Đầu năm ngoái, Asus đã tung ra sản phẩm Fonepad, chiếc máy tính bảng có khả năng gọi điện. Đây là một sản phẩm khá thành công, và từ đó tới nay Asus đã đưa ra tới hai bản nâng cấp cho Asus Fonepad.
Bản nâng cấp đầu tiên chỉ tăng nhẹ cấu hình và hiệu năng của máy, còn bản nâng cấp thứ hai đã thay đổi về mặt thiết kế, cùng với nâng cấp về cấu hình. Phiên bản mới nhất của dòng sản phẩm này, Asus Fonepad 7 hai SIM (tên mã ME175CG) bổ sung thêm khả năng sử dụng hai SIM cùng lúc, đem lại sự tiện lợi khi sử dụng cả SIM thoại và SIM chuyên cho 3G. Máy đã bắt đầu được bán ra tại Việt Nam từ tháng trước, với giá 4,5 triệu đồng cho phiên bản bộ nhớ 8 GB.
Thiết kế
Chiếc Fonepad ra mắt vào năm ngoái đã gây ấn tượng với thiết kế chắc chắn, sử dụng mặt sau bằng nhôm đem lại cảm giác sang trọng. Tuy nhiên, Fonepad đời 2, được ra mắt vào cuối năm ngoái lại thay đổi về mặt thiết kế, khi sử dụng nắp lưng bằng nhựa và chuyển khu vực cắm SIM, thẻ nhớ sang cạnh phải. Fonepad hai SIM cũng sử dụng nắp nhựa như Fonepad 2, nhưng có thay đổi một chút về các khe cắm. Cụ thể, hai khe cắm SIM và khe cắm thẻ nhớ được đặt sát nhau ở cạnh trái, có chung một nắp che chống bụi. Cách bố trí này giúp việc thay SIM, thẻ dễ dàng hơn so với hai thiết bị trước.
Loa thoại ở phía trên màn hình là điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất trên những chiếc điện thoại có khả năng gọi điện
Nắp lưng của Fonepad sử dụng chất liệu nhựa mịn, hạn chế bám vân tay, có hai lựa chọn màu là xám và trắng. Nút nguồn và chỉnh âm lượng của máy được làm hơi lệch về phía nắp lưng, giúp cho viền máy gọn hơn. Loa ngoài cũng được đặt ở phần dưới của lưng, còn ở phía trên là camera 5 megapixel.
Mặt sau của máy sử dụng chất liệu nhựa mịn, ít bám vân tay. Các nút vật lý được đặt lệch về mặt sau
Màn hình của Fonepad rộng 7 inch với kích thước và trọng lượng cũng tương đương với một chiếc máy tính bảng cỡ nhỏ: có thể cầm bằng một tay nhưng không thoải mái. Các máy tính bảng của Asus thường bị chê do mặt trước khá dày, và chiếc Fonepad này cũng không phải ngoại lệ. Tấm kính bảo vệ của màn hình hơi khá dễ bám vân tay. Ở phía trên màn hình là loa thoại cùng camera mặt trước; máy không có cảm biến ánh sáng.
Thiết kế của Fonepad giúp việc thay SIM, thẻ nhớ nhanh và tiện
Chiếc Fonepad bản hai SIM có thiết kế ổn nhưng không đột phá. Ngoài ra máy còn mang một số nét thiết kế của những thiết bị giá rẻ như viền màn hình dày, kính bám vân tay…
Màn hình và tính năng gọi điện
Màn hình của Fonepad có góc nhìn tốt, độ sáng trung bình, khi sử dụng ở ngoài trời thì sẽ hơi khó nhìn
Màn hình của Fonepad hai SIM vẫn có thông số giống như những chiếc Fonepad trước đây, với kích thước 7 inch và độ phân giải 1280 x 800. Tuy nhiên khi so sánh với Fonepad đời đầu, màn hình của chiếc Fonepad này có góc nhìn rộng hơn, do vậy khi sử dụng để xem phim hoặc chơi thể loại game như đua xe cảm giác đỡ khó chịu hơn.
Tuy nhiên, máy vẫn có điểm yếu về độ sáng màn hình. Độ sáng màn hình tối đa của máy khá thấp, khi sử dụng ở trong phòng đủ ánh sáng thì cũng phải bật độ sáng từ tầm 60 – 80% mới nhìn tốt. Khi dùng ngoài trời, màn hình quá bóng sẽ khiến người dùng phải lựa chọn góc nhìn khi sử dụng. Do không có cảm biến ánh sáng, mỗi khi thay đổi môi trường sử dụng bạn sẽ phải tự điều chỉnh độ sáng màn hình, hơi bất tiện.
Tính năng độc đáo nhất của Fonepad là gọi điện. Về mặt này thì máy không có gì thay đổi so với các thế hệ trước, chỉ bổ sung việc hỗ trợ hai SIM. Trong phần cài đặt của máy cũng có lựa chọn sử dụng hai SIM, giống như trên các điện thoại.
Hiệu năng và thời gian sử dụng pin
Fonepad thế hệ đầu là sử dụng vi xử lý Intel Z2420, chỉ có một nhân xử lý, do vậy khi sử dụng đôi khi máy hơi giật. Ở thế hệ Fonepad 2, vi xử lý đã được nâng lên loại hai lõi, tốc độ 1.6 GHz (Intel Z2560). Chiếc Fonepad hai SIM vẫn dùng vi xử lý hai lõi, nhưng có tốc độ chậm hơn (Intel Z2520 – tốc độ tối đa 1.2 GHz), cùng bộ xử lý đồ họa PowerVR SGX544MP2 và 1 GB RAM. Dung lượng bộ nhớ trong của máy là 8 GB, trong đó còn khoảng gần 5 GB dung lượng cho người dùng, nhưng cũng có thể mở rộng qua thẻ nhớ ngoài.
Khi sử dụng bình thường, Fonepad đáp ứng tốt phần lớn các nhu cầu, không có hiện tượng giật. Máy xem tốt phim Full HD và cũng đáp ứng được các game yêu cầu đồ họa khá, một phần vì độ phân giải màn hình của máy không cao. Khi sử dụng các ứng dụng đánh giá hiệu năng, Fonepad hai SIM cho điểm số cao hơn hẳn so với phiên bản đầu tiên, và kém một chút so với Nexus 7 đời hai.
Giá thấp nhất | 2.990.000 |
Dienmaycholon.vn | |
Fptshop.com.vn | |
Hc.com.vn | |
Xem thêm |
Một số điểm số đánh giá hiệu năng của Asus Fonepad hai SIM
Dung lượng pin của Fonepad là 3950 mAh. Trong thời gian sử dụng ngắn, tôi nhận thấy máy cho thời gian sử dụng pin khá ổn. Cụ thể, khi bật độ sáng tối đa của màn hình, dùng máy để lướt web, phát sóng 3G, tổng thời gian sử dụng 3G khoảng 4 giờ, sau hơn 5 giờ sử dụng, trong đó có 2 giờ 15 phút là bật màn hình, dung lượng pin còn lại là 50%. Như vậy nếu như đặt độ sáng thấp hơn, máy có thể đạt mức mở màn hình khoảng 6 giờ.
Khi Fonepad ra mắt, mức giá niêm yết của máy ở trong khoảng 6 triệu đồng, và vẫn được đánh giá là sản phẩm tốt, tiện dụng trong tầm giá. Chiếc Fonepad hai SIM mới nhất có mức giá thấp hơn khá nhiều, chỉ 4,5 triệu đồng, vẫn có tính năng gọi điện, và còn được bổ sung thêm khả năng sử dụng hai SIM. Tất nhiên máy vẫn còn một số điểm yếu như màn hình bóng hay máy ảnh không ấn tượng, nhưng mức giá tốt của máy có thể thuyết phục được người dùng cần một thiết bị "tất cả trong một".
T.A
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét