Tim Cook trong một lần đến thăm Trung Quốc
Sau nhiều tuần thị trường chứng khoán Trung Quốc rơi vào tình cảnh rối loạn, chính phủ nước này đã quyết định "thả nổi" tỷ giá của CNY. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sau nhiều năm ở mức 2 con số bỗng dưng giảm còn 7%. Đất nước đông dân nhất và hiện đang là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở thành mục tiêu của nhiều công ty. Nhưng các dấu hiệu cho thấy quá trình tăng trưởng hàng chục năm trời của Trung Quốc sắp kết thúc đã nhanh chóng khiến cho giới đầu tư hoảng sợ. Chỉ trong vòng vài ngày kể từ khi Trung Quốc phá giá đồng tệ, thị trường chứng khoán toàn cầu bỗng bị "bay hơi" 5.000 tỷ USD.
Các công ty công nghệ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của sự kiện này. Cổ phiếu của cả Apple, Microsoft, Google và Facebook đều đã bị giảm giá trong ngày hôm nay. Với nguồn tăng trưởng chủ yếu đến từ Trung Quốc, Apple là tên tuổi bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Trước khi phiên giao dịch ngày thứ hai bắt đầu, cổ phiếu của Táo giảm xuống dưới mức 100 USD.
Thị trường chứng khoán Mỹ lao đao vì CNY phá giá
Đứng trước tình trạng này, CEO Tim Cook đã thực hiện một động thái chưa từng có trong lịch sử: gửi email trấn an tới Jim Cramer, chuyên gia tài chính của hãng truyền hình CNBC. Trong bức thư sau đó đã được công bố rộng rãi này, vị CEO của Apple khẳng định:
"Như anh đã biết, chúng tôi không đưa ra cập nhật thông tin vào giữa các quý và cũng hiếm khi bình luận về sự thay đổi trong giá cổ phiếu. Nhưng tôi biết câu hỏi của anh cũng được nhiều nhà đầu tư nghĩ đến.
Tôi vẫn được cập nhật về tình hình kinh doanh của hãng tại Trung Quốc hàng ngày, cả sáng nay cũng vậy. Và tôi có thể nói rằng chúng tôi đã tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ tại Trung Quốc từ tháng 7 đến tháng 8. Tốc độ tăng trưởng số lượt kích hoạt iPhone thực ra đã tăng mạnh trong vài tuần vừa qua. Và chúng tôi có được kết quả tốt nhất dành cho App Store trong cả năm tại Trung Quốc trong vòng 2 tuần qua.
Tôi không thể dự đoán tương lai, nhưng kết quả kinh doanh của Apple trong quý này là hoàn toàn đáng yên tâm. Tôi vẫn tin rằng Trung Quốc là một cơ hội chưa từng có bởi mức độ phủ sóng LTE là rất thấp và sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu trong vài năm tới sẽ rất khổng lồ".
Tâm thư của Tim Cook
Dù cho kết quả kinh doanh Quý 3 năm nay không đạt như mong đợi thì Apple vẫn còn 2 con bài chủ lực iPhone và iPad cho quý cuối cùng của năm. Theo dự đoán của The Verge, trừ trường hợp suy thoái kinh tế lâu dài xảy ra, các công ty công nghệ lớn như Apple và Microsoft sẽ không bị ảnh hưởng trầm trọng bởi cuộc khủng hoảng hiện tại. Tất cả các công ty này đều có nguồn dự trữ tiền mặt khá lớn và nguồn doanh thu được phân bổ rộng rãi trên toàn cầu.
Tuy vậy, với các công ty khởi nghiệp (startup) non trẻ (và ít tiền hơn) như Twitter, Box, Uber... cuộc khủng hoảng từ Trung Quốc có thể sẽ đẩy nhiều hãng vào thế bí. Kinh tế suy thoái sẽ khiến sức tiêu dùng giảm sút, và ngay cả trong trường hợp có doanh thu khá khẩm như Snapchat, Uber và Spotify thì phần lớn các startup đều đang tiêu tiền nhiều hơn mức kiếm được. Đó là còn chưa kể nhiều công ty trong số này được đầu tư mạnh tay bởi các thế lực đến từ Trung Quốc.
Trong trường hợp tệ nhất, một số startup có thể phải đệ đơn phá sản hoặc bị mua lại. Hoặc họ buộc phải kêu gọi vốn từ một "down round" - giá trị của công ty ở lần gọi vốn này sẽ thấp hơn các lần trước khá nhiều và các cổ đông rất không thích điều này.
Một số startup phương Tây cũng hoạt động rất mạnh tại Trung Quốc, ví dụ như Uber
Song, ngay cả trong trường hợp vỡ "bong bóng startup" thì hậu quả cho giới công nghệ cũng sẽ không nặng nề như khi "bong bóng dotcom" vỡ tung vào cuối 2000. Trong khi ngành hi-tech nói riêng và cả thị trường chứng khoán thế giới nói chung đang phải trải qua một giai đoạn vô cùng căng thẳng, thì sự thật là thị trường công nghệ đã liên tục tăng trưởng "nóng" trong những năm vừa qua.
Nhìn nhận một cách tích cực, cuộc khủng hoảng lần này có thể là cơ hội để thị trường này tự điều chỉnh, đưa tới tương lai vững chắc hơn cho giới đầu tư cũng như những người tham gia phát triển phần cứng và phần mềm.
Lê Hoàng
Theo The Verge
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét