Trong nhiều năm liền, thành phố New York đã triển khai dự án Wi-Fi công cộng "miễn phí". Được gọi là LinkNYC, đây chính là nỗ lực đầy tham vọng mang Internet không dây đến tất cả các cư dân của thành phố.
Theo Mashable, đây là một trong những chương trình mới nhất trong xu hướng các công ty cung cấp các sản phẩm, dịch vụ "có vẻ" miễn phí liên quan đến Internet, như truy cập mạng xã hội Facebook, tìm kiếm và email của Google, hay Wi-Fi miễn phí tại các quán cà phê, trung tâm mua sắm và sân bay.
Tuy nhiên, những dịch vụ miễn phí này luôn đi kèm với một "cái giá". Sử dụng miễn phí với điều kiện các công ty cung cấp dịch vụ có thể thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu giá trị về hành vi, địa điểm của người dùng. Sự miễn phí này đi kèm với những rủi ro riêng tư và sự trao đổi dữ liệu giá trị.
Wi-Fi công cộng miễn phí, hay bất cứ dịch vụ miễn phí nào khác, liệu có đáng để đánh đổi?
Thực chất của LinkNYC
Thành phố New York bắt đầu khai thác mạng lưới Wi-Fi công cộng miễn phí từ năm 2012 để thay thế hệ thống điện thoại công cộng đã già cỗi. Công ty trúng thầu là CityBridge, một đối tác của 4 công ty bao gồm hãng quảng cáo Titan và nhà thiết kế Control Group.
Gói thầu của họ liên quan đến việc xây dựng mạng lưới gồm 10.000 kiosk trên toàn thành phố, có thể phát Wi-Fi tốc độ cao để cung cấp Internet, cuộc gọi miễn phí trong nước Mỹ. Ngoài ra còn có một trạm sạc pin cho ĐTDĐ và một bản đồ màn hình cảm ứng.
Gần đây, Google đã sáng lập công ty mang tên Sidewalk Labs, thực chất là sự thâu tóm và sáp nhập Titan và Control Group. Google vốn là hãng chuyên đi thu thập dữ liệu của chúng ta, đã trở thành tay chơi chính trong toàn bộ dự án cung cấp Wi-Fi miễn phí cho thành phố New York.
Như nào là "miễn phí"?
Cũng như nhiều sản phẩm và dịch vụ Internet miễn phí khác, LinkNYC sẽ được doanh thu quảng cáo hỗ trợ. LinkNYC dự kiến tạo ra khoảng 500 triệu USD doanh thu quảng cáo cho thành phố New York trong 12 năm tới, nhờ việc hiển thị các quảng cáo số trong các kiosk và trong ĐTDĐ người dùng. Mô hình này hoạt động bằng cách cho phép người dùng truy cập Internet miễn phí, và đổi lại sẽ thu thập dữ liệu cá nhân của họ, sau đó sử dụng khối dữ liệu này cho các quảng cáo hướng đối tượng.
Nhưng chính sách riêng tư của LinkNYC không thực sự dùng từ "quảng cáo", thay vào đó nó dùng những từ mơ hồ hơn "có thể sử dụng thông tin của bạn, bao gồm Thông tin nhận dạng cá nhân". Nó cũng không nói rõ về việc mạng lưới có thể theo dõi định vị người dùng.
Trước đây Titan từng gây xôn xao hồi năm 2014 vì lắp đặt Bluetooth tại hơn 100 cột điện thoại để thử nghiệm công nghệ, mà không được sự đồng ý của thành phố. Titan đã buộc phải gỡ bỏ.
Trở lại với dự án LinkNYC, Mashable cho biết sau khi kiểm tra kỹ càng, người ta thấy rõ bằng chứng rằng để sử dụng miễn phí, người dùng phải trả cái giá là cho phép các công ty thu thập dữ liệu về hành vi, địa điểm khá nhạy cảm.
Đây là những chính sách sử dụng chung, chuẩn cho các sản phẩm, dịch vụ miễn phí trên Internet. Liệu chúng ta có thực sự xem đó là một thỏa thuận đầy đủ và là sự tráo đổi sòng phẳng khi lượng dữ liệu sử dụng thật, những hiểm họa bảo mật và riêng tư, vẫn chưa rõ ràng?
Dữ liệu cá nhân bị bán với giá rẻ mạt
Việc mọi người vô tư sử dụng các sản phẩm và dịch vụ "miễn phí" này, sẵn sàng đánh đổi sự riêng tư của mình quả thực rất mâu thuẫn. Vì theo các khảo sát, người dùng đánh giá rất cao sự riêng tư của họ. Cụ thể, trong một khảo sát gần đây của tổ chức nghiên cứu Internet Pew, 93% người lớn nói kiểm soát việc ai có thể lấy thông tin của họ là điều rất quan trọng, 90% nói rất xem trọng những thông tin nào bị thu thập.
Ngoài ra, mọi người còn đưa ra những mức giá cao nếu bán dữ liệu cá nhân. Chẳng hạn, trong một nghiên cứu năm 2005 tại Anh, những người được hỏi nói họ sẽ bán thông tin địa điểm truy cập của họ trong 1 tháng với giá trung bình 50 USD. Con số này thậm chí còn cao hơn khi họ được nói rằng các công ty thứ ba rất quan tâm đến nguồn dữ liệu này.
Như vậy, với việc sử dụng Internet miễn phí, rõ ràng họ đã bán dữ liệu cá nhân với cái giá rất rẻ.
Giải thích mâu thuẫn này như thế nào? Trong các khảo sát, mọi người thường được đưa ra bối cảnh cụ thể về những thông tin nào được thu thập và sử dụng ra sao. Nhưng trong cuộc sống thực, nhiều người không đọc các điều khoản sử dụng. Đôi khi, các chính sách được viết mơ hồ, khó hiểu và dài dòng. Vì thế, mọi người dễ dàng tráo đổi dữ liệu và sự riêng tư của họ.
Hãy hình dung quy mô mọi dữ liệu cá nhân của bạn vào năm 2020 (bao gồm các thông tin về tài chính, lịch sử mua sắm hay dữ liệu về sức khỏe…), sau nhiều năm thu thập. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu chúng được bán cho một tập đoàn nước ngoài bạn không biết? Sẽ ra sao nếu công ty bảo hiểm của bạn nắm được các dữ liệu? Hay nếu một nhóm tội phạm có tổ chức lấy cắp tất cả thông tin này?
Một số đã nhận ra điều này, và có một xu hướng đang diễn ra, cung cấp người dùng công nghệ kiểm soát dữ liệu của họ tốt hơn. Gần đây Mozilla đã cập nhật trình duyệt Firefox, cho phép người dùng chặn quảng cáo và bị theo dõi.
Phát triển biện pháp để mọi người đánh giá đúng dữ liệu, sự riêng tư và các thông tin bảo mật sẽ là việc cần thiết. Chỉ như thế, trong thời đại thông tin này, người dùng mới có thể giữ được sự riêng tư và kiểm soát được các tài khoản số của họ.
VNReview
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét