Sau khi thành công với các mẫu Asus Zenfone 4/5/6 của năm ngoái, hãng công nghệ Đài Loan tiếp tục tung ra thế hệ Zenfone thứ hai vẫn với triết lý tương tự: giá tốt so với cấu hình.
Zenfone 2 vừa bán ra thị trường Việt Nam với 4 phiên bản khác nhau với giá từ 4,6 triệu đồng đến 7 triệu đồng. Sản phẩm chúng tôi sử dụng trong bài mổ này là phiên bản thứ ba lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile với giá 5,25 triệu đồng, nơi đang bán rẻ hơn chút so với giá công bố của hãng (5,49 triệu đồng).
VnReview đã có bài trải nghiệm camera và đánh giá chi tiết Asus Zenfone 2. Theo kết quả đánh giá thì đây là smartphone có hiệu năng tốt so với tầm giá, camera chụp ảnh nhanh và nhiều tính năng, màn hình hiển thị khá tốt.
Về chất lượng lắp ráp và linh kiện, Zenfone 2 không khác nhiều so với chiếc Zenfone 5 chúng tôi đã mổnăm ngoái. Máy được thiết kế tối ưu cho việc sản xuất công nghiệp với chất liệu nhựa và dễ lắp ráp. Nguồn linh kiện dựa trên nền tảng phần cứng của Intel tương tự thế hệ Zenfone cũ.
Thiết kế và lắp ráp
Zenfone 2 vẫn duy trì triết lý thiết kế tương tự Zenfone 5 thế hệ cũ. Máy có vỏ nhựa rời và sử dụng nhiều ốc vít, ít băng dính trong quá trình sản xuất nên tháo lắp dễ dàng và dễ sửa chữa. Cách bố trí ăng-ten và mạch điện tử của máy như loa, phím âm lượng chủ yếu tiếp xúc bằng chân đàn hồi với bo mạch cũng giúp cho việc tháo lắp dễ dàng đồng thời làm cho thiết kế bên trong có thẩm mĩ tốt hơn.
Asus Zenfone 2 sử dụng thiết kế vỏ nhựa rời
Máy sử dụng 14 con vít để định vị khung đỡ với bo mạch và cụm màn hình. Các con vít này đều được sơn chống lỏng ra trong quá trình sử dụng.
Khung đỡ của máy làm bằng nhựa chứa các ăng ten thu không dây (Wi-Fi, Bluetooth, GPS và FM). Phím tăng giảm được đưa lên khung đỡ và được gắn trực tiếp với bo mạch qua các chân tiếp xúc.
Phím âm lượng phía sau nối trực tiếp với bo mạch thông qua các chân tiếp xúc
Vỏ và khung đỡ đều bằng nhựa
Viên pin được gắn keo với khung máy
Tương tự Zenfone 5, hai khay SIM và khe cắm thẻ nhớ được đưa lên viên pin để tiết kiệm không gian cho bo mạch.
Phần dung lượng của viên pin ghi: tối thiểu 2900 mAh và thông thường là 3.000 mAh
Tháo tấm chống nhiễu điện từ: Việc này cần làm trước khi tháo bo mạch. Tấm này được thiết kế dạng gài nên dễ tháo. Khi tháo tấm chống nhiễu sẽ lộ ra đầu nối (connector) cụm loa thoại/cảm biến ánh sáng và cảm biến tiệm cận với bo mạch ẩn phía dưới. Như vậy, nếu không tháo tấm chống nhiễu điện từ trước sẽ làm đứt đầu nối cụm loa thoại và hai cảm biến.
Bo mạch được gắn keo với khung máy.
Bo mạch nhỏ phía dưới đáy máy chứa các thành phần: cục rung, cổng micro-USB và mic thu tiếng đàm thoại.
Loa ngoài của máy có hộp loa
Nhìn từ bên ngoài, dải loa của máy dài nhưng thực chất thì...
Lỗ loa thực chỉ có một đoạn ô bôi đỏ trong hình trên, còn phần còn lại chỉ để làm cảnh, tạo sự cân đối về hình thức. Phía bên trong được nhà sản xuất bịt băng dính để chống bụi.
Nhìn chung, thiết kế của Asus Zenfone 2 không có gì đặc biệt từ chất liệu đến kích thước (không đòi hỏi tối ưu về độ dày). Tuy nhiên, phần thiết kế và bố trí mạch điện tử thì Asus đã tối ưu tốt để có thể sản xuất nhanh và rẻ.
Linh kiện
Tương tự thế hệ ZenFone năm ngoái, ZenFone 2 sở hữu bộ cấu hình hấp dẫn so với các máy cùng tầm giá của các hãng khác và được xây dựng dựa trên nền tảng phần cứng của Intel. Cũng như hệ điều hành, các nhà sản xuất bộ vi xử lý cho di động như Qualcomm, Intel và Mediatek có thể coi là những nhà cung cấp nền tảng phần cứng dành cho các nhà sản xuất điện thoại.
Mặt trước của bo mạch
Mặt sau của bo mạch. Cả hai mặt của bo mạch đều có nhiều linh kiện.
Thông thường, ngoài bộ não của máy là bộ vi xử lý tích hợp (SoC – System on Chip) thì Intel còn cung cấp nhiều thành phần quan trọng khác trên các smartphone dùng nền tảng vi xử lý của họ. Cụ thể trên chiếc Zenfone 2, logo của Intel xuất hiện ở nhiều vị trí trên bo mạch, gồm SoC, chip LTE/3G, chip GSM và Bluetooth, bộ truyền nhận sóng không dây, chip quản lý năng lượng.
Nhiều linh kiện cơ bản khác trên máy cũng đến từ các nhà cung cấp tên tuổi như RAM của Elpida, bộ nhớ trong của Sandisk, chip Wi-Fi cùng với GPS và NFC của Broadcom. Riêng camera sau và cụm màn hình thì các thông tin để lại các linh kiện này không giúp chúng tôi xác định chúng đến từ nhà cung cấp nào.
Phiên bản ZenFone 2 chúng tôi mổ có RAM 2GB của hãng Elpida. Phía dưới thanh RAM này là hệ thống vi xử lý (SoC) Intel Atom Z3560 (lõi tứ 1.83GHz và GPU PowerVR G6430 533MHz). Asus sử dụng giải pháp PoP (package on package) tích hợp RAM ở trên và SoC phía dưới ở cùng một vị trí trên bo mạch giống như trên ZenFone 4/5.
Bộ nhớ trong 32GB của hãng Sandisk
Bộ truyền nhận sóng RF của Intel
Chip giải mã tín hiệu LTE/3G (baseband processor) của Intel.
Chip quản lý năng lượng của Intel
Chip giải mã tín hiệu GSM (2G) và Bluetooth cũng của Intel
Chip hỗ trợ công nghệ sạc nhanh của Qualcomm. Asus cho biết các máy Zenfone 2 đều được tích hợp chip này. Theo thử nghiệm của VnReview thì Zenfone 2 sạc đầy sau 1 giờ 40 phút.
Chip Wi-Fi của Broadcom
Chip NFC của Broadcom
Đây là các bộ chip khuếch đại công suất sóng 3G/2G của hãng bán dẫn Skyworks, nhà cung cấp cho hầu hết hãng sản xuất smartphone.
Chip giải mã âm thanh của hãng Realtek
Chip khuếch đại công suất loa của Texas Instruments
Từ trái qua: Camera sau 13MP và camera trước 5MP.
Phía mặt sau của hai camera. Thông tin để lại trên chiếc camera trước cho thấy đây là module camera của hãng Chicony (Đài Loan). Chicony cũng là nhà cung cấp module camera trước trên Zenfone 4.
Màn hình của Zenfone 2 có kích cỡ 5.5 inch và có lựa chọn độ phân giải HD/Full-HD. Trong số 4 phiên bản Zenfone 2 thì chỉ có một phiên bản giá 4,6 triệu đồng dùng độ phân giải HD, 3 phiên bản còn lại đều có độ phân giải Full-HD.
Chúng tôi chưa mổ cụm màn hình, nên chưa rõ máy sử dụng chip cảm ứng và tấm LCD của nhà cung cấp nào.
Các linh kiện của Asus Zenfone 2
Thanh Phong - Thành Đạt
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét