốt lõi của Android ra cho những công ty khác cùng nhảy vào làm như Spotify và Microsoft không hẳn là ý tưởng điên rồ. Người ta cũng cho rằng kế hoạch "chống Google" của CyanogenOS sẽ khởi đầu cho một xu hướng mới.

Trạng thái hiện tại: năm ngoái, Cyanogen thông báo rằng hệ điều hành của họ đã được cài sẵn lên các điện thoại từ công ty BLU mà không đi kèm dịch vụ củ Google. Tới tháng 3 năm nay, tờ The Information nói rằng AT&T đang cân nhắc bán điện thoại Cyanogen, tuy nhiên đến giờ kế hoạch này vẫn chưa được công bố.

OnepLus_Cyanogen.jpg

Nokia X

Năm 2011 Nokia đã kí thỏa thuật bắt tay với Microsoft để dùng Windows Phone, tuy nhiên hãng vẫn tự mình phát triển một bản Android riêng để dùng cho dòng điện thoại Nokia X. Bản Android này không có Play Store mà thay vào đó là Nokia Store, Google Maps thì thay bằng Bing Maps, Gmail thay bằng Outlook, nói chung là sử dụng các dịch vụ của Microsoft. Và mặc dù nền bên dưới là Android nhưng Nokia làm giao diện của hệ thống rất giống với Windows.

Những đợt sóng cao trào ban đầu: tin đồn về chiếc Nokia X đầu tiên xuất hiện vào tháng 11 năm 2013, hai tháng sau khi Microsoft công bố kế hoạch mua lại mảng mobile của Nokia. Tới đầu năm 2014 thì Nokia được giới thiệu chính thức. Khi đó, người ta đánh giá rằng Nokia X là cách mà Nokia đi vào phân khúc giá rẻ và cực rẻ, nơi mà Windows Phone không thể chạm tới.

Nokia_X_Android_tuy_bien.jpg

Trạng thái hiện tại: 5 tháng sau khi ra mắt, Microsoft khai tử dòng Nokia X như một động thái tái cấu trúc ngành hàng điện thoại, và cũng theo sau đó 12.500 nhân viên Nokia mất việc. Hệ điều hành Android mà Nokia cài cho Nokia X cũng theo đó lên đường.

Tizen

Về mặt kĩ thuật, Tizen không phải là một bản tùy biến từ Android bởi nó khác về nền tảng, tuy nhiên Tizen vẫn có khả năng chạy app Android và giao diện cũng được làm giống. Tizen là một hệ điều hành nguồn mở, nhưng tính đến giờ chỉ có Samsung sử dụng nó.

Những đợt sóng cao trào ban đầu: tháng 1/2013, trang CNET nói về Tizen như "vũ khí bí mật của Samsung trong cuộc chiến di động". Hai tháng sau đó, có người đủ tự tin để nói rằng Tizen có thể giết chết Android.

Trạng thái hiện tại: số liệu từ Strategy Analytics cho thấy Samsung bán được 3 triệu chiếc điện thoại Tizen trong năm ngoái. Những con số này vẫn còn rất bé nhỏ so với lượng thiết bị Android mà Samsung bán được, tuy nhiên vẫn đủ lớn để giữ nền tảng này đủ lớn - ít nhất là ở những thị trường mới nổi. Ngoài ra, Samsung còn đang sử dụng Tizen cho smartwatch và Smart TV của mình.

Tizen_Samsung_phone.jpeg 

Xiaomi MIUI

Tại Trung Quốc - quê nhà của Xiaomi - các dịch vụ của Google không xuất hiện nên điện thoại Android thường được tùy biến rất sâu và sử dụng các dịch vụ nội địa thay thế. Chính vì thế mà các bản Android tùy biến rất thường hay xuất hiện tại quốc gia này. Ngoài việc được cài trên các thiết bị Xiaomi, MIUI còn có cho các thiết bị khác ở dạng ROM cook.

Những đợt sóng cao trào ban đầu: nhìn tổng quan, Xiaomi là một trong những công ty công nghệ phát triển mạnh nhất Trung Quốc trong kỉ nguyên di động và họ đang được định giá 45 tỉ USD với nhiều chục triệu điện thoại bán ra mỗi năm. MIUI cũng theo đó mà tiếp cận với khá nhiều người dùng, giờ thì nó đã vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc. Cộng đồng sử dụng ROM cook MIUI cũng tương đối đông. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều chỉ trích rằng nó quá giống giao diện của Apple.

Tình trạng hiện tại: Ở Trung Quốc, MIUI vẫn là một "hệ điều hành" riêng nhưng tại các thị trường khác, MIUI chỉ đon giản là một giao diện Android bởi các máy Xiaomi tại đây vẫn được cài đủ các dịch vụ Google.

Xiaomi_MIUI.jpg

Alibaba YunOS

YunOS được nhiều người quan tâm vì đứng sau nó là ông lớn thương mại điện tử Alibaba, cũng vì vậy mà các dịch vụ đám mây của Alibaba được tích hợp chặt với hệ điều hành. Meizu, một công ty làm điện thoại cũng khá lớn ở Trung Quốc, cũng đang xài YunOS cho thiết bị của mình.

Những đợt sóng cao trào ban đầu: giám đốc chiến lược Alibaba Zeng Ming nói năm 2012: "Chúng tôi muốn mạnh như là Android ở Trung Quốc".

Tình trạng hiện tại: nhờ sự hợp tác của Meizu, YunOS đã ghi nhận mức tăng trưởng 700% trong năm ngoái và Alibaba hi vọng hệ điều hành của mình sẽ có mặt trên 100 triệu chiếc điện thoại bán ra trong năm nay.
yunos30.jpg ​

PrivatOS

Không phải tất cả mọi bản Android tùy biến đều nhằm tránh né Google. Trong trường hợp của PrivatOS, nó là một bản Android được điều chỉnh lại về mặt bảo mật và quyền riêng tư để cài lên chiếc điện thoại Blackphone của hãng Silent Circle. Thay vì dùng các app mặc định của Google, Blackphone đưa ra những app thay thế với chế độ mã hóa mạnh kèm các tùy chọn giúp người dùng bảo vệ dữ liệu nhạy cảm của mình.

Những đợt sóng cao trào ban đầu: ra mắt vào đầu năm 2014, Blackphone muốn đón đầu một làn sóng những người muốn thoát khỏi sự theo dõi của chính phủ sau vụ lùm xùm Edward Snowden.

Tình trạng hiện tại: hóa ra vụ Edward Snowden không tạo ra một làn sóng lớn như người ta tưởng. Silent Circle đã thay thế PrivatOS với Silent OS, phiên bản này vẫn đi kèm Google Apps nhưng cho phép người dùng tách biệt chúng ra khỏi những dữ liệu nhạy cảm bằng một chế độ riêng.

BlackPhone_PrivatOS.jpg

Kết

Nhìn chung, nếu bạn không phải là Google và bạn kinh doanh Android tùy biến thì bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vài tuần trước có tin đồn rằng Huawei đang tự làm hệ điều hành của riêng mình với một nhóm cựu nhân viên Nokia. Hãng lập tức bác và nói công ty sẽ tiếp tục dùng Android miễn là nó "mở". Phát ngôn này cũng ẩn chứa một điều gì đó đáng sợ: một Android ít mở hơn tức là ít có không gian để kiếm tiền hơn từ phần mềm, như vậy các hãng sản xuất chỉ còn có thể kiếm doanh thu từ phần cứng. Thực chất, những gì Huawei làm cũng chỉ là một trong những nỗ lực muốn bức ra khỏi sự phụ thuộc vào Google và các dịch vụ Google Apps, và đó cũng là niềm tin của thị trường Android tùy biến.

Theo công ty nghiên cứu thị trường ABI, lượng điện thoại dùng Android tùy biến đã giảm 12,4% trong năm 2015, trong khi số máy chạy Android với Google Play Store và các dịch vụ Google Apps lại tăng 17,5%. David McQueen, giám đốc của ABI chuyên về thiết bị tiêu dùng, kỳ vọng rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục khi mà Google mở rộng tầm ảnh hưởng của mình lên những phân khúc mới, ví dụ như Android One cho các thiết bị giá rẻ.

Tinh tế
Tham khảo: Fast Company
Chia sẻ lên Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 Nhận Xét:

Đăng nhận xét