Nhân vật Deadpool (Wade) khiến người Mỹ cười ngả nghiêng trong rạp
Deadpool là bộ phim chuyển thể từ truyện tranh cùng tên của Marvel. Mặc dù phim thuộc dạng siêu anh hùng nhưng về kỹ xảo và hành động lại không phải là cái đích mà nó hướng tới dù được đầu tư khá kỹ. Điểm nhấn của phim chính là lời thoại và hình ảnh ẩn ý, với đủ các kiểu "đá xoáy" trực tiếp các nhân vật, bộ phim...
Khác với các nhân vật người hùng "chính diện" khác, Deadpool lại là một mẫu "người hùng siêu bựa" trong truyện tranh của hãng Marvel Comics. Nội dung bộ phim được dựng lại từ truyện tranh này xoay quanh anh chàng Wade Wilson (tức là Deadpool do Ryan Reynolds thủ vai), một người bị ung thư vô phương cứu chữa và bị đem vào thí nghiệm rồi trở thành dị nhân với khả năng phục hồi siêu tốc giống người sói Wolverine trong loạt phim X-mens.
Nếu như người ta thường hâm mộ các siêu anh hùng ở chỗ dùng sức mạnh siêu nhiên của họ để giải cứu thế giới, thì Deadpool ngược lại, anh ta được khán giả yêu thích bởi tính cách quậy phá, bựa và cái miệng nói nhảm huyên thuyên không ngừng.
Dù lọt vào top 44 /250 của IMDB, xếp trên cả Gladiator và sau tuần công chiếu đầu tiên doanh thu đã gấp 3 lần kinh phí làm phim nhưng cái "hài hước" của Deadpool trong bộ phim khiến người Mỹ "cười ngả nghiêng" lại không thể chọc cười nhiều khán giả Việt, chỉ có một số ít người Việt thực sự "thấm" được cái hài của tác phẩm này, đâu là nguyên nhân?
Gây cười kiểu Mỹ
Tại Mỹ, thể loại hài hước đặc trưng với nhiều tình tiết ẩn dụ gây liên tưởng, tiếng lóng chọc cười như Deadpool luôn được người xem ở đây thích thú hưởng ứng. Thậm chí nhiều người xem đi xem lại mấy lần chỉ để khám phá hết những tình huống hài hước được giấu kỹ (kiểu easter egg) trong phim. Trong khi tại Việt Nam, hầu hết khán giả tới rạp xem phim ngoại thường chỉ bị chọc cười ở những tình huống rõ ràng và "lộ liễu", vốn không có nhiều trong những phim xỏ xiên kiểu này.
Các phim siêu anh hùng dựa trên truyện tranh (của Marvel hoặc DC) thường tràn ngập các tình tiết thú vị, nhưng Deadpool khác biệt một chút vì ẩn ý và hài hước liên quan tới nhân vật này đều ở dạng nói móc, mỉa mai những siêu anh hùng/bộ phim khác nên đòi hỏi người xem phải có nhiều kiến thức về phim Mỹ hoặc các từ lóng của dân bản địa. Thậm chí, trang WhatCulture còn liệt kê ra tới 100 điểm ẩn dụ hài hước trong phim Deadpool khiến người Mỹ phải cười "rụng rốn", đủ thấy các nhà làm phim này đã chịu khó lồng ghép nội dung gây cười vào tác phẩm của mình như thế nào.
Deadpool được xem là trùm gây cười, siêu quậy và pha trộn giữa các nhân vật anh hùng "huyền thoại" khác của Mỹ trong truyện tranh lẫn trên màn ảnh.
Cá nhân người viết bài này từng cảm thấy "thất vọng" khi lần đầu xem phim Deadpool, một phần do kỳ vọng sau khi xem trailer và nhất là chưa hiểu nhiều về văn hóa Mỹ. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu và xem lại thì cảm thấy có nhiều điểm thú vị có thể chia sẻ với bạn đọc VnReview. Một vài ví dụ dưới đây trích dẫn từ nội dung bộ phim dù hơi spoil (lộ hàng) một chút nhưng có thể sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về cách "chọc cười" của người Mỹ trên màn ảnh và có trải nghiệm tốt hơn khi xem phim.
Chẳng hạn, ngay trong cảnh mở đầu cực kỳ hài hước giới thiệu về diễn viên và đoàn làm phim, bạn có thể thấy một chiếc cốc cà phê đang bay lơ lửng trong chiếc xe được khắc tên "Rob L", ít ai biết rằng đây là tên viết tắt của Rob Liefeld, người đã tạo ra nhân vật Deadpool.
Trong khi chiếc băng ghi âm có dán miếng băng dính đề tên "Wade" lúc Deadpool đợi bọn người xấu trên cầu đã miêu tả cực kỳ hoàn hảo tính cách của Deadpool, anh rất trẻ con, độ tuổi thường dán tên lên đồ chơi của mình để khẳng định tài sản của chúng.
Còn ly rượu cocktail "Blowjob" được làm từ Bailey, Kahlua và Whipping Cream, thường được gọi cho các cô gái làng chơi ở bar uống. Khi uống món này thì thường là không dùng tay, mà phải dùng miệng uống trực tiếp dốc ngược cho hết ly, nếu không chuyên thì sẽ bị sặc và nhễu nhão khắp miệng, nhìn rất sexy!
Dân chơi bartender sẽ hiểu ý nghĩa của chuyện mời ly cocktail này nên mới có kẻ bị ăn đòn khi được mời ly cocktail "nhạy cảm" đó. Đáng chú ý là vô tình cụm từ "Blow job" này lại trùng với một thao tác tình dục khá "dân dã", rất may phụ đề tiếng Việt đã không dịch thoát ý từ ngữ nhạy cảm này.
Một tình huống khiến khán giả dễ mắc bẫy tự suy luận "bậy bạ" nữa là cảnh nhân vật chính Wade (Deadpool) hẹn hò với Vanessca đầu phim, lúc đó camera cố tình quay nghiêng để gây hiểm nhầm là Wade đang "đè lên" Vanessca và bảo "It's time to get balls in the holes" (giờ là lúc đưa bóng vào lỗ), khiến khán giả ai cũng nghĩ tới cảnh xyz nóng bỏng, nhưng thực tế hai anh chị này đang chơi… ném bowling thật!?! Trong phân đoạn Deadpool đấm Golosus gãy tay và khiến gã thốt lên "Canada", ở đây từ Canada được hiểu là... Oh shit (chết tiệt!) bởi Ryan Reynolds là người gốc... Canada.
Trang phục mà Colossus mặc khá giống trang phục mà anh mặc trong X-Men: The Last Stand.
Trong khoảng một tiếng đầu của phim, mạch phim được sắp xếp theo rất nhiều timeline khác nhau, Deadpool cũng từng làm điều này trong truyện tranh cùng tên. Xuyên suốt phim chứa rất nhiều lời thoại và hình ảnh Deadpool mỉa mai các anh hùng và bộ phim khác trên màn ảnh. Chẳng hạn như cảnh Deadpool nói móc Wolverine bằng cách ám chỉ ai đó có tên với vần gần giống "Pullverine", sau đó anh lại dùng giọng Úc để mỉa mai Wolverine trong khi diễn viên thủ vai nhân vật này (Hugh Jackman) ngoài đời là người Úc.
Khi Deadpool hỏi, "mày đã xem phim 127 hours chưa?", có lẽ chỉ có những ai xem phim đó rồi mới hiểu được cái cảnh đó sẽ diễn ra như thế nào, cụ thể trong phim này có cảnh Deadpool tự cắt đứt tay mình tương tự trong phim 127 hours. Trong khi cảnh phòng thí nghiệm phát nổ, Deadpool chui từ dưới đất lên, ám chỉ phân cảnh y hệt trong cảnh quay post-credit của X-Men Origins: Wolverine.
Còn khi chiếc xe bị văng lên trời, cơ thể Deadpool bị chổng ngược xuống và nói câu: "Shit, did I leave the stove on?" trong tư thế y hệt tư thế kinh điển của người nhện Spider-Man trên màn ảnh.
Kẻ tuyển dụng Deadpool mà nhân vật này cứ gọi là Agent Smith để ám chỉ nhân vật cùng tên trong series phim Matrix (Ma trận). Trong phim này, Agent Smith nói rằng sẽ biến anh thành SAH. Wade đáp lại: "I tried the hero... and it left a mark", ám chỉ anh đã từng đóng vai SAH Green Lantern (năm 2011) và cho tới bây giờ vai diễn đó vẫn bám lấy anh.
Cuối phim, đoạn After credit của Deadpool được lấy cảm hứng từ phim Ferris Bueller's Day off (Ảnh: Marvel Việt Nam)
Ngoài lề một chút, diễn viên Ryan Reynolds (trong vai Deadpool) đã từng được coi là "thất bại" trong 4 phim đình đám mà anh từng tham gia thủ vai trước đó như Green Lantern, RIPD, Blade và Xmen: Wolverine origin, thế nên ở khúc cuối khi Golosus nói rằng "4 out of 5 times become a hero", ý nói đây là sự trở lại của Ryan, lần thứ 5 của anh liệu có thành người hùng?
Nên đến rạp xem Deadpool hay không?
Nhìn chung, nếu muốn thưởng thức trọn vẹn thì khán giả phải là fan của điện ảnh Mỹ, Ryan Reynolds và văn hóa truyện tranh Mỹ mới có thể bám đuổi hết tình huống chọc cười của bộ phim, không phải tự nhiên mà phim đã thu hút được rất nhiều người Mỹ tới rạp và được chấm tới 8.8 điểm trên IMDB, trong khi trang Daily Gazette lại gọi đây là bộ phim tái định nghĩa thể loại hài 16+ của người Mỹ.
Trailer chính thức đầu tiên của Deadpool
Sự khác biệt của ngôn ngữ, văn hóa và kiến thức điện ảnh/truyện tranh của Mỹ đã khiến người xem ở nhiều nước (trong đó có Việt Nam) không có dịp thưởng thức bộ phim một cách trọn vẹn. Do vậy nhiều khán giả Việt rơi vào cảnh "thấy người ta cười mà không hiểu gì". Lưu ý phim được dán mác 16+, chứa nhiều tiếng lóng, do vậy không phù hợp với trẻ em trong một vài lời thoại và phân cảnh trên màn ảnh.
(*) Bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn, bản quyền hình ảnh và tư liệu minh họa cho trong bài thuộc về Marvel Comics và các nhà làm phim.
VNReview
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét