Đến thời điểm này cả 3 nhà mạng lớn của Việt Nam đều đã tung ra ứng dụng OTT chứ không còn là "đồn đoán" như một năm về trước. Từng được nhận định là nguy cơ "đáng sợ" đối với hầu hết các ứng dụng OTT khác tại Việt Nam nhưng hoá ra chúng cũng không nguy hiểm như người ta tưởng.
Miễn cước 3G – đòn bẩy chưa đủ mạnh
Tháng 12/2014, VinaPhone chính thức tung ra ứng dụng OTT mang tên Viet Talk cùng với gói cước dịch vụ riêng. Viet Talk được cho là cái tên mới của ứng dụng Wala mà nhóm khởi nghiệp này không còn đủ lực để đầu tư đành phải bán lại cho VNPT. Sau Viet Talk vài tháng, OTT của Viettel là Mocha cũng ra mắt. Đến tháng 10/2015 này, MobiFone cũng chính thức đưa ra thử nghiệm ứng dụng OTT Halo.
Một thời gian dài từ năm 2013 đến 2014, một số doanh nghiệp phát triển OTT thỉnh thoảng lại "kêu" một cách không chính thức rằng bị nhà mạng bóp băng thông đối với ứng dụng OTT của họ. Nhưng rồi vấn đề này cũng qua đi, các ứng dụng OTT như Zalo, Viber liên tục công bố gia tăng lượng người dùng. Viber đã từng mở văn phòng tại Việt Nam vào đầu năm 2014 và công bố lượng người dùng tại Việt Nam vượt mốc 10 triệu, trong khi đó Zalo hết cán mức 20 triệu lại đến vượt mốc 30 triệu người dùng, trở thành ứng dụng OTT hiện được dùng nhiều nhất tại Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra lúc này là OTT của nhà mạng có thực sự "đáng sợ" như dư luận đã từng đồn đoán? Nỗi lo lắng, sự e ngại về OTT của nhà mạng là có thật đối với các doanh nghiệp đã và đang phát triển, cung cấp ứng dụng OTT tại Việt Nam. Song, nếu OTT của nhà mạng thực sự đáng sợ như đồn đoán, thì liệu Viber hay Zalo có tiếp tục phát triển được lượng người dùng lên hàng chục triệu như thời gian qua?
Mới nghiệm ra rằng, đối với con người hay doanh nghiệp cũng có điểm tương đồng, dù có lo lắng nhưng nếu cứ tự biến điều đó thành nỗi ám ảnh hay e sợ thì chắc chẳng làm được gì. Tình huống ở đây thì ngược lại: Các nhà mạng đều đã "ủ mưu" làm OTT từ trước đó, nhưng dù có tiềm lực về tài chính cũng như lượng người dùng đông đảo, họ chưa biến được tiềm lực đó thành kết quả trên thị trường.
Cho đến thời điểm này, MobiFone mới tham gia thị trường ứng dụng OTT, Viet Talk của VinaPhone chưa có công bố về lượng người dùng, duy chỉ có Mocha của Viettel cho biết đã cán mức 1 triệu lượt tải. Nhưng con số này so với hơn 30 triệu người dùng Zalo quả là nhỏ bé, so với cộng đồng lên đến bốn, năm chục triệu thuê bao của mạng di động Viettel tại Việt Nam thì càng nhỏ bé hơn.
OTT của nhà mạng "câu" người dùng bằng một số ưu đãi: Viet Talk miễn cước 3G/GPRS cho thuê bao VinaPhone khi gọi điện, nhắn tin với nhau. MobiFone cũng ưu đãi tương tự. Còn Viettel, miễn cước 5 SMS/ngày gửi qua ứng dụng Mocha cho thuê bao cùng mạng. Mức ưu đãi như vậy chẳng thấm tháp vào đâu, đặc biệt đối với Viet Talk và Halo, khi cộng đồng người dùng hai ứng dụng này chưa được là bao thì chính sách ưu đãi miễn cước 3G/GPRS cho thuê bao nội mạng không có nhiều ý nghĩa.
Hãy thử nhìn xem các ứng dụng trên di động như Zalo, Viber, LINE, KakaoTalk, GrabTaxi, Uber, MoMo… đã phải làm gì để săn đón, lôi kéo người dùng? Zalo, Viber, LINE, KakaoTalk đã bỏ ra hàng chục triệu USD; GrabTaxi, Uber, MoMo khuyến mãi tràn ngập và liên tục. Các chiến dịch truyền thông được họ triển khai mạnh như bão tố và không thiếu những chiêu trò, cùng những cuộc "so găng" giành giật người dùng căng thẳng đến "u đầu chảy máu". Chứ không phải nhạt nhòa theo kiểu " ‘anh' ưu đãi cho các ‘chú' này, này…, các ‘chú' cứ vào dùng nhé" mà thành được!
Có tiềm lực nhưng chưa "đáng sợ"!
Hai yếu tố mấu chốt để các ứng dụng OTT tồn tại được trên thị trường hiện nay là chất lượng sản phẩm - dịch vụ và khả năng, quyết tâm đầu tư quảng bá, thu hút người dùng. Phải tồn tại được một cách ngon lành trước đã, sau đó mới tính tới phát triển và thống lĩnh. Các ứng dụng như Zalo, Viber, LINE, KakaoTalk, GrabTaxi, Uber, MoMo… đều phải hướng vào đúng hai trọng tâm này.
Tuy nhiên đối với các ứng dụng OTT của nhà mạng (xếp vào loại ứng dụng truyền thông hoặc rộng hơn là định hướng phát triển thành một nền tảng trên thiết bị di động), thì cả hai yếu tố trên đều chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Hay nói đúng hơn, các OTT của nhà mạng đang được định vị như hàng chục dịch vụ giá trị gia tăng mà họ cung cấp đến người dùng. Với định hướng đầu tư và cung cấp dịch vụ như vậy, thì những ứng dụng OTT trên thị trường hiện nay có lẽ chẳng việc gì phải "sợ" OTT của nhà mạng.
Dư luận Việt Nam nói chung và truyền thông Việt nói riêng hay có kiểu thổi bùng những việc chưa xảy ra theo định hướng lo âu, ám ảnh, sự đáng sợ, thế lực khủng.v.v…, nhưng kết quả thế nào thì đã quá rõ qua nhiều sản phẩm, dịch vụ sau khi được chính thức ra mắt. Tiềm lực thì cũng chỉ là tiềm lực mà thôi nếu không biết "đánh thức" nó. Hoặc giả nếu có được "đánh thức", thì mức độ quan tâm, vai trò của một ứng dụng OTT được định vị như thế nào trong cơ cấu hoạt động kinh doanh nói chung của nhà mạng cũng sẽ quyết định đến tương lai phát triển và sự thành bại của ứng dụng OTT của nhà mạng. Một ứng dụng OTT của doanh nghiệp Việt như Zalo chẳng hạn, được định vị là đầu tư mũi nhọn, là sự sống-còn, thành-bại của một giai đoạn, để phát triển và nuôi sống sản phẩm không chỉ đòi hỏi một đội ngũ làm công nghệ chăm chút từng chút về chất lượng, mà còn bao gồm cả các bộ phận truyền thông, phát triển cộng đồng, phát triển kinh doanh.v.v… tổng cộng lên đến cả trăm con người.
Ngành nghề kinh doanh chính của nhà mạng là dịch vụ viễn thông và các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng di động mà ứng dụng OTT như Viet Talk, Mocha, Halo cũng chỉ là một trong số đó. Chỉ khi nào nhà mạng cũng định hướng phát triển ứng dụng OTT như một chiến lược sản phẩm mũi nhọn thì sẽ đầu tư mạnh hơn, và khi ấy mới thực sự trở nên "đáng sợ".
Nếu các doanh nghiệp phát triển OTT không phải lo lắng về khả năng "xấu chơi" của nhà mạng như sự nghi ngờ trước đây về khả năng bóp băng thông đối với các ứng dụng OTT trên thị trường chẳng hạn, thì họ chẳng phải e sợ gì dù có phải đối mặt cạnh tranh trực tiếp và sòng phẳng trước các ứng dụng OTT của nhà mạng.
Thẩm Hồng Thụy
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét