Giờ G đã điểm. Hôm nay sẽ là một trong những ngày bận rộn nhất 2015 của Microsoft - phiên bản hệ điều hành Windows mới nhất và cũng là sau cùng của hãng được chính thức phát hành.
Lời hứa gần một năm trước của công ty phần mềm tại Redmond đã thành hiện thực. Vào ngày 30/9 năm ngoái, Microsoft khiến cho giới công nghệ một phen bối rối khi công bố tên phiên bản Windows tiếp theo mà họ sẽ ra mắt. Thay vì là Windows 9 như mọi người vẫn nghĩ, công ty này "nhảy cóc" lên số 10. Nhiều người hài hước đã ví von rằng Windows 8.1 thực ra chính là Windows 9 (8 + 1) nên không có gì để ngạc nhiên về số 10 cả. Và thực tế thì Microsoft chỉ cho phép nâng cấp miễn phí Windows 7 SP1 và 8.1 lên 10, chứ không phải từ Windows 8. Có vẻ như hãng công nghệ phần mềm không muốn nhớ tới "con cừu đen" mà mình đã tạo ra.
Dù vậy, Windows 8 và 8.1 vẫn chia sẻ chung rất nhiều thứ. Chúng được thiết kế trong thời buổi "cảm ứng ở nơi nơi, di động ở nơi nơi". Và quả thực trải nghiệm trên màn hình cảm ứng của 8/8.1 tốt hơn Windows 7 rất nhiều. Nếu từng có dịp dùng qua những chiếc tablet Windows 7, hẳn bạn sẽ nhận ra điều đó. Song cả 8 và 8.1 đều gặp một vấn đề nghiêm trọng - phần đông người dùng Windows đều sử dụng PC truyền thống (desktop và laptop) và họ "thích" một giao diện thuần desktop. Windows 8/8.1 rất hợp cho cảm ứng nhưng lại rất tệ trên PC cũ.
Windows 10 sẽ hợp nhất mọi nền tảng thiết bị
Microsoft cũng nhận ra điều đó. Vậy là Windows 10 được thai nghén với ý tưởng làm sao vẫn mang được trải nghiệm PC thuần tuý mà vẫn chạy tốt trên các thiết bị cảm ứng. Những chiếc smartphone hoặc tablet ngoài những ô cửa sổ biểu tượng to lớn ra, khi cần thiết chúng vẫn có thể làm việc như một chiếc PC thu nhỏ. Điều này đạt được nhờ một tính năng quan trọng nhất của Windows 10 - Continuum. Tuỳ theo thiết bị sử dụng, và đặc biệt nếu người dùng sở hữu một thiết bị "lai" 2 trong 1 như laptop lai tablet, Windows 10 cho phép nhanh chóng chuyển sang chế độ tablet cực tiện lợi. Trong khi với smartphone, chỉ cần xuất tín hiệu ra màn hình ngoài, người dùng sẽ có trải nghiệm của PC thuần tuý.
Continuum là tính năng đáng giá nhất khiến người dùng "từ bỏ" Windows 7 hoặc 8 hoặc 8.1 để "lên đời" Windows 10. Nhưng nó không phải điểm hấp dẫn duy nhất. Với chương trình cập nhật miễn phí trong vòng một năm đầu tiên, Microsoft đang cố thu hút mọi sự quan tâm dành cho sản phẩm Windows mới nhất của mình. Và có thể nói đến giờ này, hầu hết những người tham gia dùng thử Windows 10 trong chương trình Insider đều hài lòng dù nó vẫn còn một số điểm gây khó chịu. Song hơn hết, Windows 10 đang có một xuất phát điểm khá mạnh.
Cortana có cách trả lời hóm hỉnh
Nếu 2 điều trên vẫn chưa đủ khiến bạn bị Windows 10 "mê hoặc", "cô nàng" trợ lý ảo Cortana sẽ làm việc đó. Có mặt đầu tiên trên Windows Phone, xuất hiện sau Google Now lẫn Siri song ứng dụng này đều được các trang công nghệ đánh giá cao. Cortana thậm chí có thể trả lời những câu hỏi của người dùng một cách rất nhân bản và hài hước chứ không thuần tuý "google search". Trợ lý ảo này mang âm hưởng của một AI hiện đại hơn các sản phẩm của Apple và Google.
Với Windows 10, hãng khổng lồ phần mềm còn muốn cải thiện một "tiếng xấu" khác đã có từ lâu. Được xây dựng trên "đám tro tàn" Internet Explorer, Edge là trình duyệt web mới nhất của hãng này. Nó cũng được Microsoft đầu tư nghiêm túc và có tốc độ duyệt web khá nhanh. Cortana cũng được tích hợp sâu vào Edge và người dùng có thể thấy nó không "giống" lắm với người anh em "bị ghẻ lạnh" Internet Explorer. Nhưng nó có giúp nhiều cho sự thành công của Windows 10 hay không thì chúng ta chưa rõ.
Edge tương đối có được nhiều thiện cảm hơn Internet Explorer
Đối với cộng đồng game thủ, Windows 10 mang theo một món quà ý nghĩa khác - DirectX 12. Tuy không có nhiều nâng cấp về mặt chất lượng hình ảnh so với DirectX 11 nhưng bản 12 này cải thiện đáng kể tốc độ xử lý đồ hoạ. Từ đó cho phép người dùng có được trải nghiệm game mượt mà hơn so với DirectX 11 mà không phải giảm thiểu cấu hình đồ hoạ như trước đây. Tuy vậy, những tựa game DirectX 12 chỉ có thể đến với người dùng sau khi Windows 10 được phát hành, cũng như cần được sự tối ưu driver đồ hoạ của AMD, NVIDIA và Intel.
Tất nhiên, Windows 10 còn rất nhiều tính năng mới khác mà chúng ta không thể liệt kê hết. Một số có thể ra như Windows Hello sẽ thay đổi cách đăng nhập vào thiết bị khác với Windows 8.1 trở về trước. Những ai đang sở hữu Xbox One có thể stream qua lại tín hiệu hình ảnh với chiếc máy tính Windows 10, cho phép họ chơi được game trên nhiều màn hình hơn. Ứng dụng Maps cũng được cải thiện giao diện rất nhiều. Photos hay Groove Music...
Windows 10 hỗ trợ nhiều chế độ đăng nhập thiết bị
Windows 10 hiện đang được Microsoft phát hành trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt nếu bạn là một Windows Insider, rất có thể giờ này máy tính của bạn đã chạy phiên bản Windows mới nhất từ hãng, nhờ tính năngcập nhật "ngầm" qua Windows Update. Song nếu bạn không nằm trong số đó và muốn tự cài đặt mới Windows 10 lên máy tính của mình, hãy tham khảo bài hướng dẫn sau của VnReview để có được trải nghiệm nâng cấp Windows 10 mượt mà nhất.
Chúng ta hãy cùng xem thử, liệu Windows 10 có giúp Microsoft thành công trở lại và nó có là hệ điều hành đáng dùng nhất hiện nay hay không.
Huyền Thế
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét