Ngày 22/12, công ty SpaceX đã lần đầu tiên hạ cánh thành công tên lửa tái sử dụng Falcon 9. Đây là bước đột phá lớn của ngành hàng không vũ trụ, đặc biệt là đối với các công ty tư nhân như SpaceX.
Tên lửa Falcon 9 cất cánh từ Florida.
Theo AFP, tầng đầu của tên lửa Falcon 9 sau khi bay lên độ cao 200km đã quay trở lại trái đất và hạ cánh an toàn xuống trung tâm thử tên lửa cũ của không quân Mỹ ở Cape Canaveral, Florida (Mỹ). Hệ thống này hoàn toàn nguyên vẹn và có thể sử dụng cho các đợt phóng tiếp theo.
Đây có thể xem là câu trả lời của tỷ phú Elon Musk với Amazon. Cách đây không lâu CEO Amazon Jeff Bezos tuyên bố Amazon đã phóng và hạ cánh thành công tên lửa tái sử dụng New Shepard. Tuy nhiên, giới khoa học nhận định sự kiện tên lửa Falcon 9 hạ cánh thành công đánh dấu một cột mốc quan trọng trong ngành hàng không vũ trụ bởi thành công của SpaceX còn lớn hơn Amazon rất nhiều.
Mình chứng là việc tên lửa New Shepard chỉ có thể phóng lên độ cao khoảng 100km sau đó hạ cánh trở lại mặt đất. Trong khi đó Falcon 9 có thể được phóng lên tầng quỹ đạo Trái đất với khoảng cách 200km. Ngoài ra, tốc độ của Falcon 9 cũng cao hơn rất nhiều, với 12.250 km/h (tốc độ của New Shepard là 4.593km/h).
Khoảnh khắc quan trọng nhất khi tên lửa Falcon 9 hạ cánh thành công
Phần lớn tên lửa đẩy hiện nay được thiết kế để cháy trong bầu khí quyển khi rơi trở lại trái đất. Nhưng nếu tên lửa có thể đáp xuống trái đất an toàn thì có nghĩa là chúng có thể được sử dụng lại nhiều lần tương tự như máy bay. Khi đó các cơ quan không gian và công ty dịch vụ sẽ chỉ tốn tiền nhiên liệu và bảo dưỡng khi phóng tên lửa đưa hàng hóa và người lên vũ trụ.
"Nếu sử dụng hiệu quả tên lửa giống như máy bay, chi phí bay lên vũ trụ sẽ giảm đi 100 lần. Và khi đó sẽ có vô số công ty cạnh tranh nhau cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh và du lịch vũ trụ", tỉ phú Musk nhấn mạnh.
Ngay sau sự kiện Falcon 9 hạ cánh thành công, cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng đã lên tiếng chúc mừng Space X. Trong khi đó, liên đoàn thương mại không gian (CSF) mô tả cú hạ cánh thành công của tên lửa Falcon 9 là một thành công lớn đối với ngành công nghiệp thương mại không gian. Bởi trước đây, các hãng cung cấp dịch vụ bay không gian luôn phải chấp nhận việc mất các các tên lửa hiện đại sau mỗi lần phóng lên quỹ đạo.
NBC News dẫn lời chuyên gia Scott Pace, giám đốc viện chính sách không gian ĐH George Washington nhận định: khi chi phí đầu tư giảm xuống, sự cạnh tranh tăng lên thì chắc chắc giá các sứ mệnh không gian sẽ giảm và nhu cầu tăng vọt. Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng việc tên lửa Falcon 9 hạ cánh mới chỉ là bước đầu quan trọng của giấc mơ chinh phục vũ trụ với giá rẻ hơn.
Được biết, tên lửa Falcon 9 có hai phần chính, một module chứa hàng hóa tiếp tế cho trạm vũ trụ sẽ không được tái sử dụng, chỉ có phần động cơ tên lửa quay trở lại trái đất là có thể tái sử dụng cho các lần phóng tiếp theo. Falcon 9 đã đưa thành công 11 vệ tinh của tập đoàn viễn thông toàn cầu Orbcomm lên quỹ đạo trái đất.
Trên thực tế, nếu tên lửa đẩy có thể tái sử dụng nhiều lần, chi phí thuê dịch vụ phóng vệ tinh chắc chắn sẽ rẻ đi rất nhiều - đây sẽ là tin vui với những nước chưa thể tự chế tạo và phóng vệ tinh như Việt Nam. Năm 2013, vệ tinh quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai – VNREDSat-1 của Việt Nam đã được phóng thành công vào quỹ đạo từ sân bay vũ trụ Kourou (Pháp), vệ tinh này có tổng mức đầu tư 55,8 triệu euro. Trước đó, các vệ tinh viễn thông VINASAT 1 và VINASAT 2 đều có tổng mức đầu tư 250-300 triệu USD. Thông thường, chi phí thuê tên lửa phóng vệ tinh có thể lên đến 1/3 tổng chi phí cho một vệ tinh.
Ông Trần Công Duệ, nguyên Phó vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN đã từng trả lời trên báo VietnamNet về chi phí cho việc mua và phóng vệ tinh: Giá của vệ tinh phụ thuộc vào ba yếu tố chính, đó là: giá thiết kế, chế tạo vệ tinh; giá thuê tên lửa đẩy để đặt vệ tinh lên quỹ đạo; chi phí bảo hiểm vệ tinh trên quỹ đạo và chi phí mua trạm thu ảnh chuyên dụng. Với ba nội dung đó, nếu yêu cầu đặt ra càng cao thì giá thành và thời gian hoàn thành càng cao. Ví dụ nếu chọn những cấu hình phức tạp với nhiều camera, cảm biến (sensors) có độ phân giải cao, các máy thu phát thông tin ở nhiều băng tần với công suất lớn và những bộ pin mặt trời với những ắc quy dung lượng lớn v.v... thì giá thành thiết kế và chế tạo vệ tinh càng đắt. Với nhiều thiết bị nặng nề đặt trên vệ tinh thì giá thuê đưa vệ tinh lên quỹ đạo cũng càng cao. Một tên lửa đẩy cỡ lớn có thể đẩy đồng thời ba vệ tinh nhỏ, nếu không chờ được thêm hai đối tác cùng muốn phóng vệ tinh nhỏ thì giá thành sẽ đội lên đáng kể. Thường thì chi phí chế tạo vệ tinh chiếm khoảng 1/3 tổng chi phí của toàn bộ chương trình. Chi phí thuê tên lửa phóng vệ tinh cũng khoảng chừng đó. 1/3 chi phí còn lại được chi cho việc xây dựng trạm điều khiển vệ tinh, bảo hiểm vệ tinh trên quỹ đạo, đào tạo cán bộ, lưu kho bãi chờ ngày phóng...
Theo VNReview
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét