Những dữ liệu trên đĩa này có thể được bảo quản với thời gian lên đến 13,8 tỉ năm.
Con người đang tạo ra lượng thông tin tương đương khoảng 10 triệu đĩa Blu-ray mỗi ngày, lượng thông tin này chắc chắn phải được lưu trữ ở đâu đó trên trái đất. Giờ đây, các nhà nghiên cứu ở Anh Quốc đã tìm ra một giải pháp: chiếc đĩa thông tin số 5 chiều họ phát minh có thể chứa 360 terabyte dữ liệu trong 13.8 tỉ năm.
Các nhà nghiên cứu từ trường Đại học Southampton sử dụng quá trình có tên 'ghi dữ liệu laser femto giây*' (femtosecond laser writing) để tạo ra đĩa dữ liệu. Quá trình này sẽ phóng ra tia laser ngắn và mạnh có tốc độ cực cao lên chiếc đĩa thuỷ tinh, những tia laser có thể ghi dữ liệu lên 3 lớp trên những hạt nano, mỗi hạt cách nhau 0.005 mm.
Tuy nhiên 2 chiều còn lại ở đâu? Ngoài 3 lớp dữ liệu đã có sẵn trên bề mặt hạt nano, 2 lớp dữ liệu tiếp theo chính là kích thước và hướng của hạt. Những hạt này được thiết kế để có thể đọc được bằng kính hiển vi quang học có gắn một thấu kính phân cực.
Nhóm nghiên cứu cho rằng chiếc đĩa 5 chiều này sẽ giúp ích cho các công ty/tổ chức cần không gian lưu trữ dữ liệu cực lớn, ví dụ như thư viện, bảo tàng hoặc các các công ty cần chứa lượng thông tin tương đối nhiều như trung tâm dữ liệu Facebook.
"Chúng tôi cảm thấy thật phấn khích khi đã tạo ra công nghệ để lưu trữ dự liệu cho tương lai. Những thông tin này sẽ được bảo quản cho đời sau của chúng ta, thế hệ này sẽ không bao giờ bị quên lãng." Peter Kazansky, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Nhóm đang trình bày nghiên cứu của họ tại Hội nghị Kỹ sư Quang học ở San Francisco trong tuần này. Sau đó, họ hy vọng sẽ hợp tác với các bên liên quan để biến ý tưởng trên thành một sản phẩm thương mại hoàn chỉnh.
Công nghệ này được công bố lần đầu vào năm 2013, hiện tại nó đã có khả năng chứa lượng thông tin hơn rất nhiều. Nhóm nghiên cứu đã lưu được bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Opticks Newton, Magna Carta và The King James Bible trên đĩa 5 chiều.
*1 femto giây = 1/1.000.000.000.000.000 giây
ScienceAlert
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét