Chiếc máy mà VnReview trải nghiệm sở hữu cấu hình gồm: chip Intel 4 nhân Core i5-6300 HQ, card đồ hoạ rời GTX 960M, ổ HDD 1 TB có 8 GB cache SSD và RAM 8 GB.
Thị trường laptop chơi game vẫn thường là một thị trường "ngách" (nhỏ hẹp, không dành cho số đông). Đối tượng của dòng sản phẩm này là những game thủ thường xuyên phải di chuyển, không có nhiều thời gian để ngồi cố định một chỗ. Và tất nhiên, đây cũng phải là lượng người dùng dư dả về tài chính, vì để có trải nghiệm game đúng nghĩa, kể cả trên desktop cũng hết sức tốn kém. Do đó mới đây, hãng Dell (Mỹ) đã tung ra một loạt model thuộc series Inspiron 15 7000 nhắm tới thị trường này.
Nhưng trước khi đi sâu vào model mà chúng tôi sắp đề cập, bạn cần biết rằng series 7000 của Dell hiện chỉ có 4 mẫu cùng mang số hiệu 7559. Khác biệt chính giữa chúng là cấu hình sản phẩm và màu sắc bên ngoài cũng như giá thành. Trong đó bản cao cấp nhất có màn hình cảm ứng 4K (3840 x 2160 pixel), dùng chip Core i7 và RAM 16 GB, có giá tới 1300 USD (gần 29 triệu đồng). Phiên bản thấp hơn cũng có cấu hình tương đương nhưng RAM 8 GB sở hữu mức giá "mềm" hơn: 1100 USD (hơn 24 triệu). Phiên bản thứ 3 hạ độ phân giải xuống mức Full HD (1920 x 1080 pixel) không hỗ trợ cảm ứng với RAM 8 GB có giá 900 USD (hơn 20 triệu). Sau cùng là mẫu mà chúng tôi trải nghiệm cũng tương tự phiên bản thứ 3 nhưng dùng chip Core i5 thay cho i7, giá 800 USD (gần 18 triệu).
Thoạt nghe bạn có thể nghĩ người dùng Việt Nam bị "phân biệt đối xử". Song theo chúng tôi đánh giá, đây là bước đi hợp lý của Dell Việt Nam với loại sản phẩm "kén người dùng" này. Lý do sẽ được giải thích ở cuối bài.
Cấu hình và thiết kế bên ngoài
Những con số ở trên chỉ là các khác biệt giữa các mẫu sản phẩm. Còn sau đây là cấu hình cụ thể của mẫu Inspiron 15 7559 giá 800 USD:
- CPU: Intel Core i5-6300 HQ @ 2.2 GHz (thế hệ thứ 6 tức Skylake 14 nm)
- RAM: 8 GB DDR3-1600 Single Channel
- Đồ hoạ: Intel HD Graphics 530 (tích hợp), NVIDIA GeForce GTX 960M 4 GB GDDR5 hỗ trợ DirectX 12 (rời)
- Màn hình: 15.6 inch @ Full HD (1920 x 1080 pixel) chống chói, không hỗ trợ cảm ứng
- Lưu trữ: HDD Seagate 1 TB @ 5400 rpm, 8 GB SSD SK Hynix làm bộ nhớ đệm
- Các cổng kết nối: 1 cổng HDMI 1.4a (tối đa 4K), 3 cổng USB 3.0 (1 cổng hỗ trợ sạc di động), 1 ổ khoá Kensington, 1 khe đọc thẻ nhớ SD và MMC, 1 cổng Ethernet LAN (RJ-45), 1 jack cắm tai nghe 3,5 mm
- Kết nối không dây: Wi-Fi 802.11ac (hỗ trợ băng tầng 2,4 & 5 GHz), Bluetooth 4.0
- Hệ điều hành: Windows 10 Home 64-bit
- Kích thước: 383 x 265 x 25,3 mm
- Cân nặng: 2,57 kg (bản màn hình 4K nặng 2,72 kg)
- Pin: 6 cell @ 74 Wh (tích hợp trong máy)
Máy có kích thước khá lớn
Cấu tạo hệ thống tản nhiệt của Inspiron 15 7559. Ảnh: Dell
Do có màn hình 15.6 inch, nên nếu đã quen với những laptop 14.1 hay 13.3 inch phổ thông khác, bạn sẽ thấy Inspiron 15 7559 khá đồ sộ khi đặt bên cạnh các máy khác. Nhưng kích thước này to lớn này phần nào có nguyên nhân của nó. Với những cỗ máy được trang bị card đồ hoạ (GPU) rời, thường nhiệt lượng toả ra rất nhiều khi chạy các ứng dụng 3D nặng. Do vậy nếu thiết kế quá chật chội về không gian có thể khiến cho chip bị nóng dẫn tới treo ứng dụng, treo toàn bộ máy hoặc tệ hơn là cháy cả chip. Và chi phí sửa chữa sẽ rất cao khi phải thay chip mới. Nên con số 15.6 inch của Inspiron 15 7559 khá hợp lý cho một cấu hình cao cấp như vậy.
Số khe tản nhiệt trên máy rất lớn
Đáng chú ý hơn, ở phía sau máy, bên dưới thân máy và bên hông trái máy, Dell đã thiết kế rất nhiều khe tản nhiệt để chủ động đẩy khí nóng ra ngoài. Nếu lật ngửa mặt dưới lên, bạn sẽ thấy 2 quạt tản nhiệt nằm ở 2 bên, với mỗi quạt chịu trách nhiệm chính cho CPU hoặc GPU rời. Ưu điểm của thiết kế này vẫn là để tản nhiệt hiệu quả hơn. Song nhược điểm của nó là bụi (trong không khí) sẽ dễ bám dính nhiều hơn, đòi hỏi người dùng cần vệ sinh thường xuyên để các khe nhiệt không bị bụi đóng dày đến mức mất chức năng tản nhiệt.
Trước, sau và 2 bên hông sản phẩm
Và như đã nói, kích thước Inspiron 15 7559 không chỉ giúp cho máy tản nhiệt tốt hơn, nó còn cho phép các kỹ sư Dell thoải mái hơn trong việc dồn các cổng kết nối ra 2 bên hông máy, giữ cho phía trước và phía sau thiết bị được "tinh gọn" nhất có thể.
Ở hông bên trái ngoài khe tản nhiệt, bạn còn có cổng nguồn, 2 cổng USB 3.0 và và 1 jack tai nghe 3,5 mm. Còn hông bên phải là khe cắm khoá chống trộm, cổng LAN, cổng HDMI, cổng USB 3.0 và khe đọc thẻ nhớ 2-trong-1. Tuy vậy, chúng tôi hơi thất vọng vì lượng không gian thừa còn khá nhiều. Dell có thể thêm vào 1 cổng USB khác hoặc 1 cổng DisplayPort, hoặc khe ExpressCard, hoặc 1 khay SATA phụ (dạng caddy) để người dùng có thể bổ sung thêm 1 ổ HDD hoặc SSD thứ hai nhằm tăng cường tốc độ/khả năng lưu trữ.
Inspiron 15 7559 có 1 loa siêu trầm phía dưới máy
Điểm không thể không nhắc đến trên chiếc laptop này chính là bộ loa siêu trầm nằm bên dưới thân máy. Dell không nêu rõ công suất "gây ồn" của sản phẩm này nhưng qua đánh giá sơ bộ của chúng tôi, nó đủ để cả văn phòng phải ngước nhìn khi bật 100% công suất. Tuy vậy, dù tiếng to và rõ, song các khoảng âm vực tỏ ra không đủ sâu rộng và chi tiết. Nhưng dù sao, chất lượng âm thanh trước nay vẫn không phải là thế mạnh của laptop. Và vì để tập trung chơi game mà không bị sao nhãng, lời khuyên dành cho bạn vẫn là có một chiếc headphone riêng.
Kiểu thiết kế tạo cảm giác máy mỏng dần từ sau ra trước
Nói về các đường nét thiết kế, Inspiron 15 7559 không vuông vức như các mẫu laptop doanh nhân khác. Mặt cắt ngang sản phẩm này có dạng hình bình hành nghiêng về phía trước thay cho hình chữ nhật, giúp tạo ra một điểm nhấn riêng khá cá tính. Tông màu chủ đạo của cỗ máy là đen nhám được điểm xuyết bởi các vạch đỏ tạo một sức hấp dẫn riêng. Ngoài ra, một phần lý do khiến Dell hạn chế các giao tiếp khác ở sản phẩm này là ở mặt dưới, vỏ máy được vát cong dần từ sau ra tới trước. Thành thực mà nói thì chúng tôi không rõ việc "tạo dáng" ấy có đem lại lợi ích gì không nhưng nó đã làm giảm khả năng mở rộng giao tiếp.
Gờ nổi phía sau máy giúp tăng thêm hiệu quả tản nhiệt
Bên cạnh đó, để tăng cường thêm khả năng trao đổi nhiệt với môi trường, Dell đã "cố ý" thêm vào mặt dưới máy 2 dải nhựa màu đỏ rất nổi bật trên nền đen, nhằm giúp "kê" máy cao hơn lên. Trong đó, dải ở phía gờ màn hình dày hơn đáng kể so với dải phía trước máy. Lý do là các khe thoát nhiệt chính đều nằm hết ở phía sau sản phẩm này.
Bàn phím, touchpad và màn hình
Màn hình của máy không thể mở được hết 180 độ
Do mặt cắt có dạng hình bình hành, màn hình Inspiron 15 7559 không thể mở ra được hết 180 độ. Dù rằng đây không phải là một yêu cầu bắt buộc song nó sẽ hạn chế rủi ro hư hỏng do người dùng "lỡ tay" đè mạnh màn hình ra phía sau. Chúng tôi nêu ra chi tiết này là do vỏ máy được làm hoàn toàn từ nhựa. Chất liệu này không phải kém cỏi gì nhưng ở khu vực màn hình, đặc biệt là mặt trong, lớp vỏ ở đây khá mềm. Khi ấn vào sẽ có cảm giác lõm hẳn. Hiển nhiên chẳng ai mua máy về để ấn hàng ngày, song điều này cho thấy bạn cần "nhẹ tay" với màn hình của chiếc laptop này. Điểm cộng bù lại là các phần vỏ ngoài khác khác cứng cáp và chắc chắn, độ gia công khá tốt.
Bàn phím có chất lượng tốt nhưng không phù hợp chơi game
Với kích thước 15.6 inch, Inspiron 15 7559 có một bàn phím dạng chuẩn với bộ phím số tách rời tương đương bàn phím desktop. Và cũng như bao hãng khác, bàn phím chiclet gần như là chuẩn chung cho bàn phím laptop hiện nay, sản phẩm này cũng không khác. Song để có trải nghiệm chơi game hoàn hảo, chiclet có thể xem là một lựa chọn tồi. Ở đây không phải là Dell không có nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng bàn phím của Inspiron 15 7559. Thực tế qua trải nghiệm của chúng tôi, các phím trên chiếc laptop này khá chắc chắn. Khung bàn phím ít bị hiện tượng "flex" (phím bên cạnh cũng lún xuống theo phím được bấm). Nếu như không để chơi game mà chỉ dùng cho các việc khác thì bàn phím này rất tốt. Tuy vậy để dành cho gaming, chiclet không thể nào cho cảm giác "sướng" như bàn phím desktop vì hành trình quá ngắn.
Khi chúng tôi gắn thêm bàn phím rời vào để thử game thì mọi thứ khác hẳn, cảm giác rất tuyệt.
Touchpad lớn cho diện tích di chuyển rộng
Kích thước khung máy lớn cũng cho phép Dell trang bị một touchpad khổ lớn. Bạn có thể đưa gần hết bàn tay vào đây. Và điều này cũng dễ hiểu vì phiên bản cao cấp của Inspiron 15 7559 có độ phân giải màn hình lên đến 4K, phiên bản thấp nhất cũng đã Full HD. Nên touchpad rộng sẽ cho phép người dùng ít phải "rê" từ cạnh này đến cạnh còn lại hơn khi cần kéo-thả một đối tượng nào đó. Bù lại điểm khiến người viết chưa ưng ý lắm là 2 mắt chuột được gắn liền với touchpad. Nếu tách riêng mọi thứ sẽ thoải mái hơn. Song đây cũng không phải nhược điểm lớn nên có thể bỏ qua được.
Màn hình nhám là một điểm cộng khi chơi game
Về màn hình, ở trên chúng tôi có nêu, tại sao việc chọn model cấp thấp này ở Việt Nam lại là lựa chọn đúng đắn? Đó là vì Inspiron 15 7559 có phiên bản màn cảm ứng. Mặc dù Windows 10 đã hỗ trợ tốt giao diện cảm ứng xong chiếc laptop này có dạng vỏ sò truyền thống. Nó cũng khá nặng ký (2,7 kg cho bản cảm ứng). Tức người dùng không thể bẻ gập màn hình ra phía sau, cũng như gỡ nó ra khỏi bàn phím để "xách" đi được. Và với cân nặng trên, nếu ai đó cầm nó 1 tay và tay còn lại sử dụng màn hình cảm ứng, có lẽ họ sẽ bị cho là "có vấn đề". Thế nên chúng tôi cho rằng tính năng cảm ứng vô dụng với chiếc laptop này. Ngoài ra việc hỗ trợ cảm ứng cũng sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng cao hơn, làm giảm đi độ hấp dẫn.
Điểm sau cùng mà người viết đánh giá cao phiên bản này là màn hình nhám không bị chói. Sẽ rất khó chịu nếu bạn đang chơi game mà ánh đèn từ sau lưng cứ rọi thẳng vào mắt. Với các tựa game đối kháng FPS, còn gì "đánh hận" hơn khi bạn bị thua cuộc bởi đối phương xuất hiện ở góc "điểm mù"? Nên việc dùng màn hình nhám là hoàn toàn hợp lý cho nhu cầu gaming.
Sơ bộ về hiệu năng
Đối với game thủ, không điều gì quan trọng bằng điểm số fps (khung hình/giây) mà một hệ thống đem lại. Để đánh giá một cỗ máy tạm gọi là "chơi được" thì lượng fps trung bình phải trên 30, và "chơi mượt" phải từ 60 trở lên.
Sau đây là thông số cấu hình các benchmark đồ hoạ.
- Các bản 3DMark @ mặc định
- Final Fantasy XIV: Heaven @ High Quality (DirectX 11), HBAO, 4xAA, 16xAF @ 720p & 1080p
- Resident Evil 5 @ High Quality, 4xAA @ 720p & 1080p
- Resident Evil 6 @ High Quality, FXAA3HQ @ 720p & 1080p
- Unigine Heaven @ High Quality, DirectX 11, Tessellation Moderate, 4xAA @ 720p & 1080p
Và kết quả:
Inspiron 15 7559 mạnh hơn các laptop chơi game 3 năm trước nhưng chưa đủ đạt tầm 4K
3DMark 11
3DMark (2015)
3DMark Vantage
Final Fantasy XIV: Heaven
Resident Evil 5
Resident Evil 6
Unigine Heaven
Dựa vào những kết quả trên, đây cũng là một lý do mà chúng tôi cho rằng việc Dell Việt Nam chọn model thấp nhất của Inspiron 15 7559 là hợp lý. Có thể thấy ở mức 720p, cỗ máy này gần như thừa sức "chiến" mọi tựa game 3D ở mức cấu hình cao. Những tựa game cũ thậm chí còn có thể đạt tới 100 fps, còn các tựa game mới vào khoảng 60 fps, giá trị "lý tưởng" cho các game thủ.
Nhưng khi tăng độ phân giải lên Full HD (mức gốc của sản phẩm), điểm số tụt xuống khá nhanh. Vài trường hợp thậm chí dưới mức 30 fps và để "ổn", buộc lòng người dùng phải hạ thấp cấu hình xuống. Điều này cho thấy chiếc card GTX 960M chỉ đủ sức "gánh" game ở mức Full HD. Tuy chúng tôi không có điều kiện để kiểm tra ở mức 4K (model cao cấp nhất) nhưng với diện tích lớn hơn gấp 4 lần Full HD (4K = 4 x 2K, 2K nhỉnh hơn 1080p), cứ cho là hiệu năng sẽ giảm tuyến tính đi 4 lần, thì mức fps mà cỗ máy này có thể đạt vào khoảng 9 fps, một con số quá tệ để chơi game.
Do đó, sẽ không thật sự có ý nghĩa để bạn mua bản 4K của Inspiron 15 7559 cho game. Trừ phi nhu cầu chính của bạn không phải game mà là các ứng dụng cần tới card đồ hoạ rời.
Riêng về hiệu năng tổng quan của chiếc laptop này (không thiên về đồ hoạ), chúng ta có các kết quả sau:
Cinebench R15
CPU-Z
AIDA64 GPGPU
PCMark 7
PCMark 8 Home Suite
PCMark 8 Work
Với các ứng dụng có thể khai thác card đồ hoạ để tăng tốc xử lý (GPGPU / Accelerated), điểm số của hệ thống tăng thấy rõ. Một điểm cần nói thêm với bạn là Inspiron 15 7559 được trang bị chip Skylake thế hệ mới nhất của Intel.
Crystal Disk Mark
Riêng về tốc độ ổ cứng, ở đây Dell trang bị một bộ đệm SSD có dung lượng 8 GB. Về lý thuyết bộ đệm này sẽ "học" thói quen sử dụng của người dùng và hệ điều hành để lưu vào đấy những dữ liệu được truy xuất nhiều nhất nhằm giảm thời gian nạp ứng dụng vào RAM. Trong thực tế sử dụng, chúng tôi nhận thấy chiếc máy này khởi động rất nhanh, màn hình đăng nhập Windows hiện lên khoảng 10 giây sau khi bấm nguồn. Nhưng với các game dùng để benchmark, tốc độ không nhanh bằng. Một phần có lẽ do các game mới có dung lượng khá lớn (vài GB đến vài chục GB), phần khác vì bộ đệm SSD chưa "quen" với các dữ liệu này. Vì vậy mà tốc độ nạp ứng dụng tỏ ra lâu hơn so với tốc độ nạp Windows.
Đánh giá chung
Như đã nêu ở đầu, laptop chơi game vẫn là một thị trường khó nhằn, đặc biệt tại Việt Nam. Nhưng không có nghĩa rằng chúng sẽ không có người mua hoặc không có "đất sống" tại đây. Trở ngại duy nhất là giá cả của các sản phẩm này. Dell Việt Nam đã rất khéo léo khi chọn model có giá thành thấp nhất (song bạn lưu ý 800 USD là giá ở Mỹ, tại Việt Nam giá có thể cao hơn).
Mẫu Inspiron 15 7559 mà chúng tôi trải nghiệm có lẽ đã "gặp hên" vì cấu hình của nó rất hợp với thị trường Việt Nam. Trước hết rất ít người có điều kiện chơi game ở độ phân giải 4K, chủ yếu là Full HD hoặc thấp hơn. Mức RAM 8 GB tuy chỉ bằng 1/2 bản cao cấp nhưng ngân đấy cũng quá thừa cho người Việt. Thêm vào đó tính năng màn hình cảm ứng gần như chẳng có ý nghĩa gì cho một chiếc laptop chơi game. Đa số game thủ sẽ sắm bàn phím riêng và chuột riêng chứ ít ai sử dụng màn hình cảm ứng để bắn súng. Vì vậy, tuy giá "thấp" nhất nhưng model chúng tôi dùng qua lại có tính "thực dụng" cao hơn cả.
Song nói thế không có nghĩa Inspiron 15 7559 không có nhược điểm. Bàn phím chiclet là quá tệ cho game. Mặt trong màn hình không được cứng cáp như bên ngoài gây lo ngại về độ bền sản phẩm. Cũng như giá thành của nó khiến cho nhiều người sẽ ngần ngại.
Vấn đề sau cùng là không rõ Dell Việt Nam sẽ phân phối sản phẩm này với giá bao nhiêu. Nhưng chúng tôi hy vọng nó sẽ không cao hơn nhiều so với giá gốc ở Mỹ.
VNReview
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét