Smartphone ngày nay không chỉ là một thiết bị thuần gọi điện hay nhắn tin nữa, đây còn là một chiếc camera bỏ túi cực kỳ tiện dụng và thậm chí còn trở thành công cụ đắc lực cho nhiều nhiếp ảnh gia hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người thắc mắc vì sao ảnh của họ không thể đẹp, hoặc thậm chí nhiều người không hề hài lòng với chất lượng ảnh sau khi chụp dù họ đang sở hữu những smartphone cao cấp.
Nguyên nhân trên là do một phần họ vẫn chưa tận dụng được điều kiện xung quanh cũng như không kiểm soát hoàn toàn camera trên máy mình. Sau đây tôi sẽ giới thiệu đến bạn đọc một số mẹo hay để các tín đồ chụp ảnh có thể sáng tác được nhiều ảnh đẹp hơn với chính chiếc smartphone của mình.
1. Hãy chụp đủ sáng
Ánh sáng luôn là yếu tố quyết định đến chất lượng ảnh, dù bạn chụp bằng smartphone hay máy ảnh DSLR chuyên nghiệp. Nếu đang chụp ngoại cảnh, hãy tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, lưu ý tránh chụp vào những lúc trưa nắng quá gắt sẽ khiến cho ảnh dễ bị cháy hoặc người dùng cũng khó có thể nhìn vào màn hình để quan sát lấy bố cục vì quá chói.
Bên cạnh đó, nếu chủ thể là con người thì càng tránh trời trưa nắng vì dễ khiến mẫu thiếu phần tươi tắn do nắng nóng dẫn đến mất tự nhiên. Thay vào đó, hãy chọn những khoảng thời gian có ánh sáng chan hòa và đỡ gắt hơn. Thời điểm thích hợp để chụp ảnh theo tôi nên từ sáng sớm đến khoảng 9 giờ sáng (có thể 10 giờ tùy thuộc vào tháng trong năm), đối với buổi chiều thì từ 15 giờ đến 17 giờ. Nếu bạn là người thích chụp phong cảnh, hãy chọn thời điểm hợp lý để chụp bình minh và hoàng hôn để tác phẩm có thêm phần "đổi mới".
Tấm ảnh này được chụp vào buổi chiều bằng điện thoại LG G4.
Một điểm mà một số người hay mắc phải là chụp chủ thể cùng với hậu cảnh quá sáng, và kết quả là bạn chỉ có thể thấy được hậu cảnh, còn người trong ảnh thì...tối thui. Để khắc phục tình trạng này, cần chuyển chủ thể hướng mặt về nguồn sáng, hoặc có thể sử dụng hắt sáng hay đánh flash để chủ thể không bị tối. Như vậy, khi chụp ngoài trời, hãy tránh những hậu cảnh quá sáng, trừ khi đó là chủ đích mà bạn muốn để tạo nên một tấm ảnh Silhouette (ngược sáng).
Đây là trường hợp ánh sáng phía sau quá mạnh so với ánh sáng trong phòng, khiến chủ thể trong ảnh bị tối.
Nếu chụp trong nhà, hãy bật đèn để có đủ lượng ánh sáng cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thêm rằng nguồn sáng trong nhà có thể thay đổi màu ảnh, nhất là loại đèn vàng trong những quán cafe. Điện thoại mặc dù có tính năng tự động cân bằng trắng (Auto White Balance) tuy nhiên không hẳn lúc nào thiết bị này cũng có thể cân được chính xác, vì vậy nếu cần thiết, hãy tự tay đổi thông số White Balance trên máy để cho kết quả được tối ưu nhất.
Hoàng hôn. Thiết bị: Sony Xperia P.
Ngược sáng. Thiết bị: Nexus 5.
2. Giữ vững máy khi chụp
Nhiều người than phiền vì sao họ chụp ảnh lúc nào cũng bị nhòe và không rõ nét, nguyên nhân một phần là do họ không cầm chắc máy khi chụp. Hầu hết các smartphone khi bấm nút chụp sẽ cần 1 khoảng thời gian ngắn để lấy nét cũng như "bắt" ảnh vào trong máy. Chính vì vậy đừng nên quá hấp tấp, hãy kiên nhẫn lấy nét, giữ chắc tay và nhấn nút chụp, chờ đến khi có tín hiệu chụp từ máy phát ra báo hiệu ảnh đã được chụp xong.
Khi chụp ở điều kiện thiếu sáng, camera trên điện thoại sẽ lấy nét chậm hơn cũng như có xu hướng đẩy tốc độ màn trập (shutter speed) thấp xuống để thu đủ lượng ánh sáng cho ảnh. Nếu vẫn giữ vững tay mà ảnh vẫn bị nhòe trong trường hợp này, hãy tìm điểm tựa như cây, tường, hoặc cố định máy lên mặt phẳng. Bên cạnh đó, trang bị cho mình một chiếc tripod cũng là một sự đầu tư đáng giá nếu bạn muốn chụp phơi đêm bằng điện thoại.
Ví dụ trong trường hợp này, tốc độ màn trập chỉ có 1/9 giây, tức ảnh sẽ dễ bị nhòe chỉ với một cái rung tay nhẹ. Vì vậy, tôi đã tì tay vào bàn và giữ vững máy để hạn chế tình trạng nhòe ảnh.
Chụp bằng Samsung Galaxy S6.
3. Đứng khoảng cách đủ gần với chủ thể
Một lỗi mà nhiều người gặp phải trong chụp ảnh điện thoại là chủ thể trong ảnh quá nhỏ, đến độ đôi khi người xem không thể nhìn rõ chủ thể hoặc điểm nhấn trong bức ảnh do người chụp đứng quá xa. Một số người sẽ nghĩ rằng, điện thoại của tôi có tính năng zoom lại gần, vậy dại gì mà tôi phải bước đến gần mà chụp? Không thể phủ nhận camera điện thoại có thể làm được điều này, nhưng lưu ý rằng, cách zoom "thụ động" này sẽ khiến ảnh bị vỡ và mất chi tiết đi do cảm biến trên smartphone vẫn khá nhỏ, không thể nào so sánh được với các máy DSLR chuyên dụng.
Vì thế, để chủ thể được rõ ràng và "bật" lên trong ảnh, hãy tập thói quen zoom bằng...chân, hay nói cách khác là chủ động tiến đến gần chủ thể hơn.
Đừng ngại tiếp cận chủ thể, bạn có thể bắt được nhiều khoảnh khắc đẹp nếu tiến đến gần hơn. Thiết bị: Honor 4C.
Chụp bằng LG G4.
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét