Lúc mới ra mắt, Windows 10 có thời gian khởi động khá nhanh và người dùng rất thích thú về điều này. Tuy nhiên, sau khi cập nhật lên các phiên bản gần đây, cụ thể là ở phiên bản Windows 10 Anniversary thì người dùng có thể nhận thấy thời gian khởi động của Windows 10 có vẻ chậm chạp lại.
Bài viết này chúng ta sẽ cùng tham khảo qua một số các gợi ý để rút ngắn thời gian khởi động trên Windows 10 Anniversary. Mời bạn đọc cùng tham khảo.
Vô hiệu hóa các dịch vụ không liên quan
Đầu tiên, cần khẳng định rằng việc tắt bớt các dịch vụ không phải trong 100% trường hợp lúc nào cũng làm tăng hiệu năng hệ thống của bạn. Mỗi dịch vụ có thể gây ảnh hưởng khác nhau lên hệ thống – cả về mặt hiệu năng lẫn độ ổn định, và chỉ nên thay đổi chúng khi bạn đã nắm rõ được những ảnh hưởng mà việc đó có thể gây ra.
Tuy nhiên, trên Windows 10 Anniversary chúng ta có thể vô hiệu hóa hết các dịch vụ được thiết lập bởi các phần mềm mà mình đã cài đặt mà không phải lo về các vấn đề phát sinh. Cụ thể như sau.
Bước 1: Nhập lệnh “msconfig” vào hộp thoại Run và nhấn phím ENTER để gọi hộp thoại “System Configuration”.
Bước 2: Trong System Configuration, bạn hãy đánh dấu vào lựa chọn “Hide all Microsoft Services” để ẩn hết các dịch vụ hệ thống.
Bước 3: Bây giờ bạn hãy lựa chọn các dịch vụ nào mình muốn vô hiệu hóa hoặc nhấn vào lựa chọn “Disable all” để vô hiệu hóa tất cả.
Khi đã chọn xong, hãy nhấn Apply > OK để lưu lại và khởi động lại Windows để thay đổi có hiệu lực.
Trường hợp Windows 10 của bạn có cài đặt sẳn ứng dụng Windows Media Center nhưng bạn không dùng đến thì có thể vô hiệu hóa luôn 2 dịch vụ của nó là “Windows Media Center Receiver” và “Windows Media Center Scheduler service”.
Kích hoạt tính năng Fast Startup
Fast Startup là một trong những tính năng mới được tích hợp trên hệ điều hành Windows 10, 8.1 và 8. Tính năng này cho phép máy tính của bạn khởi động nhanh hơn. Rất có thể trong thời gian sử dụng, một vài thiết lập đã vô tình hủy kích hoạt tính năng này. Do đó, bạn có thể kiểm tra và kích hoạt lại bằng cách làm như sau.
Bước 1: Nhấn phải chuột vào nút Start và chọn Control Panel. Sau đó tìm đến nhóm System and Security và nhấn vào Power Options. Hoặc chỉ đơn giản là nhấn vào Power Options.
Bước 2: Trong Power Options, bạn hãy nhấn vào tùy chọn “Choose what the power buttons do” bên trái cửa sổ.
Bước 3: Trong giao diện System Settings của Power Options, bạn hãy nhấn vào tùy chọn “Change settings that are currently unavailable”.
Sau đó bạn hãy cuộn xuống cuối trang và đánh dấu vào lựa chọn “Turn on fast startup (recommended)” và nhấn “Save changes” để lưu lại.
Trường hợp nếu bạn nhận thấy lựa chọn Fast Startup không có sẳn, hãy nhấn phải chuột vào nút Start và chọn “Command prompt (Admin)”. Sau đó nhập vào lệnh “powercfg /hibernate on” rồi nhấn phím ENTER để thực thi.
Khởi động lại Windows và làm theo các bước trên để kích hoạt Fast Startup.
Gỡ cài đặt các phần mềm không cần thiết
Một số các phần mềm mà bạn vô tình cài đặt, cũng như ít sử dụng đôi khi cũng chính là nguyên nhân làm kéo dài thời gian khởi động của Windows. Ngoài ra, các dữ liệu phát sinh của các phần mềm này cũng góp phần chiếm không gian lưu trữ của ổ cứng và còn làm giảm hiệu năng của toàn hệ thống. Do đó, bạn cần nên sàng lọc lại và loại bỏ các phần mềm dạng này.
Đơn giản, bạn chỉ việc nhấn phải chuột vào nút Start và chọn Programs and Features.
Cửa sổ Programs and Features xuất hiện, lúc này bạn hãy tìm đến phần mềm mình không dùng hoặc “lạ”, nhấn phải chuột vào nó và chọn “Uninstall/Change”.
Dọn dẹp Registry và System
Trong quá trình cài đặt hoặc gỡ bỏ các phần mềm, các khóa Registry và tập tin tạm được sinh ra và vẫn còn tồn tại trong Windows. Khi số lượng của chúng đạt đến một ngưỡng nào đó, hệ thống sẽ quá tải và kéo theo đó là hiệu suất của Windows sẽ giảm đi đáng kể. Do đó, trong vài trường hợp việc dọn dẹp Registry và System thực sự là cần thiết và mang đến hiệu quả.
Lựa chọn được khuyên dùng ở đây là phần mềm Ccleaner của hãng Piriform. Thêm vào đó, việc hỗ trợ tiếng Việt, cũng như các công cụ khác với cách sử dụng đơn giản đã là ưu điểm mà người dùng nên lựa chọn phần mềm này trong việc dọn dẹp và tối ưu hệ thống.
Vô hiệu hóa các tiến trình khởi động cùng Windows
Khi cài đặt một số các phần mềm hoặc driver, một số các tiến trình sẽ được thiết lập để khởi động cùng Windows nhằm đảm bảo các phần mềm hoặc driver luôn kết nối và thông báo phiên bản mới khi có cập nhật được phát hành. Chính vì lẽ đó nên có thể đây chính là nguyên nhân dễ xác định nhất trong trường hợp thời gian khởi động bị kéo dài.
Để tiến hành kiểm tra và vô hiệu hóa các tiến trình này, bạn hãy khởi động Task Manager lên bằng cách nhấn phải chuột vào thanh Taskbar và chọn Task Manager.
Trong Task Manager, bạn hãy nhấn vào tab Startup, sau đó nhấn phải chuột vào các tiến trình không cần thiết và chọn “Disable” là xong.
Genk
bài viết rất hay
Trả lờiXóa