LG G4 và Sony Xperia Z3+ là những smartphone đầu bảng của hai hãng điện thoại Nhật – Hàn được giới thiệu tại Việt Nam nửa cuối năm nay. Ngoài cấu hình ấn tượng, hai smartphone này cũng được trang bị camera độ phân giải cao, lần lượt là 16MP và 20MP.
Điểm đặc biệt ở camera của LG G4 là đèn laser hỗ trợ lấy nét nhanh, chế độ chụp chuyên nghiệp cùng khả năng lưu ảnh ở dạng file RAW. Trong khi đó, Xperia Z3+ sử dụng cảm biến Sony chất lượng cao, có chế độ chụp thủ công và chế độ tự động cao cấp.
LG G4 và Sony Xperia Z3+, chiếc điện thoại nào sẽ chiến thắng trong màn đọ camera? Hãy cùng tìm hiểu với VnReview.
Chúng tôi sử dụng chế độ tự động với cả hai điện thoại (chế độ cơ bản trên G4, tự động cao cấp trên Z3+; độ phân giải ảnh chụp từ Z3+ chỉ ở mức 8MP với chế độ này), trong một số trường hợp chụp ngược sáng thì có bật chế độ HDR (có chú thích từng ảnh). Với mỗi ảnh trong bài, chúng tôi đều chụp nhiều lần, sau đó chọn ảnh đẹp nhất.
Cả LG G4 và Z3+ đều đã bán chính thức tại Việt Nam với giá công bố lần lượt là 16 triệu đồng (bản nắp lưng da) và 17 triệu đồng. Hai máy trong bài đánh giá này được chúng tôi lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile với giá rẻ hơn khá nhiều, 13,55 triệu đồng với chiếc G4 bản nắp lưng da và 15,25 triệu đồng với chiếc Z3+.
Giao diện, ứng dụng chụp ảnh
Nút camera vật lý trên Z3+ đem lại nhiều lựa chọn khi chụp
Z3+ là smartphone hiếm hoi hiện nay còn trang bị nút chụp cứng. Nút chụp này có chức năng mở ứng dụng camera khi màn hình đang tắt, hoặc lấy nét và chụp khi ở trong ứng dụng. Trong khi đó, LG G4 có thể mở nhanh camera bằng cách giữ nút âm lượng. Thao tác mở ứng dụng camera của hai chiếc điện thoại này nhanh tương đương nhau.
LG G4 cho cảm giác cầm dễ chịu, ôm tay
Khi cầm máy để chụp thực tế thì LG G4 cho cảm giác dễ chịu hơn một chút, do lưng máy cong tạo cảm giác cầm bám tay, nhất là khi xoay dọc máy để chụp "tự sướng". Trong khi đó phần vỏ nhôm của Z3+ trông rất sang trọng, nhưng do kích thước và kiểu dáng nên khi cầm hơi trơn, dễ rơi.
Chế độ tự động cao cấp ở Z3+ sẽ tự động nhận biết được hoàn cảnh chụp và đưa ra chế độ hợp lý
Giao diện ứng dụng camera trên Z3+ thoáng đãng và dễ nắm bắt, do các chế độ chụp đều được tách riêng ra. Hai chế độ chụp chính là tự động cao cấp và thủ công. Chế độ chụp thủ công trên Z3+ cho phép bạn can thiệp vào rất nhiều điều chỉnh, cả về độ sáng và màu sắc. Thiếu sót duy nhất ở chế độ này là khả năng kéo dài thời gian màn trập để chụp phơi sáng, tuy nhiên với phần lớn smartphone thì kiểu chụp này không hiệu quả.
Ứng dụng thủ công của G4 cho phép điều chỉnh nhiều thông số khi chụp ảnh, và hỗ trợ xuất file RAW
Không giống như Z3+, ứng dụng chụp ảnh của G4 chỉ có 3 chế độ chụp: đơn giản, cơ bản và thủ công. Chế độ chụp cơ bản có giao diện thoáng và dễ nắm bắt, còn chế độ thủ công cho phép bạn điều chỉnh rất nhiều thông số khi chụp bức ảnh, vốn cũng đã có trên nhiều smartphone Android khác. Điểm đặc biệt của chiếc G4 là nó có thể lưu file ảnh ở dạng RAW, cho phép bạn can thiệp sâu vào bức ảnh khi xử lý hậu kỳ.
Tốc độ chụp và lưu ảnh của G4 khá nhanh, nhưng nếu bật tính năng HDR thì máy chụp và lưu ảnh chậm hẳn lại, đặc biệt là khi so với những smartphone như Galaxy S6 hay iPhone 6. Trong khi đó Z3+ có một lỗi khó chịu: khi quay phim, máy luôn bị khựng khoảng nửa giây cả khi bắt đầu và kết thúc quay.
Ở giao diện camera trước thì cả hai điện thoại đều đơn giản, tuy nhiên Z3+ hỗ trợ nhiều chế độ chụp hơn. G4 cho phép chụp bằng cử chỉ nắm tay, còn Z3+ có thể chụp khi người trong hình cười; trong đó cách chụp của G4 dễ kiểm soát hơn. Hai điện thoại cũng đều hỗ trợ làm đẹp khuôn mặt người chụp.
Chất lượng ảnh
Khi ánh sáng thuận lợi, G4 và Z3+ đều thể hiện tốt. Hai máy bắt nét, chụp và lưu ảnh đều nhanh. Về độ sáng thì ảnh chụp của G4 cho độ sáng cân bằng hơn một chút, trong khi Z3+ có một số ảnh hơi thừa sáng. Hai máy đều thể hiện chi tiết tốt, nhưng G4 vẫn nhỉnh hơn.
Về mặt màu sắc, chế độ chụp tự động cao cấp trên Z3+ có xu hướng đẩy màu sắc rực hơn so với thực tế. Điều này thể hiện rõ ở những ảnh chụp có nền trời hoặc biển màu xanh. Đôi khi với màu sắc khó (đỏ, tím) thì chiếc Z3+ không thể hiện được màu sắc chuẩn. Trong khi đó G4 thường cho ảnh có màu chuẩn, ít bị ngả màu hay rực như Z3+. Tuy nhiên màu sắc rực rỡ của Z3+ có thể khiến cho nhiều người ưng mắt hơn.
Khi chụp buổi tối hoặc trong nhà, G4 vẫn thể hiện ưu thế hơn so với Z3+ ở độ chi tiết. Nhìn ảnh ở mức độ phóng to tối đa thì có thể nhận thấy ảnh chụp từ G4 nét hơn, chi tiết tách bạch hơn ảnh của Z3+. Hai máy đều bắt sáng khá tốt, nhưng về màu sắc thì G4 thể hiện chuẩn hơn.
Khi môi trường chụp rất tối, cả hai điện thoại đều đẩy độ sáng của ảnh lên cao. Ảnh chụp so sánh phía dưới được chụp khi trời rất tối, mắt người không nhìn rõ. Trong các bức ảnh thì LG G4 vẫn thể hiện tốt hơn một chút: ảnh sáng hơn, chi tiết rõ nét hơn.
Độ sáng đèn flash khi chụp tối của hai máy là tương đương nhau, nhưng G4 xử lý ánh sáng tốt hơn. Ở bức ảnh phía dưới, hai máy cùng lấy nét vào một điểm nhưng ảnh chụp từ G4 đối tượng rõ nét hơn, còn Z3+ thì bị lóa sáng, mất hết chi tiết.
Tương tự khi chụp tối, ảnh chụp từ G4 với chế độ HDR ấn tượng hơn so với Z3+: màu sắc chuẩn hơn (điện thoại của Sony dễ bị ngả màu), chi tiết thể hiện tốt hơn.
Ảnh chụp HDR từ hai điện thoại. Dễ thấy khi chụp hoàng hôn thì chiếc Z3+ cho ảnh bị ngả màu đỏ, còn ảnh từ G4 cân bằng và màu thật
Chất lượng camera trước cũng là thứ người dùng rất quan tâm khi chọn điện thoại. Về độ phân giải thì chiếc Z3+ thua kém G4 một chút (5.1 MP so với 8 MP), và chất lượng ảnh của G4 cũng nhỉnh hơn. Ngay khi bật máy ảnh trước, có thể thấy G4 hiển thị ảnh sáng rõ hơn, tính năng "làm đẹp" cho khuôn mặt mịn hơn nên sẽ khiến người dùng thích mắt hơn.
Ảnh chụp từ G4 cũng hướng đến việc làm đẹp cho người chụp, với thanh trượt để làm cho da mặt trắng, mịn màng hơn. Trong khi đó ảnh chụp từ Z3+ trung thực, bớt "ảo" hơn nhưng đó lại không phải điều nhiều người chờ đợi ở máy ảnh trước.
Kết luận
Với nhiều người dùng ngày nay, điện thoại đã trở thành một công cụ chụp ảnh thay thế cho máy ảnh chuyên nghiệp. Lý do của sự phát triển này là sự tiện lợi của điện thoại khi chụp, và chất lượng hình ảnh được cải thiện đáng kể trong những năm qua.
Do vậy khi đánh giá khả năng chụp ảnh của hai chiếc điện thoại này, tôi luôn để ý đến các yếu tố trên. Sau gần 1 tuần sử dụng cả hai điện thoại này làm thiết bị chụp ảnh chính, tôi nhận thấy mình thích sử dụng chiếc G4 hơn hẳn. Ở tiêu chí thuận tiện và dễ dùng, tốc độ của G4 cũng tương đương Z3+ nhưng thiết kế cầm ôm tay nên cho cảm giác "an toàn" hơn.
So sánh về chất lượng ảnh chụp, qua những hình ảnh phía trên có thể thấy G4 trội hơn hẳn so với Z3+, đặc biệt là khi ánh sáng yếu và khi chụp bằng camera trước. Chiếc điện thoại của Sony vẫn thể hiện khá tốt về camera, tuy nhiên nếu so sánh trực tiếp thì LG đã có một chiếc smartphone chụp ảnh ấn tượng hơn.
Anh Tú
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét