Trung Quốc 'đẩy' 9.000 dân khỏi nhà để 'săn' người ngoài hành tinh

Dân cư trong bán kính 5 km quanh khư vực dự án FAST tại tỉnh Quý Châu sẽ phải rời khỏi mái ấm của mình và được đền bù một khoản tiền trị giá 12.000 CNY (hơn 41 triệu đồng).

Mô hình đồ hoạ của kính thiên văn FAST
Trang Xinhua cho biết, Trung Quốc đang triển khai tái định cư cho hơn 9.000 dân trước khi khánh thành kính thiên văn vô tuyến lớn nhất thế giới vào cuối năm nay. Đây là động thái mà Bắc Kinh hy vọng sẽ thúc đẩy công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất trên phạm vi toàn cầu.
Dự án FAST (dự án kính viễn vọng vô tuyến hình cầu khẩu độ rộng 500 mét) trị giá 1,2 tỷ CNY (180 triệu USD hay hơn 4100 tỷ đồng) được khởi công ở phía tây nam tỉnh Quý Châu vào 2011 và được dự kiến hoàn thành vào tháng 9 tới.
Theo thông tin được công bố trước đó, 9110 người thuộc hai huyện Bình Đường và La Điện của tỉnh Quý Châu sẽ phải "di tản" khỏi nhà của mình. Mỗi người sẽ nhận được số tiền 12.000 CNY (hơn 41 triệu đồng) tiền bồi thường từ văn phòng di cư sinh thái của chính phủ.
Li Yuecheng, một quan chức cấp cao ở Quý Châu cho biết, việc di dời dân cư trong khu vực bán kính 5 km xung quanh dự án để "tạo ra một môi trường sóng âm điện từ".
Việc di dân khỏi khu vực này nhằm tạo một bán kính an toàn cho sự vận hành của kính
Bắc Kinh xem đài thiên văn đường kính 500 mét này, thứ sẽ khiến cho đài thiên văn Arecibo đường kính 300 mét ở Puerto Rico trở nên nhỏ bé, là biểu tượng mới nhất cho sức mạnh công nghệ đang phát triển của mình.
Một trong những nhà khoa học phía sau dự án này mới đây tuyên bố rằng, nếu muốn đổ đầy rượu vang vào đài thiên văn này thì 7 tỷ cư dân Trái Đất, mỗi người sẽ phải đổ khoảng 5 chai vào đó.
Nhưng đài thiên văn này được xây dựng với mục đích như một nỗ lực khoa học hàng đầu chứ không phải là một bình pha lê đựng rượu vang cỡ lớn. Theo một báo cáo mới đây từ phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, FAST được tạo nên từ 4.450 tấm tam giác. Một khi đài thiên văn này được hoàn thiện, những panel di động này sẽ được dùng để phản chiếu các tín hiệu vô tuyến từ những nơi xa xôi trong vũ trụ vào một điểm hội tụ nặng 30 tấn có khả năng thu thập những tín hiệu ấy, tờ China Daily chia sẻ.
Trong một cuộc phỏng vấn năm ngoái, Nan Rendong, một nhà khoa học cấp cao thuộc dự án cho biết: "Một đài thiên văn vô tuyến cũng giống như một đôi tai nhạy cảm, lắng nghe để cho chúng ta biết những thông điệp đầy ý nghĩa từ tiếng ồn lắng trong vũ trụ. Cũng giống như việc xác định âm thanh của ve sầu trong một cơn cuồng phong, giông bão".
Những tấm tam giác khổng lồ này sẽ tập trung các tín hiệu điện từ về một điểm hội tụ duy nhất
Wu Xiangping, tổng giám đốc Hiệp Hội Thiên Văn Trung Quốc đã chia sẻ với tờ Xinhua rằng độ nhạy cao của FAST có thể giúp các nhà khoa học "tìm kiếm sự sống thông minh bên ngoài dải Ngân Hà và khám phá nguồn gốc của vũ trụ".
Năm ngoái, Shi Zhicheng, một nhà thiên văn Trung Quốc chia sẻ với tờ South China Morning Post rằng đài thiên văn này đại diện cho bước nhảy vọt trong công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh. Ông cho biết:"Nếu những người ngoài hành tinh thông minh thực sự tồn tại, những thông điệp mà họ tạo ra hoặc để lại, nếu được truyền đi trong không gian sẽ đều được FAST phát hiện và thu thập".
Các quan chức Trung Quốc chia sẻ vị trí của đài thiên văn nằm ở Kiềm Nam, một khu vực bị cô lập nằm sâu trong những ngọn núi Karst hùng vĩ của tỉnh Quý Châu là một nơi lý tưởng để thăm dò những thông điệp ngoài Trái Đất.
Li Di, một nhà khoa học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc cho biết FAST sẽ cho phép Bắc Kinh"khám phá sâu hơn trong không gian và quan sát các tiểu hành tinh, thậm chí là cả Sao Hoả nữa". Hồi năm ngoái, ông chia sẻ với kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV rằng "Đài thiên văn này sẽ cho Trung Quốc cơ hội tiến hành những nghiên cứu tiên phong".
Clip mô tả quá trình xây dựng FAST
Những dự án di dân hàng loạt từ lâu đã trở thành chuyên môn của Trung Quốc. Hàng triệu người dân Trung Quốc đã bị di dời trong những thập kỷ qua để tiến hành xây dựng đập thủy điện và những dự án cơ sở hạ tầng khác hoặc là một phần dự án "xoá đói giảm nghèo". Những người bị buộc rời khỏi mái ấm của mình thường phàn nàn về mức bồi thường ít ỏi mà họ nhận được.
VNReview
Chia sẻ lên Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 Nhận Xét:

Đăng nhận xét