Các nhà khoa học vừa đề ra một phương pháp giúp họ phát hiện ra được mọi loại virus trên cơ thể người và có thể trở thành cuộc cách mạng y học trong tương lai.
Phải tốn khá nhiều công đoạn để xác định chính xác chủng loại virus gây bệnh
Để điều trị một bệnh nhân thì trước hết phải xác định được nguyên nhân chính của căn bệnh đó. Song điều đáng nói là việc chẩn đoán không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh với đủ loại triệu chứng giống lẫn khác nhau. Việc chẩn đoán nhầm nguyên nhân có thể để lại tác hại khôn lường khi mầm bệnh không được tiêu diệt mà còn có thể giúp chúng mạnh mẽ hơn. Song nếu tốc độ chẩn đoán quá chậm, đôi khi mọi thứ trở nên "quá muộn màng" và bác sỹ không thể làm gì khác để giúp bệnh nhân.
Nếu nguyên nhân bệnh là do virus, các phương pháp chẩn đoán hiện nay không đủ nhạy cảm để phát hiện ra mọi loại virus. Hoặc các bác sỹ phải dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân để chẩn đoán loại virus gây bệnh. Những cách này, như đã nói, đều có nhược điểm hoặc là chúng không chính xác tuyệt đối, hoặc là thời gian chẩn đoán quá lâu.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại ĐH Washington ở bang Missouri (Mỹ) có thể giúp giải quyết vấn đề này. Họ đã phát triển ra "ViroCap", một phương pháp xét nghiệm chẩn đoán có thể phát hiện bất kỳ loại virus nào lây nhiễm trên cơ thể người và động vật. Nghiên cứu trên đã được đăng trên tạp chí Genome Research.
Để phát triển ra ViroCap, các nhà nghiên cứu thu thập các đoạn DNA và RNA từ mỗi nhóm virus lây sang người và động vật đã được biết đến. Kết quả là họ đã thu thập khoảng 2 triệu mảnh vật liệu di truyền. Các vật liệu di truyền được tìm thấy trong máu, phân và nước miếng của bệnh nhân. Sau đó, các nhà khoa học sẽ phân tích trình tự gene của những vật liệu di truyền vừa thu được và so sánh với cơ sở dữ liệu sẵn có để đưa ra kết luận về loại virus đang lây cho người bệnh. Nếu phát hiện sự trùng khớp, các phép chẩn đoán chuyên sâu hơn cho chủng virus trùng khớp sẽ được tiến hành tiếp để xác nhận chính xác hơn.
Các nhà nghiên cứu hy vọng phương pháp mới này có thể giúp nhanh chóng phát hiện các ổ dịch mới của những loại virus gây chết người như Ebola, Marburg và SARS cũng như các loại virus gây nhiễm trùng nặng đường tiêu hoá như rotavirus và norovirus.
Ảnh kính hiển vi của virus Ebola
Các thử nghiệm sơ bộ đã được thực hiện trên hai nhóm trẻ em tại Bệnh viện St. Louis. Kết quả, các nhà khoa học nhận thấy phương pháp mới phát hiện được thêm 52% số virus gây bệnh so với các phương pháp truyền thống. ViroCap cũng có khả năng phân biệt ra các biến thể "nhẹ" (ít thay đổi di truyền) của cùng loại virus gây bệnh. Theo các nhà khoa học, điều này rất hữu ích để xác định từng dòng virus gây cúm ví như H3N2 (vốn có thể phát triển, lây lan với nhiều biến thể khác nhau và khó xác định).
Tuy vậy phương pháp này mới chỉ được bắt đầu xây dựng và cần được hoàn thiện hơn nữa. Chúng ta phải chờ đợi thêm một thời gian nữa để ViroCap có thể được áp dụng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Các nhà nghiên cứu cũng đặt mục tiêu phát triển phương pháp này hơn nữa để có thể phát hiện các nguyên nhân gây bệnh khác ngoài virus như vi khuẩn và nấm.
Minh Trung
Theo Popsci
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét