Nếu đã từng sử dụng một chiếc Surface, bạn sẽ hiểu vì sao Apple đã đúng khi nhất quyết tách rời iOS và Mac OS X – ngay cả khi hãng này vừa ra mắt một sản phẩm có thể được coi là "tablet lai laptop".
2015: Năm của tablet lai laptop?
Sau nhiều năm chờ đợi, iPad Pro cũng đã ra mắt.
Năm 2015 chứng kiến cả 3 ông lớn công nghệ là Apple, Google và Microsoft ra mắt những chiếc tablet lai laptop của riêng mình. Đáng chú ý nhất trong số này vẫn là Apple, vị vua không ngai của thị trường thiết bị thông minh cao cấp với chiếc iPad Pro màn hình 12 inch đã từng được đồn đại trong vòng 3 năm trước ngày ra mắt. Tiếp bước Apple, chỉ vài ngày sau đó Google ra mắt chiếc laptop đầu tiên sử dụng Android với tên gọi Pixel C, bỏ lại tầm nhìn về Chrome và đám mây sau 2 thế hệ Pixel "chỉ có tiếng mà không có miếng".
Khi iPad Pro chưa ra mắt thì thành công trước mắt vẫn thuộc về Microsoft với 2 sản phẩm ấn tượng: Surface Pro 4 và Surface Book. Trong khi Surface Pro 4 được kỳ vọng sẽ tiếp nối thành công của Surface Pro 3, Surface Book đã khiến người hâm mộ Microsoft vô cùng ngỡ ngàng với cấu hình mạnh mẽ, xứng tầm laptop chuyên dụng trong khi vẫn giữ được dáng hình mỏng manh và màn hình cảm ứng. Những chiếc Surface Book lần lượt "cháy hàng" từ cao cấp xuống cấp thấp, và nếu đặt hàng từ bây giờ bạn vẫn sẽ phải đợi vài tuần lễ để nhận được chiếc "laptop" nóng bỏng này.
Thế nhưng, sau sự kiện Surface Book chỉ vài ngày, Phil Schiller, phó chủ tịch phụ trách marketing và cũng là một nhân vật nổi trội tại Apple không kém gì Tim Cook và Jony Ive đăng đàn với phát biểu rằng Surface vẫn là một tầm nhìn hoàn toàn sai lầm, và rằng Apple "sẽ không bao giờ kết hợp iOS và Mac OS X".
Dù được coi là một chiếc laptop nhưng Surface Book vẫn có thể tách rời bàn phím để hoạt động ở chế độ tablet.
Vậy, quan điểm của Apple có thể coi là đúng đắn hay không? Phil Schiller có vừa tự đá đi chiếc bát vàng của mình khi tiếp tục công kích thiết kế tablet lai laptop, trong bối cảnh chính Apple vừa ra mắt một chiếc iPad có phụ kiện bàn phím rời như iPad Pro?
iPad đã và sẽ luôn khác biệt so với MacBook
Trước khi đi tìm câu trả lời cho 2 câu hỏi này, hãy cùng đi sâu phân tích bản chất của các sản phẩm tablet và laptop đến từ Microsoft và Apple.
Với Apple, sự tách biệt giữa 2 dòng sản phẩm iPad và MacBook luôn là rất rõ rệt. Thực chất, do iOS có khởi nguồn là Mac OS X và cả 2 cùng theo dạng thiết kế UNIX, việc kết hợp 2 hệ điều hành này sẽ không tốn sức bằng kết hợp Windows thường (kiến trúc x86) và Windows Phone/Windows RT (kiến trúc ARM). Thế nhưng, Apple đã nhiều lần tuyên bố sẽ không bao giờ kết hợp Mac OS X và iOS về cùng một hệ điều hành cho nhiều loại kiến trúc như những gì Microsoft đang làm. Trái lại, trong thời gian vừa qua Tim Cook và đồng sự còn ra mắt tới 2 hệ điều hành mới dành cho Apple Watch (watchOS) và Apple TV (tvOS).
Mac OS X đã liên tục di chuyển về hướng gần iOS hơn, nhưng Apple không hề có ý định kết hợp 2 hệ điều hành này.
Vậy, chiếc iPad Pro có thể được coi là một chiếc tablet lai laptop hay không? Đứng từ quan điểm của người viết, câu trả lời là "Không. Hãy coi đó là một chiếc tablet cỡ lớn, có thể gắn thêm bàn phím". Màn hình lớn cùng bàn phím rời của iPad Pro khiến cho người tiêu dùng ngay lập tức liên tưởng chiếc tablet này với các dòng tablet lai laptop chạy Windows, nhưng sự thật là Apple chưa bao giờ buộc người dùng phải mua bàn phím rời cho iPad Pro cả.
Ngay từ thế hệ iPad đầu tiên, người ta đã bán ra phụ kiện bàn phím rời cho iPad, nhưng chẳng có ai coi iPad 2 hay iPad Air là tablet lai laptop cả. Và iPad Pro cũng vậy.
Đừng để những gì bạn nhìn thấy đánh lừa bạn: kể cả có gắn bàn phím vào thì bạn cũng không thể dùng iPad Pro để thay thế MacBook (hay chiếc laptop Windows của bạn). Phụ kiện bàn phím rời chỉ có mục đích giúp người dùng doanh nghiệp nhập liệu nhanh hơn trong các ứng dụng làm việc nhẹ ký, tiện lợi của iPad. Khi cần viết các tài liệu nghiên cứu, khi cần lập trình, khi cần chạy các chương trình chuyên dụng của doanh nghiệp, bạn vẫn cần phải quay lại với laptop.
Điểm nhấn đáng chú ý nhất của iPad Pro không phải là SmartKeyboard mà là Pencil.
Điều duy nhất mà iPad Pro làm được còn MacBook không làm được là khả năng cảm ứng mạnh mẽ, chính xác cùng bút stylus Pencil. Thế nhưng, đó cũng là thế mạnh dành riêng cho tablet, chứ triết lý "tablet lai laptop" hoàn toàn không đóng vai trò gì ở đây cả.
Trong thời đại công nghệ hội tụ, các hệ điều hành của Apple không ít thì nhiều cũng sẽ "dẫm chân" nhau. Chẳng ai cấm bạn làm bảng tính trên iPad Pro và cũng chẳng ai cấm bạn chơi game casual trên MacBook Pro cả. Thế nhưng, do giới hạn của kiểu dáng, 2 dòng sản phẩm tablet và laptop vẫn có những công dụng tách biệt không thể dung hòa, chưa kể một số trường hợp sử dụng đồng nhất vẫn sẽ tỏ ra vượt trội chỉ trên một dòng sản phẩm duy nhất. Chính vì lý do đó mà chiếc iPad đã "giết chết" netbook, làm ảnh hưởng nặng nề tới doanh số laptop Windows nhưng cùng lúc vẫn giúp kích cầu cho MacBook.
Bài học từ Windows 8
Quay trở lại năm 2012, việc ra mắt Surface và Windows 8 (cùng Windows RT và Windows Phone 8) có thể coi là một bước đi tất yếu của Microsoft. Tụt hậu sau iPhone tới 5 năm và iPad tới 2 năm, gã khổng lồ phần mềm đã hy vọng có thể dùng giao diện chung Modern làm đòn bẩy chung cho toàn bộ gia đình Windows. Khả năng kết hợp tablet và laptop trong những sản phẩm phần cứng cao cấp được coi là một bước đi tự nhiên, cho phép người dùng tận hưởng những điều tốt đẹp nhất từ 2 thế giới tách biệt nhau trên cùng 1 phần cứng cao cấp.
Surface Pro và Surface RT ra đời và trở thành biểu trưng cho tầm nhìn của Microsoft về khả năng kết hợp tablet và laptop trong cùng một thiết bị thông qua phụ kiện bàn phím.
Nếu không chuyển sang giao diện "đặc sệt" cảm ứng một cách quá vội vã thì có lẽ Windows 8 đã không bị đánh giá quá thấp.
Thế nhưng, thất bại của Windows 8 cùng doanh số thảm hại của những thế hệ Surface đầu tiên cho thấy tầm nhìn của Microsoft rõ ràng là đã có vấn đề. Phải mất tới 3 năm ra mắt thì Windows 8/8.1 mới vượt được XP về thị phần. Thậm chí, XP lúc đó đã bị khai tử hơn 1 năm trời.
Nói nôm na, nếu như Apple cũng mang tầm nhìn sai lầm như Microsoft thì hãng này sẽ cố gắng mang iOS và Mac OS X trộn lại làm một: một hệ điều hành có thể chạy các ứng dụng cảm ứng chất lượng cao ở trạng thái tablet và các ứng dụng desktop phức tạp khi gắn bàn phím rời.
Vấn đề là ở chỗ, 2 thế giới tablet và laptop quá khác biệt nhau. Theo đúng lời Tim Cook nói, khi đem kết hợp 2 dòng sản phẩm quá khác biệt nhau, bạn sẽ phải đánh đổi quá nhiều thứ, và sản phẩm cuối cùng sẽ không làm hài lòng bất cứ ai cả. "Bạn có thể mang máy nướng bánh mì kết hợp với tủ lạnh, nhưng một sản phẩm như vậy sẽ không khiến cho người dùng vui lòng", Tim Cook khẳng định trong cuộc họp công bố kết quả kinh doanh của Apple vào tháng 4/2012.
Windows 8.1 mang nút Start "nửa nạc nửa mỡ" trở lại.
Hãy cùng nhìn lại phiên bản Windows 8 gốc. So với 3 phiên bản Windows trước đó là XP, Vista và 7 thì Windows 8 hoàn toàn khác biệt với giao diện Metro tập trung cho cảm ứng, thay thế giao diện desktop truyền thống. Vấn đề là ở chỗ phần đông người dùng Windows lúc đó (và lúc này) vẫn đang sử dụng những chiếc desktop và laptop có gắn chuột và bàn phím. Với chuột và bàn phím, giao diện desktop truyền thống với các yếu tố đồ họa kích cỡ nhỏ sẽ mang lại trải nghiệm tiện lợi hơn rất nhiều so với giao diện cảm ứng. Ví dụ, duyệt tìm ứng dụng trên Start Menu của Windows XP không tốn nhiều thời gian bằng việc di chuột qua những ô màu quá to của Start Screen trên Windows 8.
Không mấy bất ngờ, phản hồi của người dùng dành cho Windows 8 chỉ trở nên tốt đẹp hơn sau khi Microsoft tối ưu hệ điều hành này về hướng giao diện desktop truyền thống trên phiên bản 8.1. Đáng tiếc là những cải tiến này chỉ mang tính tình thế, và cho đến tận bây giờ thì hệ điều hành này đã không còn cơ hội để vượt mặt đàn em Windows 7 nữa.
Surface là sản phẩm dành cho một thế giới hoàn mỹ không tưởng
Tính "không tưởng" của Windows 8 thể hiện là ở chỗ bạn chẳng thể nào dung hòa giao diện cảm ứng với giao diện desktop truyền thống mà không làm khó chịu phần đông người dùng. Nếu đã từng sử dụng một chiếc Surface, bạn sẽ hiểu rằng việc dùng ngón tay để chọn các biểu tượng ribbon trên Office là vô cùng khó khăn. Ngay cả các tác vụ đơn giản như bôi đen văn bản và kéo thả cũng bất tiện và khó chịu gấp nhiều lần so với khi dùng chuột và bàn phím. Màn hình cảm ứng và chuột/bàn phím rõ ràng là đòi hỏi 2 loại giao diện khác biệt nhau, khó kết hợp trong cùng một hệ điều hành.
Bạn khó có thể kết hợp màn hình cảm ứng và bàn phím vật lý một cách tiện lợi được.
Nếu có cơ hội, bạn hãy thử đặt một chiếc laptop cảm ứng lên đùi và thử kết hợp sử dụng bàn phím cùng màn hình thay (thay vì dùng chuột). Gần như chắc chắn bạn sẽ nhận ra rằng ở tư thế như vậy, việc đưa tay lên màn hình là khá khó chịu. Đó là còn chưa kể tốc độ lựa chọn đầu mục với màn hình cảm ứng chưa chắc đã nhanh hơn trackpad và trackpoint, do tay bạn sẽ phải liên tục di chuyển từ bàn phím laptop lên trên màn hình.
Hoặc, bạn cũng có thể thử hình dung trải nghiệm cảm ứng trên một chiếc máy để bàn bình thường đặt trên bàn bằng cách thỉnh thoảng với tay từ bàn phím và chuột lên màn hình. Màn hình của bạn được đặt cao ở trước mặt (về mặt công thái học thì cạnh trên màn hình nên đặt ngang tầm mắt) và có thể cũng được đặt khá xa để bảo vệ mắt, còn bàn phím thì được đặt ở dưới tay. Ai cũng có thể nhận ra rằng một trải nghiệm như vậy là rất bất tiện và khó chịu.
Thử tưởng tượng chiếc desktop này có màn hình cảm ứng. Bạn có thấy trải nghiệm sử dụng sẽ là rất bất tiện nếu cố dùng cảm ứng hay không?
Nhưng quan trọng hơn cả, những chiếc desktop và laptop đã tồn tại rất nhiều năm mà không cần đến màn hình cảm ứng. Nếu thuộc về lứa tuổi 8X, 9X, bạn chắc hẳn đã có ít nhất 10 năm sử dụng máy vi tính với chuột và bàn phím, và rõ ràng là những chiếc máy vi tính này đã giúp cho bạn làm được tất cả những gì mà bạn muốn làm trên Windows. Việc thêm một yếu tố không cần thiết như màn hình cảm ứng thực chất sẽ không đem lại giá trị gì cho người dùng Windows truyền thống.
Vậy thì, hãy gắn chuột và bàn phím vào Surface?
Microsoft có lẽ cũng hiểu rõ điều này nên đã cố gắng hết sức để tách biệt 2 phần cảm ứng và desktop trên Windows 10. Tính năng Continuum cho phép Surface và những chiếc máy tính bảng "lai" khác có thể tự động chuyển đổi giữa 2 chế độ tablet và laptop, tùy vào tình trạng tháo/gắn bàn phím.
Nếu muốn sử dụng Surface Pro 3 một cách tiện dụng nhất, hãy coi chiếc tablet lai này là... laptop thuần.
Vấn đề với cách làm này là khi kết hợp 2 chế độ riêng biệt nhau vào cùng một sản phẩm, bạn cần phải đảm bảo rằng cả 2 chế độ đều mang lại giá trị cho người dùng. Giá trị của chế độ laptop thông thường là không cần phải bàn cãi, bởi cuối cùng thì đây vẫn là Windows với hơn 20 năm lịch sử.
Nhưng chế độ cảm ứng của Windows thì sao? Cho đến tận bây giờ, Microsoft vẫn chưa thu hút được nhiều ứng dụng có giá trị từ iOS và Android. Với kho ứng dụng quá nghèo nàn những cái tên "đỉnh" và hữu ích, Windows 10 không thể giúp cho Surface, Transformers hay IdeaPad phát huy đầy đủ tiềm năng tablet: hệ điều hành của Microsoft không có nhiều game casual, không có nhiều ứng dụng giải trí trực quan, không có nhiều ứng dụng sáng độc đáo bằng cảm ứng.
Cho đến tận bây giờ, Microsoft vẫn chưa có lời giải nào cho vấn đề đó cả. Nếu như gã khổng lồ phần mềm đãkhông thể vực Windows Phone dậy bằng ứng dụng, bạn hy vọng gì vào ứng dụng cảm ứng cho Windows desktop?
Thật trớ trêu là chúng tôi thường thấy người dùng Surface sử dụng chiếc tablet lai laptop này cùng bàn phím và chuột để sử dụng như laptop "loại thường". Ngay cả Surface Book mới ra mắt cũng được đánh giá cao nhờ sở hữu thiết kế đẹp và cấu hình mạnh như những chiếc laptop cao cấp thông thường khác. Tương tự, với ngoại lệ duy nhất là các ứng dụng đòi hỏi stylus, những chiếc máy All-in-One cỡ lớn có màn cảm ứng cũng không hề hấp dẫn hơn iMac hay các loại All-in-One không cảm ứng khác, bởi Microsoft đâu đã có ứng dụng nào hấp dẫn để tận dụng tính năng touch kích cỡ "khủng" này.
Windows vẫn còn rất, rất thiếu các ứng dụng cảm ứng thực sự có giá trị.
Nói tóm lại, màn hình cảm ứng, yếu tố chủ chốt làm nên thành công cho tablet, thực chất lại chẳng mang lại giá trị gì cho laptop và desktop thông thường cả. Một lần nữa, hãy đừng để cho những gì bạn thấy đánh lừa bạn: Surface Pro 3 hay Surface Book vẫn là những thiết bị phần cứng rất tuyệt vời, nhưng nếu loại bỏ tính năng cảm ứng trên những chiếc tablet lai này thì bạn vẫn sẽ có những chiếc laptop rất tuyệt vời, thậm chí là ở mức giá thấp hơn (vì giảm được chi phí màn hình). Bạn chẳng mất gì khi phải bỏ lỡ phần cảm ứng trên Windows 10 cả.
Microsoft, xin hãy suy nghĩ lại!
Mới gần đây, gã khổng lồ phần mềm vừa hào hứng đưa ra tuyên bố rằng Windows 10 đã đạt hơn 110 triệu thiết bị cài đặt chỉ trong vòng 3 tháng sau khi lên kệ.
Cùng lúc, số liệu của cả 2 công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới là IDC và Gartner cho thấy doanh số PC trong quý 3 vừa qua (quý đầu tiên Windows 10 phát hành chính thức) đã sụt giảm tới 7% - 11% so với cùng kỳ 2014. Điều này cho thấy Windows 10 đã không thể hồi sinh cho thị trường PC èo uột vẫn đang trên đường tuột dốc 10 năm qua.
Trước thềm sự kiện 6/10 vừa qua, phó chủ tịch Microsoft Terry Myerson công bố một bức hình mỉa mai lời nói của Tim Cook...
Hai sự kiện tưởng chừng như đối lập nhau này thực chất lại không có gì tương phản: Sự đón nhận nhiệt tình của người dùng dành cho hệ điều hành mới của Microsoft là bởi, khác với Windows 8, Windows 10 đã mang trải nghiệm Windows desktop thực thụ trở lại với người tiêu dùng trên toàn cầu. Người tiêu dùng không thèm khát những trải nghiệm "lai" trên các thiết bị phần cứng mới mẻ chạy Windows 10, dẫn tới tình trạng suy giảm kéo dài.
Trong bối cảnh đó, giải pháp giúp cho Microsoft có thể thực sự vực dậy thị trường PC (và có thể là góp phần hồi sức cho Windows 10 Mobile nữa) có lẽ là làm theo Apple: cho dù các hệ điều hành, các thiết bị có nhiều điểm chung đến mấy thì hãy cứ phát triển chúng một cách riêng biệt và chuyên biệt hóa. Không ai dám khẳng định một phiên bản Windows "thuần túy" cho smartphone và tablet có thể làm nên chuyện hay không, nhưng ít nhất thì một phiên bản dành riêng cho những chiếc PC truyền thống vẫn sẽ làm nên chuyện. PC có thể suy giảm nhưng sẽ không bao giờ chết, và Mac OS X vẫn còn có giá phần cứng quá đắt, Linux vẫn còn chưa đủ hoàn thiện để thay thế hoàn toàn cho Windows trong cả thị trường doanh nghiệp lẫn thị trường người tiêu dùng.
... Nhưng để hấp dẫn người dùng, gã khổng lồ phần mềm vẫn chỉ mang Surface Book ra so sánh với một chiếc laptop đối thủ.
Microsoft, xin đừng mang máy nướng bánh kết hợp với tủ lạnh.
Gia Cường
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét