Tại sao chúng ta có cảm giác cô đơn ?

Cảm giác cô đơn là thế nào dưới góc độ khoa học?

Theo trang IFL Science, tương tác với các đối tượng khác là một điều rất quan trọng trong xã hội của các động vật bậc cao như con người, ví dụ như thành lập các mối quan hệ để chia sẻ thực phẩm, các nguồn lực khác... Như vậy, việc bị cô lập trong xã hội rõ ràng sẽ mang đến một loạt các hậu quả tiêu cực mà một trong số đó là cảm giác cô đơn, lạc lõng. Giờ đây, các nhà khoa học vừa tìm ra nguyên nhân chủ quan của cảm giác cô đơn. Họ tiết lộ làm thế nào mà một hệ thần kinh cảm thấy bị tổn thương và cần có sự đồng hành, an ủi.

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thí nghiệm bằng cách nhốt một con chuột vào phòng cách biệt trong vòng 24 giờ và sau đó kiểm tra sự biến đổi bộ não của nó. Họ nhận thấy rằng kết nối của các tế bào thần kinh trong một khu vực tạm gọi là "hạt nhân lưng raphe" (DRN) đã mạnh hơn so với những con chuột không bị cách ly. Điều này khiến họ suy luận rằng phản ứng thần kinh tạo ra sự cô đơn có liên quan đến DRN.
Để kiểm tra giả thuyết này, họ lặp lại thí nghiệm nhưng khác ở chỗ cho con vật được trở về với các nhóm xã hội sau 24 giờ, đồng thời dùng một thiết bị cấy ghép vào não để theo dõi sự thay đổi của DRN. Kết quả nghiên cứu đã được báo cáo trên tạp chí Cell. Họ giải thích cách con chuột mong muốn trở về cộng đồng hơn sau khi bị cách ly và điều này liên quan đến sự gia tăng trong hoạt động của DRN.
Điều thú vị là phản ứng này rõ rệt hơn đối với những con chuột được xã hội chi phối, có nghĩa là các tác động không chỉ đơn giản bị gây ra bởi việc loại bỏ các kích thích (cách ly với môi trường sống) mà còn bị ảnh hưởng nhiều bởi bản chất xã hội trong đời sống của cá nhân. Những con chuột có nhiều mối quan hệ, nhiều kinh nghiệm sống sẽ thấy cô đơn nhiều hơn những con chuột vốn được cách ly riêng ngay từ lúc sinh ra.
Để xác minh kết luận này, các nhà nghiên cứu tiến hành một thử nghiệm khác dựa trên một kỹ thuật gọi là optogenetics (thuật ngữ sinh học ám chỉ việc sử dụng ánh sáng để điều khiển các mô sống). Cụ thể, họ sẽ dùng optogenetics để ức chế sự gia tăng hoạt động của khu vực DRN. Cuối cùng họ nhận ra rằng khi khu vực DRN bị ức chế thì cảm giác cô đơn, muốn trở về cộng đồng cũng biến mất ở những con chuột trên. Tương tự như vậy, việc kích thích DRN sẽ làm gia tăng cảm giác cô đơn của những con chuột, kể cả những con không bị biệt giam.
"Điều này cho thấy tế bào thần kinh đóng vai trò rất quan trọng trong việc hội nhập lại cộng đồng sau một thời gian bị cách ly. Khi một người bị cô lập trong một thời gian dài và sau đó đoàn tụ với những người khác, họ sẽ rất vui mừng và có đột biến trong tương tác xã hội. Những nghiên cứu ở chuột cho thấy tế bào thần kinh có khả năng làm tăng động lực trong việc tái hòa nhập với xã hội", Kay Tye, một trong những tác giả nghiên cứu cho biết.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đặt những con chuột trong một môi trường có chứa nhiều buồng, một trong số đó được trang bị với nguồn sáng nhấp nháy để kích thích hoạt động của DRN và họ thấy rằng chúng luôn tránh bước vào các buồng này. Do đó, các nhà khoa học kết luận rằng việc gia tăng hoạt động của DRN sẽ tạo ra một kinh nghiệm về sự tổn thương và đây có thể là vùng não quan trọng gây ra trạng thái này ở con người.
Hiện các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục kiểm tra các giả thuyết của mình trước khi có kết luận chắc chắn cuối cùng.
VNReview
Chia sẻ lên Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 Nhận Xét:

Đăng nhận xét