Từ hình ảnh nhà trắng rực sắc cầu vồng ủng hộ LGBT cho tới thi thể của cậu bé Syria trôi dạt vào bờ biển Hy Lạp, dưới đây là 18 hình ảnh nóng nhất mạng xã hội toàn thế giới trong năm vừa qua.
1. Em bé Syria bên bờ biển
Ngày 02/09, cả thế giới bàng hoàng chấn động sau khi bức ảnh một em bé trong trang phục áo đỏ, quần jeans xanh nằm chết trên bờ biển Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ được công bố. Một thời gian ngắn sau, tên tuổi của em được công bố. Em là Aylan Kurdi, 3 tuổi, người Syria theo mẹ và anh trai băng qua Địa Trung Hải để tiến vào biên giới Châu Âu trong làn sóng tị nạn.
Mẹ Rihan, anh trai Galip và cả Aylan đều chết vì lật xuồng cao su, chỉ còn cha em còn sống. Nguyên nhân là do xuồng chở quá tải trọng. Cái chết của Aylan đã cảnh tỉnh cả thế giới về cuộc khủng hoảng tị nạn đang diễn ra ngay tại biên giới Châu Âu. Hashtag #KiyiyaVuranInsanlik ( Humanity Washed Ashore, lược dịch: Tình người trôi dạt) cũng trở thành hashtag được quan tâm nhất bấy giờ.
Kể từ cái chết của Aylan, người ta mới quan tâm hơn tới nội chiến Syria và hàng triệu con người phải rời bỏ quê hương đi tìm miền đất hứa. Aylan Kurdi trở thành biểu tượng cho sự tàn khốc của khủng hoảng tị nạn, tâm điểm của truyền thông và những tổ chức nhân quyền toàn thế giới.
2. Hình ảnh chú lợn quỳ lạy trước cổng chùa
Trong tháng 2 đầu năm, hình ảnh một chú lợn quỳ lạy tại cổng chùa tại làng Tantou, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang đã khiến cư dân mạng thế giới phải dậy sóng. Theo các trang tin tiếng Trung, khi ấy ngôi chùa mà chú lợn đến quỳ lạy đang tổ chức một khóa lễ và người ta thấy chú lợn đứng quỳ gối trước cổng chùa tới hàng tiếng đồng hồ, không chịu đứng lên đến khi các nhà sư tới chỗ nó tụng kinh.
3. Hình ảnh đàn chó cảnh sát xếp hàng chờ ăn
Đó là hình ảnh về những chú chó cảnh sát Trung Quốc nghiêm túc ngậm bát, đứng xếp hàng quy củ đợi người huấn luyện cho ăn đã khiến cộng đồng mạng thế giới phải ôm mặt gào thét vì sự dễ thương và ý thức của những chiến sỹ 4 chân.
Trước đó cũng có một bức ảnh tương tự được chụp trong thời kỳ chiến tranh tại Phần Lan. Các chú cún cũng ngồi im thin thít, mồm ngậm bát ăn để đợi được đến lượt chia phần.
4. Hình ảnh về nước lũ trong veo tại Nhật Bản gây sốt mạng xã hội
Những hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội Weibo khi Nhật Bản vừa trải qua cơn bão Etau đã tạo nên một làn sóng tranh cãi lớn. Đó là hình ảnh nước lũ tại ga tàu điện ngầm thành phố Hamamatsu trong vắt, hơn cả nước ở phần lớn các bể bơi của Trung Quốc.
Bên cạnh đó cũng nhiều cư dân mạng cho rằng tấm hình đã được chỉnh sửa Photoshop, tuy nhiên đây cũng là minh chứng cho sự kỷ cương, khắt khe của người Nhật về xử lý nước.
5. Tấm hình bà lão được yêu thích nhất thế giới
Bức ảnh chụp trên đường phố Brooklyn, bang Massachusetts cho thấy một cụ bà đang tận hưởng không khí vui vẻ khi đón tiếp một đoàn làm phim về địa phương đã khiến cả thế giới dậy sóng.
Trong lúc cả đám đông thi nhau giơ điện thoại thông minh, máy ảnh để ghi lại khoảnh khắc thì cụ bà chỉ đứng đó tận hưởng, không điện thoại cũng chẳng máy ảnh. Chính đôi mắt của bà là một ống kính hoàn hảo nhất để ghi lại khoảnh khắc xung quanh.
Tấm hình đánh trúng vào tâm lý người xem hiện nay, khi người ta đã quá phụ thuộc vào các thiết bị điện tử mà quên đi các cảm nhận thế giới xung quanh bằng giác quan của chính mình. Hàng chục nghìn người thi nhau retweet tấm ảnh và biến nó trở thành tấm hình được yêu thích nhất thế giới.
6. Chiếc váy xanh đen/vàng trắng
Ngày 25/2, một người dùng Twitter có tên tài khoản BredTheLadLong đã đăng hình ảnh về một chiếc váy với câu hỏi rằng chiếc váy này thực sự có màu gì, xanh đen hay vàng trắng. Chỉ từ một lần tweet đơn giản ấy, chiếc váy đã trở thành chủ đề gây tranh cãi trong suốt một tuần liền với sự tham gia của hàng triệu cư dân mạng cùng người nổi tiếng.
Chủ nhân của chiếc váy này là tài khoản có tên Swiked trên Tumblr. Cuối cùng sự thật được phơi bày rằng chiếc váy thực sự có màu xanh đen, còn câu trả lời vàng trắng của BradTheLadLong là giả mạo. Chủ nhân của chiếc váy cũng đã được mời lên show Ellen để kiểm chứng về màu sắc chiếc váy của mình.
Trận tranh cãi nổ ra đã đưa tên tuổi mẫu váy này lên cao chưa từng có. Hàng trăm chiếc váy bốc hơi chỉ trong vòng 30 phút. Trước sức ảnh hưởng của chiếc váy, hãng sản xuất Roman Orginals đã cho ra đời phiên bản vàng trắng khác nhưng chỉ duy nhất 1 chiếc để làm từ thiện.
7. Hình ảnh sau chuyển giới của Caitlyn Jenner trên trang bìa Vanity Fair
Trong tháng sáu, Caitlyn Jenner xuất hiện lần đầu sau khi chuyển giới trên trang bìa của tạp chí Vanity Fair Caitlyn. Bức ảnh nhanh chóng gây sốt dư luận Mỹ, và nhận được rất nhiều sự đồng tình và ủng hộ. Đây cũng là tiền đề để sau đó người chuyển giới được hợp pháp hóa trên toàn nước Mỹ, và rộng hơn là thế giới. Bên cạnh đó, cô cũng phá vỡ một kỷ lục thế giới bằng cách trở thành người nhanh nhất để đạt được 1 triệu người theo dõi trên Twitter chỉ trong bốn giờ ba phút.
8. Mohammed trên trang nhất Charlie Hebdo: "Tôi là Charlie"
Ngày 7 tháng 1, hai tay súng xông vào văn phòng tạp chí châm biếm Charlie Hebdo và giết chết 12 nhà báo. Hành động này nhằm phản ứng lại việc tạp chí này trước đó đã đăng tải những hình ảnh bị thế giới Hồi giáo coi là báng bổ về nhà tiên tri Mohammed.
Bất chấp vụ tấn công, Charlie Hebdo tuyên bố vẫn phát hành số tiếp theo vào ngày 14 tháng 1 năm 2015. Trên trang nhất là bức biếm họa vẽ nhà tiên tri Mohammed, mặc đồ trắng, đang khóc, cầm trong tay tấm biểu ngữ với hàng chữ " Tôi là Charlie ", khẩu hiệu của cả thế giới trong các cuộc biểu tình lên án khủng bố và bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
9. Hình ảnh đáng sợ của đao phủ "John thánh chiến"
Mohammed Emwazi, một công dân Anh, kẻ được biết đến với biệt danh "John thánh chiến". Hắn từng xuất hiện trong các đoạn video chặt đầu rùng rợn của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trong đó những nạn nhân là các con tin phương Tây, gây ra nỗi khiếp đảm cho cả thế giới. Cuối cùng trong ngày 12/11, Quân đội Mỹ tiến hành cuộc không kích, và đã tiêu diệt được hắn khi đang ẩn náu tại Raqqa.
10. Nhà Trắng sáng lên màu sắc cầu vồng để chào mừng hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính
Hôn nhân đồng tính được hợp pháp hóa tại Mỹ tháng sáu năm 2015. Trong không khí vui mừng của phán quyết lịch sử này, nhiều địa danh nổi tiếng trên khắp nước Mỹ, trong đó có Nhà Trắng đã thắp sáng lên trong màu sắc của cầu vồng, biểu tượng của cộng đồng LGBT.
11. "Cầu nguyện cho Paris" đã trở thành một biểu tượng của niềm hy vọng
Biểu tượng Pray for Paris (cầu nguyện cho Paris) – gồm hình ảnh tháp Eiffel được bao quanh bởi một vòng tròn tượng trưng cho hòa bình – đã trở thành biểu tượng thể hiện tình đoàn kết của toàn thế giới sau vụ khủng bố đẫm máu ở Paris hôm 13/11. 130 người đã thiệt mạng sau khi các tay súng khủng bố đã tấn công vào một số quán cà phê, quán bar và nhà hát Bataclan ở thủ đô nước Pháp. Biểu tượng này được thiết kế bởi họa sĩ người Pháp Jean Jullien và bản gốc đã được chia sẻ 28.000 lần trên Facebook.
12. Hình ảnh này của các cuộc bạo loạn ở Baltimore
2015 là năm mà căng thẳng về chủng tộc ở Mỹ leo thang, sau sự kiện người Mỹ gốc Phi có tên Freddie Gray thiệt mạng sau khi bị cảnh sát Baltimore bắt giữ. Tạp chí TIME đã đưa bức ảnh được chụp bởi công dân Devin Allen của Baltimore lên trang bìa. Trong ảnh là một người biểu tình da màu đang chạy trốn khỏi cảnh sát khi các cuộc bạo động đang bao trùm thành phố này. Bức ảnh của Allen xuất hiện trên cả CNN và BBC, và được chia sẻ hàng nghìn lần trên mạng xã hội.
13. Hình ảnh đau lòng trong các cuộc tị nạn đến với châu Âu
Đây là một bức ảnh khác nhắc nhở chúng ta về sự tàn khốc của cuộc khủng hoảng di cư vẫn đang tiếp diễn ở châu Âu. Trong cơn mưa nặng hạt, người đàn ông Syria này đang bế đứa con trai nhỏ chạy tới biên giới giữa Hy Lạp và Macedonia. Anh đang kêu gọi những người đi trước hãy chờ đợi mình.
14. Hoàng tử và công nương Anh Quốc có đứa con thứ hai, công chúa Charlotte
Nhờ "công chúa bé" Charlotte, Hoàng tử William và công nương Kate Middleton đã giúp nền kinh tế Anh quốc có thêm 3,4 tỷ bảng trong năm 2015.
15. Câu chuyện của cậu bé này đã chạm vào trái tim của mọi người trên toàn thế giới
Nhiếp ảnh gia người New York Brandon Stanton đã đem đến cho chúng ta một vài trong số những bức ảnh được lan truyền mạnh nhất trong năm 2015. Khi ông hỏi cậu bé Vidal (13 tuổi) ai là người truyền cảm hứng cho cậu nhiều nhất, Vidal đã trả lời đó là cô hiệu trưởng Lopez. “Một lần cô đã yêu cầu từng bạn học sinh đứng lên và liệt kê lý do vì sao ai cũng là người quan trọng”. Hình ảnh và câu chuyện này đã lan truyền rất mạnh. Vài tuần sau, 1 triệu USD đã được quyên góp để giúp đỡ Học viện Mott Hall Bridges đưa học sinh tới tham quan ĐH Harvard trong 10 năm tới. Vidal và cô Lopez cũng được mời tới Nhà Trắng và một học bổng mang tên Vidal đã ra đời.
16. Câu chuyện đau lòng của người phụ nữ tị nạn
Câu chuyện đằng sau bức ảnh này có 300.000 lượt chia sẻ trên Facebook. Người phụ nữ nhớ lại hành trình đáng sợ từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp. Hai vợ chồng được bọn buôn người đưa lên một chiếc thuyền cùng với 152 người di cư khác vào giữa đêm. Chiếc thuyền đâm phải một hòn đá và bị chìm. Chồng của cô đã đưa áo phao cứu sinh của mình cho một người phụ nữ khác và cố gắng bơi vào bờ. Tuy nhiên anh đã quá mệt và nói với vợ rằng anh cần phải nghỉ ngơi. Đó cũng là lần cuối cùng cô nhìn thấy chồng mình.
17. Đức giáo hoàng Francis
2015 là một năm đáng nhớ đối với Giáo hoàng Francis. Dù đã 78 tuổi, ông đã tới thăm tổng cộng 12 quốc gia và làm lễ rửa tội cho hàng trăm nghìn người.
18. Cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter bị ném tiền vào mặt
Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), một trong những cơ quan quản lý lớn nhất của giới thể thao, đã trải qua một năm đầy bê bối. Hồi tháng 5, 7 quan chức FIFA bị bắt giữ vì tội tham nhũng, rửa tiền và lừa đảo. 1 tháng sau, Chủ tịch Sepp Blatter từ chức dù vài ngày trước đó ông vừa mới đắc cử nhiệm kỳ thứ 5. Tại một buổi họp báo của FIFA, diễn viên hài Simon Brodkin đột ngột xuất hiện trên sân khấu và ném tiền về phía ông Blatter.
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét