Cùng với DC, Marvel tiếp tục là nơi cung cấp nguồn tài nguyên và cảm hứng cho những bộ phim bom tấn (blockbuster) của Hollywood trong thời gian qua. Ant-Man cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Tiếp nối những siêu phẩm từ "lò" Marvel như The Incredible Hulk (Người khổng lồ xanh), Iron Man (Người sắt), Thor, Captain America/The Avengers... giờ đây đến lượt đạo diễn Peyton Reed chuyển thể một bộ truyện tranh nữa của Marvel lên màn ảnh: đó là Ant-Man (Người Kiến).
Tiếp mạch những câu chuyện viễn tưởng của Marvel...
Bối cảnh phim bắt đầu với cảnh ông bố trẻ Scott Lang (Paul Rudd thủ vai) ra tù vì lỗi ăn cắp vặt. Nhưng vì hoàn cảnh và mong muốn giành lại được quyền chăm sóc con gái Cassie (Abby Fortson) mà anh lại "tái xuất giang hồ" bằng phi vụ đột nhập tư dinh của Hank Pym (Michael Douglas) - một nhà sinh hoá tài năng và giàu có. Thứ anh tìm kiếm được sau màn phá két chỉ vẻn vẹn là một bộ đồ lạ, sau đó anh bị tóm gọn đưa trở lại phòng tạm giam mà không hề biết toàn bộ sự việc đều do người ta sắp đặt để biến anh thành... người Kiến.
Scott Lang bên con gái Cassie.
Hank Pym là một nhà khoa học đi trước thời đại, ông tập trung nghiên cứu hạt hạ nguyên tử với khả năng thu (nén) nhỏ/phóng to các đối tượng vật lý khi tiếp xúc. Dự án nghiên cứu gần kết thúc thì người vợ của Hank Pym mất trong một lần cùng ông "thu nhỏ" để giải cứu nước Mỹ. Nén nỗi đau mất vợ, chăm sóc con gái Hope van Dyne (Evangeline Lilly) và quyết không để nghiên cứu của mình lọt vào tay kẻ xấu kiêm học trò cũ Darren Cross (Corey Stoll), Hank Pym đã tách ra mở công ty riêng.
Sau đó, Pym gặp Lang trong một tình huống "khó đỡ" và đẩy Lang vào lựa chọn bất khả kháng. Anh nhận lời tham gia sứ mệnh "giải cứu thế giới" của Pym dưới bộ đồ biến hình cùng đội quân côn trùng (kiến) để chống lại phe phản diện do Darren Cross cầm đầu.
Darren Cross dẫn đầu phe phản diện trong phim
Tuyến nhân vật hài hòa nhưng thiếu cá tính
Quay lại với Scott Lang, thật khó để phác hoạ và định nghĩa đúng về nhân vật này, chúng tôi tạm mượn đoạn thoại của vợ con nhân vật này:
- Cassie: "Mẹ à, ba có phải là người xấu không? Con nghe người ta nói ba là người xấu".
- Maggie Lang: "Không phải đâu, ba con không phải là người xấu, chỉ là đôi khi ba bối rối chút thôi, con biết mà?"
Và cảnh cuối phim khi Pym tình cờ thấy Lang hôn con gái mình:
- Pym: "Cậu đang làm quái gì thế?"
- Scott Lang: "Tôi có làm gì đâu, chỉ là con gái ông nhảy vào đè tôi ra hôn thôi".
Darren Scross dưới bộ giáp Yellowjacket, trở thành nhân vật phản diện trong phim.
Điểm thú vị ở đây không chỉ là hạt hạ nguyên tử mà còn là cách mà Pym giao tiếp với lũ kiến, một đối tượng có vai trò quan trọng trong phim. Qua đó chúng ta cũng có thêm góc nhìn về loài sinh vật có tính kỷ luật và đoàn kết bậc nhất trên hành tinh này. Loài sinh vật này cũng đóng vai trò cầu nối trong các khung cảnh trong phim.
Ngoài khía cạnh khoa học được đề cập, áo khoác cho nhân vật chính có vẻ hơi sơ sài so với chức năng của nó. Điều mà người viết cảm thấy chưa hài lòng ở phim chính là diễn xuất/vai trò nhân vật chính chưa đủ thuyết phục. Cảm giác Lang nhập vai nhanh quá, biến đổi nội tâm giữa Lang khi chưa là người Kiến và khi đã là người Kiến không có nhiều khác biệt, vai trò của nhân vật nữ Hope van Dyne cũng không rõ ràng.
Trong khi đó, các nhân vật phụ còn lại diễn xuất ở mức tròn vai, đáng tiếc là phe phản diện (cùng âm mưu của họ) không để lại nhiều ấn tượng hay cảm giác nghẹt thở như trong các phim khác của Marvel.
Hank Pym (bên trái) là một nhân vật phức tạp trong cốt truyện.
Theo nguyên văn trong truyện thì Hank Pym là một nhân vật suy sụp rồi biến thành một kẻ hung hăng, ngược đãi vợ con và trở thành kẻ đối nghịch với Avengers. Hank Pym (với biệt danh Yellowjacket) sau đó đã vô tình tạo ra Ultron. Nhưng trong phim này, Darren Scross mới chính là Yellowjacket (áo giáp vàng, đối thủ của người Kiến) thay vì giữ nguyên như trong cốt truyện. Không rõ ý đồ của tác giả kịch bản khi thực hiện sự thay đổi này, nhưng với những ai chưa xem truyện thì sự sắp xếp này khá hợp lý.
Mạch phim ổn, âm thanh và hình ảnh khá
Mạch phim khá liền lạc, tuy nhiên đôi đoạn hơi rối và có cảm giác vai diễn Scott Lang của Paul "chưa tới", không tạo được ấn tượng nhiều như Tony Stark trong Iron Man hay Chris Evans trong Captain America. May mắn là phim thỉnh thoảng vẫn gây cười với lời thoại kiểu Mỹ và sự quấy rối của tuyến nhân vật phụ "nhiều lời", các cảnh hành động ít nhưng thú vị với sự tham gia của lũ kiến, cảnh cuối phim khá cảm động khi Lang quyết định phá bỏ giới hạn và tiến tới ngưỡng nguyên tử để tìm cách giải cứu con gái...
Một cảnh giao tiếp giữa Người Kiến Scott Lang và kiến trong phim.
Trong khi đó, điểm thú vị nhất của bộ phim là sử dụng các sinh vật kiến được tạo từ CGI (hình ảnh dựng bằng đồ họa máy tính) trông rất sống động, không giả tạo dù hành vi của chúng hơi gượng ép khi đưa ra viễn cảnh "điều khiển kiến bằng giọng nói". Điểm cộng nữa là phim sử dụng CGI ở mức vừa phải (hoặc đủ tinh tế), khiến cho hình ảnh trong phim tương đối "thật", chứ không bị lạm dụng quá nhiều CGI hoặc lòe loẹt như "phim Tàu". Âm thanh trong phim ở mức vừa phải, không quá xuất sắc nhưng không tệ. Điểm thiếu sót có lẽ là âm thanh của lũ côn trùng gần như không xuất hiện nhiều trong phim trong các cảnh có sự hiện diện dày đặc của chúng.
Bối cảnh của phim xảy ra cùng thời với The Avengers nên có đôi cảnh giao thoa, khiến những ai chưa xem series này của Marvel ít nhiều có chút bối rối. Cũng có một số người thắc mắc rằng tại sao khi thu nhỏ xuống kích cỡ một con kiến mà con người vẫn giữ nguyên sức mạnh và thậm chí khỏe hơn, thực ra ngay trong phim đã đưa ra ý tưởng nén kết cấu nguyên tử xuống mà vẫn giữ nguyên đặc tính, dựa theo lý thuyết vật lý thì khi trọng lượng giữ nguyên trong một kích thước nhỏ thì tính bảo toàn của nó vẫn giữ nguyên, tương tự như một học thuyết trong võ thuật: Điểm tiếp xúc càng nhỏ thì sức công phá càng mạnh...
Có nên xem rạp?
Nhìn chung phim ổn, đơn thuần là giải trí, không đề cập sâu và nhiều tới khoa học dù mang tính viễn tưởng và đề cập đến các hạt siêu vi biến đổi vật chất ở cấp độ nguyên tử. Phim được đầu tư kỹ lưỡng và đạt được những thành công nhất định dù vẫn còn thiếu một chút điểm nhấn/diễn xuất để trở thành sự khởi đầu hoàn hảo cho một series tầm cỡ như Iron Man, The Avengers, Captain America, Spider-Man, Superman, Batman hay X-men...
Tuy nhiên, nếu bạn không quá khó tính thì Ant-Man đủ để kéo bạn tới rạp và thưởng thức trọn vẹn, bởi phim có tính hài hước khá cao và các cảnh CGI mãn nhãn, kết cấu không quá rườm rà và bó gọn trong 117 phút. Bên cạnh đó, có lẽ thương hiệu Marvel đủ sức để đảm bảo cho một câu chuyện viễn tưởng lôi cuốn.
Phim dành cho mọi lứa tuổi và theo gợi ý là nên tới rạp để thưởng thức trọn vẹn, tùy chọn 3D nếu điều kiện cho phép nhưng không nhất thiết phải xem 3D. Nếu điều kiện kinh tế eo hẹp, bạn có thể chọn những hệ thống rạp nhỏ như Cinebox để xem vì mạch phim đủ để bạn dán mắt vào màn ảnh.
Trailer phim Ant-Man (Người Kiến)
Phim được chính thức ra rạp tại Việt Nam từ 24/07/2015, nhưng cũng có 2 buổi chiếu trước vào ngày 22 và 23/07 tại một số hệ thống rạp như CGV hay Lotte Cinema...
VnReview đánh giá: 6/10
Lưu ý: Cuối phim có 2 đoạn after credits (clip ẩn) khá thú vị, nên bạn có thể nán lại sau khi hết phim để xem ở phần credits.
Hữu Thắng
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét