Có lẽ chuyện thử nghiệm độ bền một chiếc máy ảnh ở trong phòng thí nghiệm là quá đỗi bình thường. Vì thế Leica đã quyết định đem chiếc X-U ra trải nghiệm ở môi trường thực tế để xem sức chịu đựng của sản phẩm này đạt được đến đâu.
Jody MacDonald, một nữ nhiếp ảnh gia người Canada từng mơ ước được chu du qua Sahara, một vùng đất khô cằn và rộng lớn đến nỗi có thể so sánh được với diện tích của Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Hơn thế nữa, cô còn muốn được quá giang trên một chuyến tàu chở hàng dài nhất thế giới: tàu chở quặng sắt Mauritania.
May mắn thay, Jody MacDonald đã được Leica ngỏ lời mời nhằm "biến" ước mơ của cô thành hiện thực. Jody sẽ được đến vùng đất Sahara khắc nghiệt và kèm theo đó ghi lại toàn bộ chuyến hành trình này bằng chiếc Leica X-U.
Đây là chiếc máy ảnh chuyên dụng chống nước, chống sốc và chống bụi bặm đầu tiên của Leica mới được trình làng vào tháng 1/2016. Bên trong lớp "áo giáp dày" của thiết bị này là cảm biến crop APS-C độ phân giải 16MP cùng ống kính tiêu cự 35mm f/1.7.
Tại Nouakchott, Mauritania, nữ nhiếp ảnh gia đã đặt chân lên tàu chở quặng và bắt đầu chuyến hành trình đi theo phía Tây Bắc, được trải nghiệm nhiều khoảnh khắc khác nhau từ việc gặp những người du mục, đi qua khu nghĩa địa tàu bị đắm, hoặc đến những nơi hoang vu và đầy cát bụi.
Với 2,5km đường tàu, con tàu này cũng đưa Jody xuyên qua những nơi nóng nhất của sa mạc, len lỏi vào trong những cơn bão cát nguy hiểm. Tuy nhiên, điều này không làm cô chùn bước, nó còn khiến cô càng có nghị lực hơn nữa:
"Khi tôi còn trẻ, tôi hay lướt qua các trang tạp chí National Geographic và mơ ước có một chuyến du hành đến đây, được nhảy lên một trong những còn tàu dài nhất thế giới đi xuyên qua Sahara. Đây là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi trong đời, khi mà ước mơ của bạn được biến thành hiện thực và nó diễn ra như đúng những gì bạn từng tưởng tượng..."
Mới đây trang tin Bokeh đã có cơ hội gặp gỡ nữ nhiếp ảnh gia này để nghe về những chia sẻ của cô sau chuyến đi, và đặc biệt hơn là để biết được cảm giác của cô thế nào khi trải nghiệm ở Sahara chỉ với một chiếc máy ảnh nhỏ bé.
"Tôi thật sự thích thú khi bị giới hạn bởi một thiết bị chụp ảnh cùng ống kính một tiêu cự. Tôi nghĩ rằng càng bị hạn chế thì con người chúng ta sẽ càng sáng tạo hơn. Tôi đã phải tiến gần hơn và việc bố cục khung ảnh cũng phải khác đi so với những gì tôi thường làm", Jody MacDonald chia sẻ.
"Tôi mường tượng tấm ảnh muốn chụp trong đầu mình nhưng khi bắt đầu chụp và nhìn trong kính ngắm, tôi lại bắt đầu nghĩ rằng: kiểu chụp này không ổn, làm sao để mình có thể chụp tốt hơn?. Đây không những là động lực duy nhất khiến bạn phải sáng tạo hơn mà còn khiến bạn nhận ra rằng bạn chẳng cần nhiều thiết bị chụp ảnh cùng hàng tá ống kính kèm theo. Bạn vẫn có thể hoàn thành được tốt dù có bị giới hạn đi chăng nữa".
VNReview
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét