Bạn sẽ nhận được gì khi bỏ ra khoản tiền 2 triệu đồng để mua những chiếc bàn phím nặng tới 1kg cùng tiếng gõ "tạch tạch" ồn ào chẳng mấy dễ chịu?
Phím cơ là gì?
Tất cả các loại bàn phím vật lý thông thường đều có cơ chế hoạt động rất dễ hiểu: khi bạn nhấn phím và nút nhấn được hệ thống ghi nhận, nút phím sẽ được cơ chế đàn hồi phía dưới đưa trở lại vị trí cũ để chờ đợi lượt nhấn tiếp theo.
Trên các loại bàn phím giá rẻ thông thường (bao gồm cả "huyền thoại" Mitsumi), cơ chế đàn hồi được thực hiện qua một miếng cao su dạng vòm (rubber dome). Trong khi có giá thành rất rẻ, rubber dome có một số nhược điểm lớn như cảm giác nhấn không êm tay, lực nhấn tương đối lớn, tốc độ gõ phím chậm, mức độ chính xác không cao và tuổi thọ sản phẩm ngắn.
Bàn phím cơ giải quyết tất cả các vấn đề này bằng một cơ chế đàn hồi riêng: switch. Được cấu tạo từ nhiều thành phần cơ học, các switch trên phím cơ không chỉ có tuổi thọ cao gấp 10 lần phím cao su thông thường mà còn giúp mang đến một trải nghiệm gõ phím êm ái, chắc chắn hơn. Với những người dùng có nhu cầu sử dụng bàn phím thường xuyên, phím cơ sẽ giúp giảm bớt tình trạng mỏi tay cũng như nguy cơ chấn thương cơ ngón tay. Mức độ chính xác được gia tăng cùng khả năng kết hợp nhiều phím cùng lúc cũng là các lý do chính khiến cho phím cơ thu hút được một lượng tín đồ đông đảo trong cộng đồng game thủ.
Bàn phím cơ đã trở thành một phần không thể thiếu trong dàn máy của game thủ
Các loại switch khác nhau sẽ đem lại trải nghiệm gõ khác biệt nhau, phục vụ đầy đủ cho cả nhu cầu soạn thảo văn bản lẫn chơi game cũng như cho sở thích của riêng từng người. Sự khác biệt về switch sẽ làm nên 80% sự khác biệt về trải nghiệm. Bởi vậy, để hiểu rõ về phím cơ, trước hết bạn cần hiểu rõ về switch.
Hiểu rõ về switch trên phím cơ
Trên thị trường phím cơ Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, loại switch phổ biến nhất là do một công ty đến từ nước Đức có tên Cherry sản xuất. Một số hãng phím cơ tại Trung Quốc và cả các hãng linh kiện chơi game như Razer và Steelseries cũng phát triển ra một số loại switch "nhái" cấu tạo của Cherry để giảm giá thành. Ngoài ra, trên phân khúc hàng phổ thông cao cấp, bạn còn có thể tìm mua các bàn phím sử dụng switch điện dung của hãng Topre.
Sau đây là chi tiết cho các loại switch phổ biến trên thị trường.
Cherry MX Red Switch và Black Switch
Black và Red là 2 loại switch tuyến tính
Như bạn đọc có thể thấy trong bức hình minh họa phía trên, các loại switch Red (Đỏ) và Black (Đen) của Cherry là loại tuyến tính, không có phản hồi vật lý trong suốt quá trình phím đi từ vị trí cao nhất xuống vị trí thấp nhất. Red và Black là 2 loại switch "êm" nhất trong tất cả các loại switch Cherry, do quá trình nhấn phím không khác gì quá trình nhấn một chiếc lò xo thẳng đứng.
Sự khác biệt giữa Red Switch và Black Switch là lực nhấn cần thiết: Black đòi hỏi lực nhấn lên tới 60 gram do đó sẽ giảm bớt khả năng nhấn nhầm phím, phục vụ tốt cho nhu cầu của các game thủ. Với lực nhấn cao như vậy, Black cũng sẽ khiến người dùng mệt mỏi hơn Red (lực nhấn 45 gram) và có thể coi là hoàn toàn không phù hợp cho văn bản.
Cherry MX Brown Switch
Dù có lực nhấn tương đương với Cherry MX Red song các switch Brown lại có điểm phản hồi lực nằm trên hành trình nhấn. Điều này có nghĩa rằng khi nhấn phím đủ sâu để hệ điều hành nhận biết được phím đã nhấn, bạn sẽ có cảm giác về một khấc nhỏ nằm giữa phím. Trong khi tất cả các loại phím cơ đều không đòi hỏi người dùng phải nhấn hết chiều dài của lò xo, việc đặt điểm phản hồi lực ở giữa switch sẽ giúp người dùng dễ dàng nhận biết khi nào thì họ có thể nhả tay khỏi phím bấm, giúp giảm lực nhấn cần thiết.
Có thể khẳng định một cách gần như chắc chắn rằng Brown đang là loại switch phổ biến nhất trên thị trường hiện nay, bởi lực phản hồi khá dễ chịu giúp cho loại phím này trở nên phù hợp cho cả nhu cầu soạn thảo văn bản lẫn chơi game. Trong nhiều trường hợp, lựa chọn giữa Brown và Red cho game chỉ gói gọn trong yếu tố sở thích cá nhân - không ai có thể khẳng định Red tốt hơn hay Brown tốt hơn cho game bắn súng.
Ngoài ra, trên thị trường hiện nay còn có loại switch Orange của Razer nhưng thực chất đó cũng chỉ là một phiên bản "nhái" của Cherry MX Brown mà thôi.
Cherry MX Blue Switch
Với lực nhấn lên tới 50 gram và tiếng click ồn ào phát ra mỗi khi nhấn phím, Cherry MX Blue là loại switch dành riêng cho giới soạn thảo văn bản. Dù có lực nhấn khá lớn nhưng cơ chế phản hồi thông qua cả điểm khấc (giống như Brown) và tiếng click lại giúp cho người dùng có thể dễ dàng nhận biết khi nào thì thao tác nhấn phím đã được thực hiện thành công.
Do có tiếng click khá ồn ào và lực nhấn khá lớn nên Blue cũng là loại switch khá kén người dùng. Tiếng click của Blue khiến cho các bàn phím sử dụng switch này tỏ ra hoàn toàn không phù hợp với gia đình có trẻ nhỏ hoặc môi trường văn phòng yên tĩnh. Để phát huy được tối đa hiệu quả của Blue switch, bạn cũng sẽ cần luyện tập để biết cách dừng nhấn phím ngay khi có tiếng click, tránh đẩy phím xuống hết mức gây mỏi tay (do lực nhấn khá lớn).
Cherry MX Blue cũng được Razer cải biến thành switch Razer Green trên các bàn phím cơ BlackWidow của hãng.
Topre Switch
Là loại switch dành cho các loại bàn phím có giá thành đắt đỏ, Topre thực chất là một loại switch "lai" giữa lò xo và đệm cao su. Cũng giống như Cherry MX, Topre cũng được chia làm nhiều loại phím với lực nhấn từ 30 gram cho đến 50 gram. Lựa chọn sử dụng Topre cho game hay cho công việc văn phòng cũng là tùy thuộc vào sở thích của mỗi người, song switch Topre luôn mang lại cảm giác nhấn êm ái, thanh thoát hơn và cũng không gây ra tiếng lạch cạch khi người dùng nhấn phím chạm đáy.
Hiện tại, Topre mới chủ yếu được dành cho các loại bàn phím có giá thành vào khoảng 5 triệu đồng của Happy Hacking, RealForce hay của chính Topre sản xuất (thương hiệu Type Heaven). Với ngoại lệ đặc biệt là chiếc NovaTouch của CM Storm, switch của Topre thường có số lựa chọn keycap (nút phím) khá hạn chế.
Razer tuyên bố ra mắt các loại switch tối ưu cho game thủ, nhưng thực chất chúng đều là các bản sao của Cherry.
Như đã đề cập ở trên, switch của Cherry thường bị "nhái" thành các loại switch khác, ví dụ như switch Kalih của Kaihoa (Trung Quốc) hay switch trên bàn phím của Razer. Cherry cũng có các loại switch có cấu tạo gần giống với 4 loại phổ biến Black, Red, Brown và Blue như Clear, Green hay Super Black, trong đó sự khác biệt lớn nhất thường là lực nhấn nặng hơn. Nhìn chung, trừ một số trường hợp đặc biệt, bạn hoàn toàn có thể yên tâm gói gọn phạm vi tìm hiểu của mình trong 4 loại switch phổ biến kể trên.
Kích cỡ nào là phù hợp cho bạn?
Một trong những lựa chọn quan trọng đầu tiên mà người dùng cần nghĩ đến khi mua phím cơ là bố cục phím. Phím cơ hiện nay được chia làm 3 loại bố cục chủ yếu: Fullsize (104 phím như bàn phím thông thường), TKL (ten-key-lesss, không có phần phím số ở phía bên phải) và Mini (bố cục rút gọn, khá giống với bố cục phím laptop cỡ nhỏ).
Từ trên xuống dưới: Fullsize, TKL và Mini.
TKL hiện đang là bố cục phím được ưa thích nhất, bởi bộ phím số thường chỉ thật sự cần thiết đối với giới văn phòng, kế toán, ngân hàng - những người thường phải nhập liệu với các con số. Lượng diện tích tiết kiệm được so với Fullsize sẽ giúp người dùng có thể sử dụng chuột một cách thoải mái hơn. Nếu có nhu cầu phím số, bạn có thể mua các bộ phím số tách rời.
Các bàn phím Mini sẽ là loại tiết kiệm diện tích và gọn nhẹ nhất cho người dùng, song chúng lại gặp phải nhiều vấn đề khá bất tiện. Một số loại Mini (như Filco Minila và Ducky Mini) kết hợp hàng phím F (F1, F2...) và hàng phím số và do đó là hoàn toàn không phù hợp với các game thủ MOBA và game nhập vai online. Một số khác lại "ẩn" các phím Delete, Home, End... vào các phím thông thường và buộc người dùng phải kết hợp nhấn phím Fn để truy cập các tính năng này, gây ra bất tiện cho quá trình sử dụng. Dĩ nhiên, nếu đã nắm thành thục các tổ hợp trên bàn phím Mini, dòng bàn phím này sẽ giúp bạn giảm được đáng kể diện tích và trọng lượng khi di chuyển.
Cần lưu ý rằng bố cục phím Mini của các hãng sản xuất khác nhau cũng thường khá khác biệt, và đôi khi các hãng cũng sẽ ra mắt một số "biến thể" như chiếc QuickFire TK của CM Storm, vốn thực chất là một phiên bản TKL khá kì dị. Một số hãng sản xuất cũng thiết kế phím Enter theo hình chữ L ngược thay cho hình chữ nhật (cỡ nhỏ) thông thường, đặc biệt là các loại bàn phím dành riêng cho thị trường Nhật Bản.
Keycap và các loại phụ kiện khác cho phím cơ
Khả năng thay đổi keycap (nút phím) là một trong các điểm mạnh đặc trưng khác của phím cơ. Do các switch Cherry đều có cấu tạo phần gắn với keycap giống nhau (hình chữ thập) nên người dùng cũng có thể thoải mái lựa chọn keycap để thay thế mà không cần lo về tính tương thích.
Các loại keycap mua ngoài không chỉ đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ mà còn giúp mang lại cảm giác nhấn chắc chắn và êm ái hơn. Hiện tại, 2 chất liệu thường được sử dụng nhất trong quá trình sản xuất keycap là nhựa ABS và nhựa PBT. Lựa chọn của từng người dùng sẽ tùy thuộc rất nhiều vào sở thích cá nhân, song phần đông người dùng đều cho rằng PBT sẽ giúp phím nhấn có cảm giác "đầm tay" hơn ABS. Ngoài ra, PBT cũng không bị ố vàng qua thời gian sử dụng.
Bộ keycap trong hình có giá ngang bằng bàn phím.
Ngoài keycap, người dùng cũng có thể đầu tư thêm các loại phụ kiện khác để có trải nghiệm gõ phím hoàn hảo nhất có thể. Đầu tiên là kê tay: loại phụ kiện này sẽ giúp bạn không bị mỏi cổ tay trong quá trình gõ bàn phím. Các loại kê tay có thể được làm từ nhựa hoặc gỗ, được bọc giả da hoặc để "trần", song tác dụng quan trọng nhất của chúng vẫn là vai trò điểm tựa cho tay. Một số hãng sản xuất cũng sẽ tích hợp sẵn kê tay vào thiết kế của bàn phím, song cảm giác đặt tay trên các loại kê tay này thường không thoải mái như mong đợi.
Tiếp đến có thể kể tới o-ring hoặc landing pad, các loại vòng đệm cỡ nhỏ được gắn vào xung quanh switch để giảm tiếng ồn khi gõ chạm đáy. Bên cạnh đó, nếu không vừa lòng với cáp USB có sẵn, bạn có thể chuyển sang sử dụng cáp xoắn Lindy để tránh tình trạng phải suốt ngày đi gỡ rối dây nối. Cuối cùng, bạn có thể đặt hàng các tấm che bụi Mica cao cấp (dù bàn phím thường có sẵn tấm che bụi đi kèm) để tăng mức độ bảo vệ và tính thẩm mỹ cho bàn phím của mình.
Bạn cần một chiếc kê tay êm ái cho trải nghiệm hoàn hảo.
Nhìn chung, chi phí cho phím cơ thường sẽ được tính bằng đơn vị triệu-đồng. Khoản tiền như vậy có thực sự xứng đáng với trải nghiệm mà bạn sẽ nhận được? Trong phần 2 của loạt bài, VnReview sẽ cùng bạn đọc tính toán khoản đầu tư cần thiết để theo đuổi phím cơ một cách hợp lý và cũng sẽ điểm qua các hãng phím cơ có mặt tại Việt Nam hiện nay.
(Còn tiếp)
Gia Cường
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét