Các ứng dụng Universal trên Windows bắt đầu hỗ trợ V-Sync và đồng bộ khung hình FreeSync/G-Sync


Nền tảng ứng dụng Universal trên Windows ( UWP) đã vừa được Microsoft cập nhật để hỗ trợ 2 tính năng quan trọng là điều khiển đồng bộ dọc V-Sync và đồng bộ khung hình giữa GPU và màn hình qua phần cứng như AMD FreeSync hay Nvidia G-Sync. Với việc bổ sung 2 tính năng này thì những tựa game truyền thống trên desktop sẽ có thể được chuyển đổi và chạy mượt hơn dưới dạng ứng dụng Universal, nhờ đó giúp Microsoft tiến thêm một bước đến mô hình một nền tảng ứng dụng cho tất cả thiết bị.

Microsoft hiện đang triển khai dự án Centennial nhằm hỗ trợ cho các nhà phát triển chuyển đổi ứng dụng Win32 sang UWP. Trước đó với việc hỗ trợ DirectX 12 thì những tựa game nhẹ hay game cũ (vd: GTA San Andreas) cũng đã được các nhà phát triển đưa lên Windows Store. Tuy nhiên, đối với những tựa game nặng hơn, chạy trên môi trường desktop truyền thống thì khi chuyển sang dạng ứng dụng Universal thì chúng chưa thể chạy mượt bởi sự khác biệt về cơ chế hoạt động giữa nền tảng UWP và Win32.
Nvidia_G-Sync.png

Do đó, việc hỗ trợ điều khiển V-Sync và đồng bộ khung hình giữa GPU và màn hình qua các công nghệ như AMD FreeSync hay Nvidia G-Sync là một bước tiến quan trọng trong dự án Centennial, nhất là khi Microsoft thật sự muốn tiếp cận đối tượng người dùng thường chơi game trên máy tính PC. Bởi lẽ các công nghệ như AMD FreeSync hay Nvidia G-Sync vẫn được xếp vào hàng cao cấp và sẽ không có lý do gì để người ta mua một game trên Windows Store nếu như nó không hoạt động với các công nghệ mà họ đã đầu tư không ít tiền. Thêm vào đó, họ lại càng không có lý do nếu như tựa game họ muốn mua hỗ trợ AMD FreeSync hay Nvidia G-Sync lại đang được bán trên Steam.

Hiện tại với những chiếc máy tính có GPU tích hợp lẫn GPU rời hỗ trợ các công nghệ chuyển đổi thông minh như Optimus hay Dynamic Switchable Graphics thì người dùng vẫn chưa có tùy chọn tắt hoàn toàn V-Sync. Microsoft nhấn mạnh rằng họ đang tập trung phát triển để đưa tính năng này lên Windows 10 sớm nhất có thể.

Ngoài ra, Microsoft cũng đề cập đến một vấn đề quan trọng khác hiện đang tồn tại trên Windows 10, cụ thể là chế độ hiển thị toàn màn hình (Fullscreen). Khi chơi game ở chế độ này, game được cấp quyền truy xuất không giới hạn vào màn hình. Các ứng dụng Universal không thể truy xuất vào chế độ này mà thay vào đó, phải chạy trong một khung cửa sổ không viền. Mặc dù có nhiều ưu điểm như bạn có thể làm việc đa nhiệm trong khi chơi game nhưng hiệu năng của game có thể bị ảnh hưởng. Thông thường khi game chạy ở chế độ cửa sổ thì Desktop Windows Manager sẽ chịu trách nhiệm render game và nhiều khả năng đây là lý do khiến V-Sync trở thành một trở ngại đối với các ứng dụng Universal. Câu trả lời cuara Microsoft là hiệu năng của các ứng dụng, game Universal sẽ được bảo toàn bởi mọi game hỗ trợ DirectX 12 sẽ có hiệu năng như nhau khi chạy ở chế độ cửa sổ không viền hoặc chế độ toàn màn hình đặc trưng. Do hầu hết các game mới được phát hành trên Windows Store đều hỗ trợ DirectX 12 nên đây không phải là vấn đề quá lớn.

Tomb_Rider.png

Những thay đổi trên rất quan trọng theo nhiều khía cạnh. Đầu tiên là vấn đề thời điểm, nó xuất hiện ngay trước khi bản cập nhật lớn tiếp theo cho Windows 10 mang tên mã Redstone (hay Anniversary Update) sắp sửa được Microsoft phát hành vào khoảng tháng 7 tới, đúng 1 năm sau khi Windows 10 ra mắt. Bằng cách tung những thay đổi này ra trước bản cập nhật, Microsoft đã gởi đi một thông điệp rằng họ không chỉ muốn khắc phục các vấn đề về game trên bản cập nhật tiếp theo của Windows 10 mà còn muốn biến Windows 10 trở thành nền tảng chơi game tốt nhất.

Mặc dù vậy, vẫn có rất nhiều vấn đề mà Microsoft cần giải quyết với nền tảng ứng dụng Universal trên Windows. Các game Universal chạy trong một môi trường cách ly, do đó các công cụ thường được người chơi sử dụng như Fraps (đo khung hình, chụp ảnh, quay màn hình) sẽ không còn hoạt động và bởi vì các game Universal không chạy dưới dạng file thực thi exe nên bạn cũng không thể sử dụng Nvidia Control Panel để thiết lập cấu hình cho game. Thêm vào đó, những thiết lập cho chuột, phím và macro cũng không thể hoạt động nếu như không phát hiện được file thực thi đang chạy. Windows Store cũng thiếu tính năng sao lưu game, do đó nếu bạn cài đặt lại một trò chơi thì bạn sẽ phải tải toàn bộ game từ kho ứng dụng về máy thay vì phục hồi từ một file sao lưu. Dung lượng của game đang ngày một phình to, trên 50 GB là bình thường, do đó Microsoft nên bổ sung một giải pháp sao lưu tương tự Steam.

AnandTech
Chia sẻ lên Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 Nhận Xét:

Đăng nhận xét