Vào năm ngoái Asus đã chính thức "chen chân" vào thị trường smartphone rất sôi động với dòng sản phẩm ZenFone, thực chất chỉ bao gồm ba chiếc điện thoại khác nhau ở kích thước màn hình.
Tới năm 2015 khi giới thiệu dòng ZenFone 2, chiến lược sản phẩm của Asus đã thay đổi. Hãng liên tục giới thiệu rất nhiều "biến thể" của dòng ZenFone, tập trung vào từng nhu cầu như máy ảnh, khả năng chụp "tự sướng", giá rẻ... Mới đây vào tháng Chín, Asus đã giới thiệu tới 3 chiếc ZenFone mới tại thị trường Việt Nam:ZenFone Selfie, Laser và Go.
Video đánh giá nhanh Asus ZenFone 2 Laser
Mặc dù cùng tập trung vào máy ảnh, nhưng ZenFone Selfie hướng tới nhu cầu chụp bằng máy ảnh trước, còn Laser lại tập trung cải thiện máy ảnh sau. Điểm đặc biệt nhất của chiếc điện thoại này là bộ phận lấy nét bằng laser đặt cạnh camera sau, mà Asus khẳng định sẽ đem lại tốc độ lấy nét rất nhanh (0,03 giây). Giá của máy (3,99 triệu) cũng ở mức nhiều người mua smartphone dễ tiếp cận. Vậy ngoài lấy nét laser, những yếu tố còn lại của Laser liệu có đủ thuyết phục?
Thiết kế
Dòng điện thoại ZenFone gần như chia sẻ một ngôn ngữ thiết kế chung, và Laser không phải là ngoại lệ. Điểm khác biệt dễ nhận thấy ở mặt sau của máy là đầu phát laser nằm đối xứng với đèn flash kép ở hai bên máy ảnh. Ngoài đặc điểm này, sẽ rất khó phân biệt Laser và những chiếc ZenFone 2 màn hình 5 inch.
Cảm biến laser ở cạnh camera là điểm khác biệt giữa Laser và ZenFone 2
Với kích thước vừa phải và lưng cong, Laser đem lại cảm giác dễ chịu khi cầm trên tay và sử dụng. Nút nguồn được đặt ở đỉnh máy có thể hơi khó bấm, nhưng người dùng có thể bật tắt màn hình máy bằng cách gõ hai lần lên màn hình. Viền màn hình của Laser khá dày, ba phím cảm ứng được đặt ngoài màn hình nhưng vẫn không có đèn nền. Máy có ba lựa chọn màu là đen, vàng và trắng.
Dải loa ở mặt lưng đem lại âm thanh không ấn tượng
Các phím cảm ứng của máy không có đèn nền nên hơi khó dùng buổi tối
Nhìn chung thiết kế của Laser không phá cách nhưng có thể coi là vừa mắt trong phân khúc điện thoại giá rẻ.
Màn hình
Màn hình 5 inch của Laser có độ phân giải 1280 x 720 pixel, đạt mật độ điểm ảnh 294 ppi. Asus chỉ công bố chung là máy dùng màn hình TFT chứ không nói rõ máy dùng tấm nền loại gì, nhưng khi sử dụng thực tế tôi nhận thấy góc nhìn của máy rộng, khi nhìn ở các hướng thì màu sắc và độ tương phản màn hình không bị thay đổi nhiều, tương tự với các máy sử dụng tấm nền màn hình IPS.
Khả năng hiển thị màu sắc của màn hình này khá tốt, màu hiển thị tươi và trong. Tuy nhiên Laser vẫn có chung nhược điểm với các điện thoại khác cùng dòng ZenFone: độ sáng màn hình tối đa không cao. Khi sử dụng ở môi trường trong nhà thì máy đáp ứng tốt, nhưng đem ra ngoài trời nắng thì sẽ hơi khó nhìn.
Góc nhìn của màn hình rộng, không bị mất màu sắc hay độ tương phản khi nhìn ở các góc hẹp
Asus cũng cho biết chiếc điện thoại này sử dụng tấm kính bảo vệ công nghệ Gorilla Glass 4 của Corning, giảm khả năng máy bị vỡ tới 85%. Tất nhiên đây chỉ là những công bố của nhà sản xuất, còn khi sử dụng chúng ta nên hạn chế tối đa các trường hợp rơi vỡ hoặc đặt điện thoại gần vật cứng dễ xước màn hình.
Chất lượng hiển thị của ZenFone 2 Laser ở mức tốt trong tầm giá, hạn chế đáng kể nhất là độ sáng tối đa chưa cao. Ở phân khúc này bạn vẫn có thể tìm mua một số điện thoại có màn hình Full HD, tuy nhiên với điện thoại giá rẻ thì màn hình nét có thể phải đánh đổi bằng chất lượng hiển thị màu sắc, tấm kính bảo vệ màn hình hay độ sáng. Ở các yếu tố này thì Laser thể hiện khá tốt.
Máy ảnh
Thành phần Laser trong tên gọi của chiếc điện thoại này nhằm nhấn mạnh khả năng lấy nét bằng cảm biến laser, giúp thời gian lấy nét ngắn hơn. Cơ chế của lấy nét laser là cảm biến laser sẽ phát ra một sóng có công suất thấp tới vật thể cần lấy nét, và dựa vào thời gian phản hồi để điều chỉnh độ nét. Do vậy lấy nét laser phát huy hiệu quả nhất khi đối tượng lấy nét ở khoảng cách gần, hoặc khi lấy nét trong bóng tối.
Khi sử dụng thực tế, chúng tôi nhận thấy máy liên tục lấy nét tự động khi hướng tới các đối tượng khác nhau, còn khi chạm để lấy nét thì máy lấy nét xong rất nhanh. Do cơ chế nên lấy nét laser chỉ hoạt động hiệu quả khi người dùng chạm vào màn hình để chọn điểm lấy nét, còn nếu để cho máy tự lấy nét thì tốc độ sẽ chậm hơn.
Ở video thử nghiệm phía dưới, có thể thấy tốc độ lấy nét của Laser không thua kém gì chiếc iPhone 6s, smartphone đầu bảng hiện nay. Thời gian lưu ảnh của máy cũng khá nhanh nhưng chưa thể so với điện thoại cao cấp.
Như vậy thời gian lấy nét thực tế của Laser có thể không được như con số mà Asus công bố (0,03 giây), nhưng vẫn là rất ấn tượng. Một điểm mạnh nữa trong hệ thống lấy nét là máy có thể lấy nét rất gần, khoảng cách từ camera tới vật thể chỉ khoảng 3cm. Máy lấy nét được gần hơn so với chiếc HTC One E9 mà chúng tôi so sánh trực tiếp. Khoảng cách lấy nét gần có thể giúp cho những bức ảnh chụp cận cảnh ấn tượng hơn.
Lấy nét và chụp nhanh là một lợi thế, nhưng điều quan trọng nhất của camera là chất lượng ảnh. Ở khía cạnh này thì Laser vẫn chưa tạo được sự đột phá so với chiếc ZenFone 2. Với độ phân giải 8MP, ảnh chụp từ máy vẫn không thể hiện được độ nét ấn tượng. Khi điều kiện ánh sáng yếu đi, các chi tiết thường bị "mềm", không được sắc nét. Ảnh chụp ở điều kiện ánh sáng không lý tưởng cũng dễ bị rung, nhòe.
Ảnh chụp từ máy thể hiện chi tiết ở mức trung bình nhưng màu sắc khá chuẩn
Ảnh chụp buổi tối không ấn tượng
Ảnh HDR không bị "ảo", nhưng thời gian lưu ảnh hơi lâu
ZenFone 2 Laser có nhiều tính năng làm đẹp, hẹn giờ tối ưu cho chụp ảnh "tự sướng"
Màu sắc thể hiện trong ảnh trung thực, gần với thực tế. Máy bắt sáng ổn, gần với ánh sáng mà mắt người thu nhận được, nhưng khi chụp ngược sáng thì dải sáng hẹp nên hình dễ bị mất chi tiết. Khi bật chế độ HDR để chụp ngược sáng thì kết quả tốt hơn, tuy nhiên thời gian lưu ảnh HDR cũng lâu hơn chụp ảnh thường.
Phần mềm chụp ảnh của Laser giống hệt chiếc ZenFone 2, với những chế độ đáng chú ý như siêu độ phân giải (cho hình chụp có độ phân giải tới 32MP), thủ công (cho phép điều chỉnh chi tiết để có tấm ảnh ưng ý).
Camera trước của máy có độ phân giải 5MP, phần mềm có nhiều tính năng giúp người dùng làm đẹp khuôn mặt chi tiết, cùng với khả năng chụp hẹn giờ khá tiện.
Laser có tốc độ lấy nét rất nhanh nhưng chất lượng ảnh thì chỉ ở mức khá
Nhìn chung camera của Laser thể hiện ấn tượng ở thời gian lấy nét và chụp, lưu hình, tuy nhiên chất lượng ảnh chụp ở mức khá chứ chưa vượt trội so với những sản phẩm cùng tầm giá.
Hiệu năng và pin
Cấu hình của chiếc điện thoại này ở mức khá với SoC Qualcomm Snapdragon 410 bốn lõi, tốc độ xử lý 1.21GHz, đồ họa Adreno 306 và dung lượng RAM 2GB. Với cấu hình này, máy đáp ứng ổn các tác vụ phổ biến: lướt web, mạng xã hội, sử dụng các ứng dụng ghi chú hoặc chơi các game nhẹ.
Cấu hình của ZenFone 2 Laser đủ để đáp ứng các game với yêu cầu đồ họa vừa phải
Cấu hình tầm trung của máy chỉ thể hiện sự hạn chế với các game 3D, với yêu cầu đồ họa cao. Ở game Dead Trigger 2, máy thể hiện tốt nhất với cấu hình Low, khi bật sang mức Medium thì vẫn ở mức chấp nhận được (tốc độ khung hình khoảng 40fps). Nếu bật sang mức High thì máy xử lý game sẽ khá giật, có thể nhận thấy rõ.
Mức dung lượng pin 2070 mAh trên Laser không ấn tượng, và điều đó cũng thể hiện trong quá trình sử dụng. Ở bài đánh giá sử dụng tổng hợp, máy chỉ chạy được gần 3 giờ là đã hết pin. Đây là mức khá thấp so với những sản phẩm mà chúng tôi từng đánh giá. Với các bài đánh giá pin riêng lẻ thì kết quả của Laser cũng chỉ ở mức trung bình.
Kết quả đánh giá cho thấy pin của Laser chỉ ở mức trung bình
Kết luận
Mỗi phiên bản ZenFone 2 mà Asus ra mắt thời gian gần đây đều hướng tới một mục đích riêng, và hãng cũng có định hướng rõ ràng cho ZenFone 2 Laser: một chiếc điện thoại tầm trung/giá rẻ với khả năng chụp ảnh tốt, cùng cấu hình vừa tầm. Rõ ràng cảm biến Laser trên chiếc điện thoại này đem lại tốc độ lấy nét rất ấn tượng, khó tìm thấy trong các điện thoại cùng tầm giá, kết hợp cùng chất lượng ảnh chụp ở mức khá đem lại một trải nghiệm chụp ảnh khá tốt với một chiếc điện thoại có giá 4 triệu đồng.
Bên cạnh khả năng chụp ảnh, những yếu tố khác của ZenFone 2 Laser đủ đáp ứng nhu cầu nhưng không thực sự nổi bật. Máy có hiệu năng vừa phải, các phần mềm cài sẵn đa dạng và phong phú. Thời gian sử dụng pin của máy chỉ ở mức trung bình, nếu dùng ở cường độ cao thì bạn nên áp dụng các chế độ tiết kiệm pin hoặc trang bị pin dự phòng.
Hiện tại Asus cũng cung cấp cả phiên bản ZenFone 2 Laser 5.5 inch, được nâng cấp mạnh về camera (13MP so với 8MP) và pin (3000 mAh so với 2070 mAh), cùng với màn hình lớn hơn và giá cao hơn 1 triệu. Nếu thích điện thoại màn hình lớn và pin tốt, bạn có thể cân nhắc chiếc Laser 5.5 inch.
Anh Tú
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét