Stress sẽ là cản trở lớn nhất trên con đường tới Sao Hỏa của con người trong vòng 20 năm tới.
Hệ thống tên lửa SLS, phương tiện được NASA hy vọng sẽ đưa con người tới Sao Hỏa.
Mục tiêu lớn nhất trong thời điểm hiện tại của NASA và nhiều cơ quan hàng không vũ trụ khác trên toàn cầu là đưa con người tới Sao Hỏa.
Đó sẽ là một hành trình mang đầy hy vọng của con người, nhưng sức ép về mặt tâm lý và thể lực sẽ là vô cùng to lớn. Các nhà phi hành gia sẽ phải dành một quãng thời gian dài sống trong các không gian chật hẹp, cách xa gia đình tới hàng triệu kilomét, chưa kể tới các nhiệm vụ khó khăn, gấp gáp về mặt thời gian. Cộng với môi trường sống không trọng lực, tất cả các yếu tố gây stress này có thể khiến các phi hành gia bị mệt mỏi, buồn bã, thiếu sinh lực và khó ngủ.
Trong đoạn video mới có tên "Thử thách của Sao Hỏa với con người: Stress", NASA khẳng định "Nhiệm vụ tới Sao Hỏa sẽ gây stress nhiều hơn bất cứ nhiệm vụ nào trước đây".
Hiện tại, Cơ quan Hàng không Vũ trụ của Mỹ đang nghiên cứu cách các đội ngũ phi hành gia trên trạm vũ trụ ISS thực hiện nhiệm vụ và tương tác cùng nhau trong các môi trường chật hẹp. NASA cũng đang nỗ lực tìm hiểu mức ảnh hưởng của các chuyến đi dài ngày trong vũ trụ tới con người, thông qua 2 nhà du hành vũ trụ đang thực hiện một nhiệm vụ 1 năm trên ISS.
NASA hiện đang thử nghiệm các môi trường sống dành cho các phi hành gia Sao Hỏa.
Các công nghệ mới giúp cho các phi hành gia ngủ đều đặn và chống mệt mỏi cũng đang được nghiên cứu. Một vấn đề quan trọng khác đang được NASA tìm hiểu là khả năng đưa phi hành gia vào giấc ngủ sâu trên hành trình 180 ngày tới Sao Hỏa. Cuối cùng, cơ quan này cũng đang tìm hiểu ảnh hưởng của môi trường không trọng lực với não bộ và cơ thể con người.
Lê Hoàng
Theo Cnet
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét