Sự có mặt của các tựa game như Solitaire và Minesweeper trên các phiên bản Windows đầu tiên không chỉ là để bạn... phí thời gian vô ích trong giờ làm.
Mỗi phiên bản Windows lại mang đến một chút khác biệt cho Solitaire, nhưng tựa game này vẫn là một phần quan trọng trong ký ức của nhiều người về Windows 95/98/XP.
Không phải vô cớ mà Microsoft lại đưa các tựa game "kinh điển" như Solitaire và Minesweeper lên Windows. Và, khác với những gì bạn nghĩ, những tựa game này cũng không phải là để Microsoft chứng tỏ khả năng làm game hay để phô diễn sức mạnh đồ họa của những chiếc PC thập niên 1990 mà là để giúp người dùng của thế kỷ trước có thể học cách sử dụng giao diện đồ họa của Windows.
Trong khi Apple đã ra mắt chuột và giao diện đồ họa trực quan (GUI) vào những năm 1984, số lượng ít ỏi người dùng của nền tảng Mac khiến cho phần đông người tiêu dùng vẫn còn khá xa lạ với giao diện này. Khi phiên bản Windows hoàn thiện đầu tiên (Windows 3.0) ra mắt, trách nhiệm giúp người dùng có thể làm quen với các tính năng căn bản của con chuột bàn phím trên nền giao diện đồ họa thuộc về Microsoft.
Khi nhớ lại về những ngày tháng này, giám đốc sản phẩm của Microsoft, Libby Duzan cho biết gã khổng lồ phần mềm đã "đưa Solitaire vào Windows để giúp xoa dịu những người cảm thấy sợ hãi về hệ điều hành này". Ngày nay, chúng ta đã quá quen với những giao diện đồ họa dễ sử dụng như Windows, Mac OS hay iOS và Android, song ngày đó, Windows 3.0 vẫn là một môi trường điện toán hoàn toàn mới lạ, khác biệt hoàn toàn với môi trường gõ lệnh của DOS. Do đó, bên cạnh việc cung cấp cho người dùng một công cụ giết thời gian, Solitaire được dùng để "dạy người dùng cách sử dụng chuột" với trọng tâm là tính năng kéo-thả (drag n' drop), một tính năng có thể chưa thực sự rõ ràng với những người dùng vốn chỉ biết dùng bàn phím gõ câu lệnh.
Minesweeper đã từng được người dùng thập niên 90 mang ra để so tài trí tuệ.
Vị trí của Minesweeper cũng tương tự như Solitaire trong lịch sử của Windows, và mục đích của Microsoft khi ra mắt game "dò mìn" này cũng là để giúp cho người dùng làm quen với giao diện đồ họa: trong khi Solitaire tập trung vào kéo thả, Minesweeper tập trung vào tính năng chuột trái và chuột phải. Những người dùng của thế hệ trước đã cần tới tựa game này để biến khả năng sử dụng hai nút chuột thành bản năng thứ hai của mình. Đồng thời, các ô "mìn" kích cỡ nhỏ trên Minesweeper cũng giúp cho người dùng có thể tăng tốc độ cũng như mức độ chính xác khi di chuột.
Vượt qua vai trò hướng dẫn ban đầu của mình, Solitaire và Minesweeper đã trở thành những hiện tượng văn hóa thực thụ. Cũng bởi vậy mà Microsoft đã gây tranh cãi mạnh mẽ khi ra mắt một phiên bản Solitaire ép người dùng phải... trả tiền để gỡ quảng cáo trên Windows 10. Dù sao, bất kể là Microsoft có biến tướng các tựa game "huyền thoại" của mình thế nào đi chăng nữa, những tựa game xếp bài và dò mìn của Windows vẫn sẽ mãi là những kỷ niệm tuyệt vời gắn với những ngày đầu được sử dụng máy tính của một bộ phận không nhỏ người dùng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Lê Hoàng
Theo BGRa
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét