Sạch sẽ quá chưa hẳn đã tốt

Trang tin BBC dẫn một nghiên cứu mới đây cho thấy thói quen sinh hoạt quá sạch sẽ chưa hẳn là một việc tốt.

Thói quen hàng ngày của bạn là gì? Bạn tắm vào mỗi buổi sáng hay bỏ qua việc này trong vài ngày? Bạn có thay đổi ga trải giường hàng tuần hoặc chỉ làm điều này khi chúng đã bốc mùi?
Chúng ta đang sống trong thời đại của sự sạch sẽ. Xà phòng của chúng ta là chất diệt khuẩn và việc tẩy rửa đồ gia dụng có thể diệt đến 99,9% vi trùng. Các vi khuẩn có hại hầu như không có cơ hội khi con người tuân thủ các quy tắc vệ sinh này.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học cũng nói rằng việc ăn ở quá sạch cũng không hoàn toàn đúng bởi vì nó là nguồn cơn gây ra bệnh hen suyễn và dị ứng. Vì vậy, cần có một sự cân bằng giữa việc giữ vệ sinh sạch sẽ và thích ứng với các vi khuẩn trong môi trường xung quanh chúng ta.
Từ những năm cuối thế kỷ 19, một bác sỹ người Đức tên là Robert Koch đã khám phá ra rằng một số bệnh cụ thể được gây ra bởi virus. Do đó, việc vệ sinh sạch sẽ giúp cải thiện sức khỏe của chúng ta.
Tuy nhiên, không phải tất cả các vi khuẩn đều có hại. Có những vi khuẩn gây ra bệnh khó chịu hoặc thậm chí chết người nhưng cũng có không ít vi khuẩn có ích, thậm chí là tốt cho sức khỏe của chúng ta. Ví dụ, chúng giúp tổng hợp vitamin trong ruột của chúng ta, hay làm "chiếc áo khoác" ngoài lớp da của chúng ta để chống lại vi khuẩn có hại. Ngoài ra, vi khuẩn cũng giúp chúng ta tiêu hóa được thức ăn một cách dễ dàng. Bên ngoài cơ thể chúng ta, các vi khuẩn có ích phân hủy các chất thải hữu cơ, giúp cân bằng lượng khí oxy và ni-tơ trong không khí…, đây là những yếu tố rất cần thiết cho sự sống của chúng ta. Vì vậy, ngày nay các nhà khoa học cho rằng quá sạch chưa hẳn đã tốt.
Năm 1989, David Strachan, một nhà dịch tễ người Anh là người đầu tiên cho rằng việc tiếp xúc với bệnh nhiễm trùng trong thời thơ ấu sẽ cung cấp khả năng chống dị ứng tốt hơn cho con người sau này. Ý tưởng này được gọi là "Giả thuyết vệ sinh". Dị ứng là cách vi khuẩn phản ứng một cách thái quá với các vi khuẩn có lợi bởi vì cơ thể chúng ta đã quên mất cách chung sống hòa bình với chúng.
Vậy chúng ta phải làm như thế nào?
Hãy để trẻ em giẫm lên một ít bụi bẩn trên sàn nhà hơn là các bà mẹ vội vã lao sạch và khử trùng vì lo ngại vi khuẩn làm hại bé. Graham Rook, một nhà dịch tễ học tại Đại học London cho biết, điều này sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của vi sinh vật trên cơ thể trẻ và làm giảm dị ứng. Ông nói thêm rằng một chế độ ăn uống đa dạng tốt hơn là chỉ dùng mãi một loại nông sản nào đó. Và việc vui chơi, tập luyện sẽ tốt hơn khi diễn ra trong tự nhiên thay vì phòng tập thể dục. Và trong khi đa số nghĩ rằng, điều này là dơ bẩn thì nó lại giúp cho hệ vi sinh vật trên cơ thể chúng ta đa dạng hơn (bao gồm cả những vi khuẩn có ích) và ngăn ngừa được một số chứng dị ứng trong tương lai.
Mặt trái của việc sạch sẽ
Theo một cách nào đó, có thể coi hệ thống miễn dịch của chúng ta như là một nông dân. Nó đảm bảo hoạt động của các vi sinh vật quan trọng, cân bằng quá trình sinh lý học, trao đổi chất đồng thời loại trừ các vi khuẩn có hại cho cơ thể. Không có gì ngạc nhiên khi sự thiếu đa dạng vi sinh vật trong cơ thể chúng ta lại có liên quan đến hàng loạt chứng bệnh.
Mary Ruebush, nhà vi sinh học và giảng viên tại Trường Giáo dục chuyên nghiệp Becker nói rằng: "Các microbiome (là một hệ sinh thái gồm các vi khuẩn, thực khuẩn thể, nấm, động vật nguyên sinh và virus) có liên quan đến khả năng miễn dịch, tự kỷ, dị ứng, tâm trạng và sự phát triển của hệ thống thần kinh trung ương của chúng ta". Và việc tiếp xúc với hệ sinh thái này bắt đầu từ lúc chúng ta sinh ra. Đặc biệt, những đứa trẻ sinh thường có tỷ lệ đề kháng bệnh tật, dị ứng cao hơn nhiều so với sinh mổ mà nguyên nhân là do chúng được tiếp xúc với hệ vi khuẩn trong âm đạo người mẹ.
Việc tiếp xúc sớm với vi khuẩn có thể là một lợi ích to lớn cho sức khỏe của chúng ta. Giống như từ nhỏ chúng ta đã "làm bạn" với chúng và sẽ không trở nên "sốc" khi tiếp xúc với chúng trong tương lai.
Điều này có thể dẫn đến một lời giải cho bài toán đi tìm một cuộc sống lành mạnh hơn cho con người. Rook chắc chắn sẽ không ủng hộ việc bỏ qua các hành động cần thiết như rửa tay bởi vì bàn tay bẩn là nguyên nhân lây lan của bệnh nhiễm trùng. Vậy phải làm thế nào cho tốt khi tay bị dơ? Câu trả lời là bạn phải sử dụng xà phòng và nước chà sát tay khoảng 15 giây, sau đó rửa sạch dưới vòi nước rồi lau tay khô. Việc chà sát sẽ tách các vi trùng ra khỏi tay của bạn.
Nhưng không phải tất cả các bộ phận của cơ thể lúc nào cũng cần tắm rửa nghiêm ngặt. Việc tắm rửa quá kỹ, quá thường xuyên sẽ làm mất cân bằng vì làm ảnh hưởng đến các vi khuẩn có lợi khi chúng đang cạnh tranh với các "phần tử" có hại khác trên cơ thể của bạn. Ruebush cho biết: "hoạt động của hệ miễn dịch trong môi trường vô trùng cũng giống như việc tước đi cảm giác của não". Và cuối cùng, khi chúng "mất đi trí nhớ", bạn sẽ dễ dàng bị dị ứng với tất cả mọi thứ xung quanh mình. Bà nói rằng, việc tắm hàng ngày dưới vòi sen là không tốt vì chúng loại bỏ các "vi khuẩn tốt" từ da của chúng ta. Nhưng bạn phải chú ý vệ sinh kỹ bộ phận sinh dục và những nơi thường đổ mồ hôi nhiều. Một điều quan trọng nữa là bạn nên thay đồ lót mỗi ngày.
Mặt trái của việc sạch sẽ
Giải pháp cho môi trường xung quanh là không nên làm cho chúng quá sạch sẽ. Điều này cũng không đồng nghĩa với việc bạn sẽ dùng một con dao vừa cắt cá để đi thái rau, điều này sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn cho gia đình bạn.
Bạn phải lưu ý rằng, có đến 70% các con gà bị nhiễm Campylobacter, một loại vi khuẩn có thể gây ra ngộ độc thực phẩm và nếu bạn không vệ sinh kỹ thớt sau khi chặt gà thì nguy cơ sẽ còn tăng lên rất nhiều lần.
Nguy hiểm từ độ ẩm
Các nghiên cứu cho thấy, các khăn trải giường tại bệnh viện và khăn tắm có thể dễ dàng lây lan virus và vi trùng. Mặc dù nguy cơ từ gia đình của chúng ta không cao như môi trường bệnh viện nhưng các khăn ướt mịn có thể đem đến một vài vấn đề.
Bloomfield nói: "không có một chứng cứ khoa học cụ thể nào về cách thức để chúng ta thay đổi khăn trải giường, khăn tắm…" nhưng đủ để khẳng định đó là nguy cơ lây nhiễm từ trong nhà. Bà khuyến cáo nên thay đổi khăn trải giường và khăn tắm khoảng một lần một tuần và cảnh báo không nên chia sẻ khăn tay hay các vật dụng vệ sinh cá nhân khác.
Bloomfield cho rằng, vải ẩm ướt là nơi trú ẩn của những vi sinh vật có hại và đó là lí do vì sao các khăn trong nhà bếp hay phòng tắm cần được bỏ đi sau khi sử dụng. Nếu không được, hãy giặt sạch và làm khô chúng ngay lập tức. Việc giặt khăn tắm và khăn trải nên được thực hiện ở 60 độ C để đánh bại vi khuẩn hoặc sử dụng bột giặt nếu nước ở nhiệt độ thấp hơn.
Khi nói đến phòng tắm, quá ít người đóng nắp vệ sinh khi xả nước. Nhưng bạn nên suy nghĩ lại thói quen này vì việc mở nắp chính là điều kiện để phát tán rộng khắp các vi khuẩn có hại.
Pyjama (đồ ngủ) là một điểm yếu trong vệ sinh cá nhân của nhiều người. Một số cuộc khảo sát cho thấy nhiều người để chúng có mùi trước khi quyết định giặt giũ. Thay đổi chúng ít nhất 1 tuần 1 lần, đó là lời khuyên của các chuyên gia. Tất nhiên các nhà khoa học không bảo chúng ta tập sống bẩn để tốt cho sức khỏe. Thay vào đó, hãy cố gắng để mọi người, nhất là trẻ em tiếp xúc với đất và thảm thực vật, nơi có rất nhiều các vi khuẩn có lợi cho sức khỏe. lkka Hanski, một nhà sinh vật học tại Đại học Helsinki tại Phần Lan khuyên rằng: "nếu bạn có một ngôi nhà, hãy trồng một vài thực vật bản địa, để chúng phát triển tự nhiên và chỉ cắt tỉa một hoặc lần trong năm". Chưa kể việc tiếp xúc chân đất với nền nhà và mặt đất còn giúp giải phóng bớt các thặng dư điện tích trong người.
Nhiều người bị ám ảnh vệ sinh thái quá
Sức mạnh sau khi đau ốm
Nghiên cứu trên có rất nhiều lợi ích cho việc nhận thức về sức khỏe của con người. Trẻ em lớn lên trong một môi trường mà không bị ám ảnh sạch sẽ có tỷ lệ dị ứng và hen suyễn thấp hơn. Một số vi khuẩn cũng tích cực bảo vệ chúng ta khỏi bệnh đường ruột và thậm chí là cả chứng lo âu và trầm cảm.
Một cuộc sống khỏe mạnh hơn có vẻ như  có thể được thúc đẩy bởi sự tiếp xúc với vật nuôi, vi sinh vật vô hại nhưng rất quan trọng như bụi bẩn, thực phẩm và nước. "Tiếp xúc với vi khuẩn là rất quan trọng cho việc điều tiết sự cân bằng hệ vi sinh vật trên cơ thể" Thom McDade, một nhà nhân chủng học sinh học ở Northwestern, Evanston, Illinois nói.
Nếu "Giả thuyết vệ sinh" là chính xác, nó có thể giải thích sự gia tăng nhanh chóng của hai trường hợp hen suyễn và dị ứng trong hai mươi năm qua. Tất nhiên, có những giải thích khác nữa, ví dụ như xu hướng sử dụng rộng rãi nước tinh khiết, việc lạm dụng thuốc kháng sinh và tất nhiên là ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chúng ta.
Mặt trái của việc sạch sẽ
"Có khả năng những yếu tố này liên quan một phần đến lối sống phương Tây. Thuốc kháng sinh sẽ ảnh hưởng đến các vi khuẩn có lợi trong cơ thể chúng ta và do đó gây tổn hại đến phản ứng miễn dịch của cơ thể", Hanski nói. Ngược lại, nhà khoa học này cũng khẳng định vắc-xin không có hại và chúng không có vai trò trong việc tăng khả năng dị ứng ở con người.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết mỗi khi bạn khỏi bệnh, bạn sẽ mạnh mẽ lên một chút, họ có một thông điệp gửi đến tất cả mọi người: "việc muốn nhanh chóng chữa khỏi một vài triệu chứng bệnh nhỏ sẽ dẫn đến việc cơ thể có sức đề kháng yếu đi". Nếu có thể, hãy tìm một liệu pháp tự nhiên thay vì quá phụ thuộc vào kháng sinh cho các bệnh cảm, ho thông thường.
VNReview
Chia sẻ lên Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 Nhận Xét:

Đăng nhận xét