Vì sao Tim Cook không “sợ” Mỹ mà “sợ” Trung Quốc?

Sự so sánh này, khởi nguồn từ tờ Quartz (Mỹ) đưa ra, quả là thú vị, nhưng cũng đầy gai góc. Cho đến thời điểm này, Apple của Tim Cook vẫn đang "giằng co" quyết liệt với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, và khước từ việc mở khóa iPhone cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI.  

Nói "không" với cả 2 yêu cầu của FBI
Nhiều người đang quan sát vụ việc giữa Apple và FBI không khỏi buột miệng rằng: "Chuyện chỉ có thể xảy ra ở nước Mỹ - một thế giới tự do đến mức chuẩn mực trong khuôn khổ của pháp luật". Đúng thế đấy!
Apple (mà theo tôi bao hàm sức mạnh, quan điểm của cả hội đồng lãnh đạo Apple chứ không chỉ là quan điểm của Tim Cook) đã "cả gan" khước từ cả 2 yêu cầu của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.
Vụ thứ nhất đã được thụ lí từ tháng 10/2015, theo đó Bộ Tư pháp đưa ra yêu cầu Apple giúp bẻ khóa chiếc iPhone 5s của trùm ma túy Jun Feng. Ban đầu, Apple chơi bài "nhũng", cho rằng nếu tòa án phán quyết Apple phải bẻ khóa để cung cấp thông tin phục vụ cảnh sát điều tra thì hãng này sẽ tuân theo. Tuy nhiên qua nhiều tháng tranh tụng, mới đây (29/2/2016) thẩm phán James Orenstein tại tòa New York đã ra phán quyết rằng phía nhà chức trách không đủ thẩm quyền buộc Apple phải mở khóa chiếc iPhone kia.
Nhưng vụ thứ hai căng thẳng hơn vì liên quan tới đối tượng bị điều tra là nghi can vụ xả súng khiến 14 người thiệt mạng tại San Bernardino. Apple vẫn khước từ, vẫn với lập luận không thể tiết lộ thông tin khách hàng và nhằm bảo mật về sau cho tất cả những chiếc iPhone. "FBI muốn chúng tôi tạo ra một phiên bản hệ điều hành iPhone mới, phá vỡ một số tính năng bảo mật quan trọng để có thể truy cập dữ liệu khi cần thiết. Nếu vào tay một người xấu, phần mềm này (thứ không tồn tại hiện nay) có thể mở khoá bất cứ chiếc iPhone nào trong tay ai đó", bức thư ngỏ của Tim Cook – CEO của Apple – đăng trên website của hãng viết.
Một lần nữa lại phải nhấn mạnh rằng, chuyện chỉ có thể xảy ra ở nước Mỹ; ở một quốc gia pháp quyền đỉnh cao, một doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự tin đối đầu về pháp lí với một bộ máy quyền lực.
Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật!
Tim Cook không ngại đối đầu với chính quyền
Đúng nghĩa là như vậy chứ không chỉ là khẩu hiệu đầu môi như ở không ít quốc gia khác. Khi Bộ Tư pháp đưa ra yêu cầu Apple viết một phần mềm "mở cửa" vào iPhone như một backdoor (cửa hậu) để từ đó có thể truy cập vào bất cứ chiếc iPhone nào của người dùng, thì chúng ta nên nhớ rằng, người dùng iPhone ở đây không chỉ là người Mỹ và ở Mỹ mà ở trên khắp thế giới. Có nghĩa là nếu Apple chấp hành thì FBI có thể theo dõi người dùng iPhone ở Việt Nam.
Vậy có phải là Apple đủ mạnh đủ cứng khước từ tất cả hay không? Không! Ở một mức độ nhất định Apple đã cung cấp thông tin cho FBI, tuy nhiên Cục Điều tra Liên bang này không thỏa mãn, đòi hỏi nhiều hơn, và Apple không chấp nhận.
Nếu luật đã có qui định cụ thể trong trường hợp này, đặc biệt là các điều luật liên quan tới an ninh, chắc là Apple không đủ "cứng" như vậy, dù rằng việc bảo vệ khách hàng luôn là điều quan trọng tối thượng của một doanh nghiệp. Như vậy, một khi Apple không nghe, giằng co qua lại, đưa mình vào thế đối đầu, có nghĩa là họ có cơ sở về pháp lí để không chấp hành. Một số bài báo cho rằng Tim Cook có nguy cơ vào tù vì việc không chấp hành này. Tôi cho rằng như vậy là suy luận quá mức. Ở một đất nước thượng tôn pháp luật như Mỹ, tòa án là nơi giải quyết mọi tranh chấp. Bộ Tư pháp buộc Apple không được thì đưa ra tòa chứ không thể áp đặt chủ quan. Tòa phán quyết "không" thì Bộ Tư pháp cũng bó tay. Trong trường hợp Apple bị xử "thua keo này" thì có thể kiện "keo khác" lên cấp tòa cao hơn. Cuộc chiến pháp lí ở Mỹ luôn tiêu tốn rất nhiều thời gian một khi những bên trong cuộc có thế lực và lắm tiền bạc.
Vậy trong tình huống này, có phải Apple không sợ Bộ Tư pháp Mỹ, không sợ chính quyền? Không hẳn vậy! Chẳng doanh nghiệp nào dù ở tây hay ta lại dại đi gây thù chuốc oán với chính quyền. Vấn đề là Apple không chấp hành yêu cầu của FPI vì họ cho rằng yêu cầu đó không đúng luật, và họ không sai. Họ sợ luật pháp chứ không nhất thiết phải sợ Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp cũng chỉ là một tổ chức dù là tổ chức quyền lực nhưng cũng được đối xử bình đẳng trước pháp luật như Apple chứ không có nghĩa nắm hết luật pháp trong tay và bỏ túi luật pháp để xử bất cứ ai.
Trong trường hợp tòa án phán quyết Apple phải thuận theo yêu cầu của FBI, thì Apple phải tuân thủ chứ cũng chẳng có chuyện Tim Cook sẽ bị tống vào tù. Nhưng tòa ở nước người ta, luôn phải nhìn trong mối tổng hòa các yếu tố chính trị, an ninh, kinh tế và địa kinh tế dung hòa. FBI có thể thuận lợi khi được Apple đáp ứng, nhưng cái tiếng "Apple phản bội khách hàng" lan khắp toàn cầu, liệu nước Mỹ tuyệt vời về các chuẩn mực giá trị con người, giá trị khách hàng và giá trị pháp lí không bị ảnh hưởng?
Vì sao Tim Cook "sợ" Trung Quốc?
Nói không ở nhiều nơi, nhưng Apple lại "gật đầu" ở Trung Quốc, nơi mà cả Google, Facebook đều gặp khó khăn để vượt qua bức tường kiểm duyệt gắt gao của chính quyền nước này.
Mới đây, báo Quartz (Mỹ) đã có bài viết bình luận: "Apple cứng rắn với FBI, ngoan ngoãn ở Trung Quốc", trong đó có đề cập việc tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc hồi đầu tháng 1/2015 đưa tin Apple đã đồng ý để cơ quan an ninh nước này kiểm tra những chiếc iPhone, iPad trước khi được bán ở thị trường tỷ dân. Tờ Tin tức Bắc Kinh cũng cho rằng Apple đã "ngoan ngoãn" chấp nhận yêu cầu kiểm duyệt dữ liệu sau cuộc gặp mặt giữa Tim Cook và Lu Wei, Giám đốc Cục quản lý không gian mạng của Trung Quốc. Báo Quartz cho rằng Apple chấp nhận "cúi đầu" cũng chỉ vì muốn được xâm nhập thị trường lớn nhất thế giới. Hãng đã chấp nhận để Trung Quốc kiểm tra mã nguồn của hệ điều hành iOS, bất chấp nguy cơ bị "đọc vị" những lổ hổng bảo mật chết người, bất chấp việc đi ngược lại với chính sách bảo mật dữ liệu người dùng do mình từng đề ra, chỉ vì hai chữ lợi nhuận. (trích bài đăng trên Zing.vn)
Tại Mỹ, Apple đang làm căng và được phần đông dư luận ủng hộ. Một giả thiết phải được đặt ra là, nếu vị thẩm phán nào phán quyết Apple phải viết phần mềm cửa hậu cung cấp cho FBI, thì các thiệt hại về sau của Apple trong bối cảnh đang cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ lớn khác ai sẽ gánh chịu, có phải vị thẩm phán đó cũng phải chịu trách nhiệm? (về danh dự). Và nếu bạn đang là một iFan, một người đang dùng iPhone, bạn có thực sự muốn Tim Cook/Apple "qui hàng" trong cuộc chiến pháp lí với Bộ Tư pháp Mỹ hiện nay không?
Và cũng cần phân định rõ rằng, 2 yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra là vấn đề an ninh nhưng thuộc phạm trù hình sự hơn là phạm trù an ninh quốc gia nghiêm trọng hơn mà sẽ có những dự luật điều chỉnh có lợi hơn cho phía nhà chức trách.
Nhưng nếu câu chuyện này xảy ra ở Trung Quốc thì sao? Google từng không đáp ứng yêu cầu của chính phủ Trung Quốc buộc phải ra rìa dạt sang vùng đất thương mại tự do Hồng Kông. Nhưng những người am hiểu tình hình thì cho rằng, chẳng qua "miếng bánh" của Google ở Trung Quốc chưa đủ lớn để họ đánh đổi mà thôi. Vì thị trường tìm kiếm ở một quốc gia hơn 1,3 tỉ người dùng chữ khối vuông thì Baidu đã chiếm gần hết. Có chút liên quan đến chuyện này là Microsoft. Bill Gates nhiều lần thăm Trung Quốc cũng phải "mềm mỏng" với chính phủ nước sở tại, vì lợi ích của gã khổng lồ phần mềm này tại Trung Quốc quá lớn.
Với Apple, chỉ tính riêng iPhone chứ chưa tính tới các sản phẩm khác, từ quí I/2015 Trung Quốc đã vượt Mỹ về lượng tiêu thụ. Có nghĩa là Trung Quốc đang là thị trường số 1 của Apple, lợi ích của Apple tại đây quá lớn, thậm chí nếu để mất các lợi ích từ thị trường này thì Apple hoàn toàn có thể sẽ bị suy sụp, từ giá cổ phiếu, giá trị công ty, qui mô doanh nghiệp, công ăn việc làm, thương hiệu.v.v… Nhưng như vậy không có nghĩa, là từ Microsoft đến Apple "sợ" hay "ngoan ngoãn" với Trung Quốc thì sẽ phải chấp hành tất cả các yêu cầu liên quan đến bảo mật thông tin khách hàng do chính quyền nước này đưa ra. Thường thì đó là sự đánh đổi ở từng mức độ khác nhau và ban đầu luôn được tự "dỗ dành" rằng là "ở mức độ chấp nhận được". Và cũng chẳng có chính quyền nào nếu không thực sự quá bí bách mà đi ép nhà đầu tư khổng lồ nước ngoài rời khỏi thị trường, vì như thế quốc gia sở tại cũng sẽ thiệt thòi không nhỏ.
Cái "sợ" lớn nhất của không chỉ Apple mà nhiều tập đoàn, công ty khác khi làm ăn ở những quốc gia mà nhà nước pháp quyền chưa rõ ràng như ở Trung Quốc, là không có những phiên tòa khách quan, công tâm đối với nhà đầu tư nước ngoài; mọi phiên tòa đều có thể bị "bỏ túi" và xử theo chỉ đạo chính trị, và càng khó có thể xuất hiện những thẩm phán dám xử và chỉ biết xử theo phương châm thượng tôn pháp luật như thẩm phán James Orenstein của tòa New York.   
Vậy thì giữa "sợ", "ngoan ngoãn", "mềm mỏng" với "tiền" chọn thứ nào? Có vẻ như Apple luôn có lựa chọn riêng của mình.
VNReview
Chia sẻ lên Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 Nhận Xét:

Đăng nhận xét