"Già Gân, Mỹ Nhân và Găng Tơ" có tên tuổi của Hoài Linh, Trường Giang, Tóc Tiên sẽ đảm bảo rằng phim có khán giả nhưng hay thật không thì là chuyện khác.
Bộ phim mở đầu tại một trường giáo dục già hư. Lúc này ông Tỏi (Hoài Linh) sau nhiều năm chinh chiến giang hồ đã lui về sống một cuộc đời nhàm chán. Tuy nhiên, ông bị thôi thúc bởi khát vọng sống tử tế và người mang lại cảm hứng cho ông không ai khác chính là cô vợ đã bỏ đi nhiều năm trước. Chính vì thế, ông Tỏi quyết “hư một lần sau cuối” để tìm lại tung tích cô.
Hoài Linh trong vai ông Tỏi, một giang hồ hết thời
Tuy nhiên trong hành trình ấy, Tỏi vô tình vướng phải Quỳnh Cherry (Tóc Tiên) – một cô DJ ngổ ngáo đang chạy trốn xã hội đen. Họa vô đơn chí nhưng lỡ quyết tâm làm người tử tế, ông cứu Quỳnh Cherry hết lần này tới lần khác và phát hiện những bí mật động trời.
Sau Ma Dai, người ta mong chờ Đức Thịnh sẽ có một bộ phim thú vị khác. Dù câu kéo hàng loạt cây hài như Hoài Linh, Trường Giang, Kiều Minh Tuấn, Hoàng Sơn thì phần hài của phim vẫn “thập cẩm”, rời rạc và nhạt nhòa. Đó là chưa kể việc cố tình tạo ra những tình huống và thoại “mặn mòi” chỉ làm phim kém giá trị hơn.
Hai gương mặt được mong chờ nhất là Hoài Linh và Trường Giang lại là hai sự thất vọng lớn nhất. Thất vọng do đã quá kì vọng vào sự bùng nổ. Hoài Linh có vẻ đã “thấm mệt” khi đọc thoại đều đều, cách diễn hài tưng tửng lặp đi lặp lại trong rất nhiều phim. Nhân vật ông Tỏi của anh càng lộ rõ vẻ mệt mỏi hơn khi phải gánh những pha hành động vốn chả hợp với thân hình “còm”, những phút hồi tưởng lộn xộn. Trường Giang cũng thế, vẫn chỉ là những mảng miếng anh sử dụng với thời Sơn Đẹp Trai hay Lật Mặt. Nếu mong chờ anh có một thay đổi nào đó thì không, dường như Già Gân chỉ là một cú nghỉ để anh chơi bời một chút trước khi dồn lực cho những dự án vào năm sau.
Sự mệt mỏi và gồng gượng hằn rõ trên mặt Hoài Linh ở những pha hành động
Sự hài hước được kết nối chỉ xuất hiện ở cặp đôi Ngô và Nghê do Đức Thịnh và Kiều Minh Tuấn thủ vai. Sự xuất hiện của hai nhân vật này không có đóng góp gì cho đường dây kịch bản nhưng bù lại có được sự duyên dáng cần có và đáng cười nhất phim.
Chất hài không tốt, chất hành động của phim cũng chỉ ở mức lửng lơ. Già Gân, Mỹ Nhân Và Găng Tơ có cố gắng khi sử dụng những góc quay đậm chất hành động Mỹ và tạo không khí căng thẳng nghẹt thở khi rượt đuổi ở đầu phim nhưng công nghệ CGI quá xấu làm ý đồ đạo diễn không trọn vẹn. Thêm thắt một chút hư cấu, phim như phiên bản nhái lại của Hollywood Adventure, mà phim này lại là một phim nhái bom tấn Hollywood được chiếu rạp vào hè năm nay.
Điều đáng tiếc nhất trong phim dành cho Tóc Tiên. Cô có ngoại hình sáng sủa, tính cách khá phù hợp với nhân vật và diễn xuất vừa đủ để chấp nhận, tuy nhiên cô đã tính toán sai khi gật đầu tham gia phim. Già Gân, Mỹ Nhân Và Găng Tơ không có kịch bản đủ tốt để “cứu” Tóc Tiên ở những pha diễn bị thiếu tiết chế. Tiên muốn mang lại một hình ảnh ngổ ngáo, gần gũi để tách khỏi ngoại hình “sang chảnh” trên sân khấu nhưng cách nhân vật của cô “quậy” gợi lên sự khó chịu.
Được biết, Tóc Tiên đã phải học đánh đấm để đáp ứng những pha hành động trong phim nhưng thú thật, việc này khá… thừa. Màn đấu võ cuối phim vô lý đến nỗi trước đó Quỳnh Cherry còn đang khóc lóc thảm thiết vì bị tay găng tơ cao to bắt giữ, lúc sau đã vùng lên phản kháng dữ dội và cho gã no đòn. Trong phim Hollywood, kiểu “plot-twist” bất ngờ này không thiếu nhưng phim của họ có cách chuyển tiếp mượt mà, gây bất ngờ thú vị chứ không khó hiểu và rối rắm như Già Gân mang lại.
Càng về cuối, phim càng đuối khi tình tiết chồng chất tình tiết, càng xem càng rối và “hư cấu”. Vớt vát lại được đôi chút khi già Tỏi đã có cuộc nói chuyện thâm tình với già Chanh về những năm tháng đã qua. Nếu để ý, Tỏi đặt cạnh Chanh rất hợp lý như những gia vị để được bát nước mắm ngon. Họ có thể khác nhau nhưng luôn chờ dịp để bổ sung cho nhau. Tỏi luôn xuất hiện để phá Chanh, từ lúc trẻ tới lúc già nhưng dường như cú phá có thể là sau chót này lại đem đến những bất ngờ thú vị.
Lúc tung hứng với Thương Tín có lẽ là lúc Hoài Linh khá thoải mái, Thương Tín cũng thế. Hai diễn viên gạo cội cứ tỉnh không mà chiếm cảm tình khán giả. Đoạn hai ông già gân đánh nhau rồi thấm mệt hay già Chanh than trời vì già Tỏi phá đám khá dễ thương. Theo trào lưu phổ biến bây giờ là “ship” các nhân vật nam với nhau thì Tỏi và Chanh cũng thời thượng khi bắt kịp xu hướng.
Già Tỏi và già Chanh, “yêu nhau lắm cắn nhau đau”. Nhân vật cô Hương, vợ của Tỏi dường như chỉ là “xúc tác” cho mối tình này thêm sâu đậm sau nhiều năm
Như lời hứa từ nhà sản xuất Thanh Thúy trong buổi họp báo tại thành phố Hồ Chí Minh, phim sẽ mang nhiều thông điệp ý nghĩa. Đúng là có nhưng quá sượng sùng. Cứ tưởng tượng thế này, Già Gân, Mỹ Nhân và Găng Tơ cố gắng theo đuổi khái niệm của một bộ phim nhưng khúc cuối mang cái kết của sân khấu kịch, khi các nhân vật rao giảng mãi về sự tử tế, hành động quay ngoắt về sự tử tế rất “ngửa bài” và sáo rỗng.
Như đã nói đầu bài, cái hay của phim chỉ có một vài điểm, một vài chỗ chứ tổng thể thì không hay. Tất nhiên, phim có Hoài Linh, Trường Giang thì phòng chiếu thể nào cũng đông nghẹt vì khán giả phần đông vẫn muốn xem hài giải trí, nhất là vào dịp cuối năm nhộn nhạo. Sẽ có một báo cáo doanh thu rất hoành tráng sau 3 ngày cuối tuần ra mắt, tuy nhiên về chất lượng thì Già Gân, Mỹ Nhân và Găng Tơ là một cái kết nhạt nhòa cho năm 2015, nhất là khi khán giả đang được gieo hy vọng bởi một số phim Việt khá tốt trước đó.
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét