Tháng Tám vừa qua, công ty Obi Worldphone đã gây chú ý khi ra mắt hai chiếc điện thoại giá rẻ SJ1.5 và SF1. Sản phẩm chỉ là một phần, người ta để ý tới Obi chủ yếu bởi danh tiếng của nhà sáng lập công ty này và cũng là cựu CEO của Apple, John Sculley.
Trước đây Obi đã từng hoạt động với thương hiệu Obi Mobiles, với sản phẩm chủ yếu là những điện thoại giá siêu rẻ (dưới 2 triệu đồng) và bán ở thị trường Ấn Độ. Việc đổi tên thương hiệu và ra mắt hai sản phẩm có giá cao hơn hẳn cho thấy công ty này muốn đem lại sản phẩm chất lượng cao hơn, hướng tới phân khúc tầm trung. Tên gọi của những sản phẩm này (SJ là viết tắt của San Jose, SF là San Francisco, đều là những thành phố có trụ sở nhiều công ty công nghệ lớn của Mỹ) cũng khiến người dùng ngầm hiểu Obi Worldphone là những sản phẩm mang "chất lượng" Mỹ, nhưng được bán ở các thị trường mới nổi và Việt Nam là một trong số đó.
Với giá bán 6 triệu đồng, liệu chúng ta có thể mua được một smartphone mang chất lượng Mỹ không?
Obi SF1 hiện có hai phiên bản khác nhau về cấu hình với giá lần lượt là 5,2 triệu và 6 triệu đồng. Cả hai phiên bản chúng tôi sử dụng trong bài viết đều được lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile với giá bán thấp hơn so với giá niêm yết: 4,75 triệu cho bản bộ nhớ 16GB và 5,65 triệu cho bản bộ nhớ 32GB.
Thiết kế
Hộp đựng của máy gợi nhớ đến những chiếc iPod
Thiết kế của SF1 có những nét vừa quen vừa lạ. Điểm quen thuộc của máy nằm ở phần viền kim loại cong, gợi nhớ tới chiếc Lumia 925 và iPhone 6 (hoặc HTC One A9). Điểm lạ trong thiết kế đến từ những chi tiết bất đối xứng: hai góc trên vuông nhưng hai góc dưới lại tròn, kính màn hình lồi lên ở mặt trước. Các chi tiết này tạo nên sự độc đáo cho SF1.
Thiết kế bất đối xứng và mặt kính lồi là những nét thiết kế khác biệt của SF1
Phần kính màn hình nổi không chỉ tạo nên sự khác lạ ở ngoại hình, mà còn ảnh hưởng tới trải nghiệm khi sử dụng. Bạn sẽ cảm thấy hơi gợn khi đưa tay từ viền lên tấm kính, và phần viền ở trên màn hình cũng không bằng phẳng. Màn hình cũng có tới hai phần viền, đem tới cảm giác màn hình nhỏ hơn nhiều so với kích thước máy (tỉ lệ màn hình/thân máy ở mức thấp, 64% so với mức trung bình hiện nay là khoảng 70%).
Phần viền màn hình dày tạo nên cảm giác màn hình nhỏ so với thân máy
Chất liệu là một điểm cộng trong thiết kế của máy với sự kết hợp giữa kim loại và nhựa, các chi tiết như khe cắm micro-USB, khe loa được gia công tốt. Kích thước của máy ở mức vừa phải, các cạnh và góc dưới tròn đem lại cảm giác cầm tay khá thoải mái. Ba nút bấm cứng cũng được đặt ở vị trí hợp lý, độ nảy vừa phải nên dễ bấm.
Các chi tiết nhỏ như khe cắm MicroUSB, tai nghe được gia công tốt
Thiết kế của SF1 có nhiều nét độc đáo giúp cho máy nổi bật trong phân khúc tầm trung. Tất nhiên không phải sự phá cách nào cũng hoàn hảo, ví dụ như phần màn hình lồi còn một số nhược điểm ảnh hưởng tới trải nghiệm sử dụng, nhưng thiết kế vẫn có thể xem là điểm mạnh của chiếc điện thoại này.
Màn hình
Màn hình của máy có độ sáng cao, thể hiện màu sắc tốt và góc nhìn rộng, nhưng thể hiện màu đen không xuất sắc
Màn hình của SF1 có kích cỡ 5 inch với độ phân giải Full HD, tương đương mật độ điểm ảnh 443 ppi. Hãng sử dụng tấm nền IPS do JDI cung cấp, với góc nhìn rộng và ít bị thay đổi màu khi nghiêng máy. Độ sáng tối đa của màn hình khá cao lên tới 483 nit, là mức đủ để đảm bảo người dùng nhìn được dưới ánh nắng.
Bảng đo không gian màu cho thấy máy thể hiện màu sắc cơ bản khá chính xác
Khả năng thể hiện màu của SF1 cũng tốt, màu sắc chuẩn và không bị sai lệch nhiều. Điểm tôi cảm thấy chưa ưng ý ở màn hình này là độ tương phản hơi thấp, do đó màn hình thể hiện màu đen không sâu. Khi dùng thiết bị chuyên dụng, màn hình của SF1 cũng thể hiện khả năng tái tạo màu khá chuẩn, không bị lệch nhiều.
Kết quả đo màu của Obi SF1 so với một số sản phẩm khác
Máy ảnh
Thông số máy ảnh của SF1 khá ấn tượng: máy ảnh sau sử dụng cảm biến Sony Exmor RS IMX214 độ phân giải 13MP, khẩu độ f/2.0; còn camera trước có độ phân giải 5MP và có đèn flash trợ sáng. Cảm biến này của Sony được sử dụng trên khá nhiều điện thoại, đáng kể nhất là Google Nexus 6, HTC Butterfly 2 và Huawei Ascend P7.
Giao diện ứng dụng chụp ảnh của máy có nhiều điểm tương đồng với phần mềm gốc của Google, với khá nhiều tùy chọn sâu và phức tạp ở bên trong. Phần mềm có nhiều chế độ chụp, trong đó đáng chú ý là 3 chế độ chụp IQ Camera: Re-Focus (lấy nét chọn lọc), đèn nháy (chụp nhiều ảnh ở chế độ flash khác nhau và ghép lại để có ảnh sáng chuẩn nhất) và Thu phóng (hỗ trợ phóng to ảnh hơn nhưng chỉ là kỹ thuật số).
Tuy nhiên trải nghiệm chụp ảnh của SF1 lại không ấn tượng như thông số của nó. Tốc độ lấy nét và lưu ảnh của máy không nhanh, khi chụp tối thì khá chậm. Ảnh chụp khi điều kiện ánh sáng tốt có độ sắc nét ở mức khá, thể hiện màu sắc khá trung thực nhưng do dải sáng hẹp nên với các khung cảnh có độ chênh sáng cao thì máy thể hiện kém, có thể bị lệch màu.
Ảnh chụp khi điều kiện ánh sáng tốt có độ chi tiết khá, màu sắc khá trung thực
Ảnh chụp buổi tối vẫn thể hiện màu sắc khá tốt, nhưng độ chi tiết và độ sáng kém, nhiễu thấy rõ.
Khi chụp trong nhà hoặc buổi tối, ảnh bị nhiễu nặng làm ảnh hưởng tới độ chi tiết. Đối với các khung cảnh có nhiều phần tối đồng màu, nhiễu thể hiện khá rõ. Máy đo sáng và xử lý ánh sáng chưa tốt, nhưng ưu điểm của chiếc điện thoại này là cho ra ảnh có màu sắc trung thực, kể cả trong những tình huống khá phức tạp.
Camera trước có đèn flash trợ sáng nhưng chất lượng chụp cũng không ấn tượng
Máy ảnh trước của SF1 có độ phân giải 5MP và đèn flash trợ sáng, tuy nhiên ảnh chụp "tự sướng" cũng chỉ có chất lượng trung bình. Máy bắt sáng khá kém, tốc độ chụp chậm nên ảnh dễ bị nhòe và đèn flash không hỗ trợ được nhiều khi chụp buổi tối.
Ảnh chụp "tự sướng" trong nhà với SF1
Hiệu năng và phần mềm
Cấu hình của SF1 gồm SoC Qualcomm Snapdragon 615, nhân đồ họa Adreno 405 và bộ nhớ RAM có dung lượng 2/3GB (tương ứng với phiên bản bộ nhớ 16/32GB). Nếu chỉ xét theo thông số thì cấu hình này đủ đáp ứng gần như mọi tác vụ trên Android, chỉ hơi đuối khi chơi một số game nặng về đồ họa với thiết lập ở mức cao. Khi sử dụng thực tế, máy vẫn đáp ứng tốt các ứng dụng của Android, tuy nhiên cảm giác khi thoát ứng dụng, mở ứng dụng khác hay chuyển giữa các màn hình không được mượt như nhiều điện thoại trong cùng tầm giá. Có thể nguyên nhân là do chiếc điện thoại này chưa được tối ưu tốt về phần mềm.
Cấu hình của SF1 vẫn chưa đáp ứng tốt các game 3D ở độ phân giải Full HD
Đối với các game 3D, SF1 cũng thể hiện chưa được tốt. Khi chúng tôi chơi thử game N.O.V.A 3, một game thể loại bắn súng với đồ họa khá đẹp, tự động điều chỉnh thiết lập theo cấu hình của máy thì ở một số cảnh có đông "quái", khung hình bị giật. Đối với game Dead Trigger 2, máy cũng chỉ đáp ứng tốt nhất ở mức cấu hình Low, còn khi lên mức Medium thì khung hình không mượt, bị giật trong các cảnh bắn súng. Có thể thấy chipset Snapdragon 615 vẫn đuối nếu phải đáp ứng game ở độ phân giải Full HD.
Phần mềm của SF1 cũng không có nhiều tùy biến so với bản gốc của Google. Một số ứng dụng như Thư viện, chụp ảnh gần như không thay đổi. Phần mềm cài sẵn của máy cũng chỉ bao gồm bộ ứng dụng văn phòng của Microsoft và phần mềm giả lập âm thanh vòm của Dolby.
Thời gian sử dụng pin
Với cấu hình tầm trung và viên pin có dung lượng 3000 mAh, Obi SF1 hứa hẹn mang lại thời gian sử dụng pin ấn tượng. Điều đó cũng được chứng minh qua quá trình sử dụng thực tế cũng như với các bài kiểm tra pin tiêu chuẩn. Cụ thể với bài test lướt web và xem phim, SF1 đạt thời lượng khoảng 7 giờ, còn bài test tổng hợp máy cũng đạt thời lượng hơn 5 giờ, ở mức khá. Khi sử dụng thực tế, tôi dễ dàng đạt thời gian pin 1 ngày với chiếc SF1, kể cả khi bật 3G liên tục để lướt web và xem bản đồ. Thời gian sử dụng pin như vậy đủ để đáp ứng nhu cầu của những người sử dụng máy nhiều.
Thời gian pin lướt web trên mạng Wi-Fi tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%
Thời gian pin xem phim HD tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%
Thời gian pin chạy bài test game trên ứng dụng GFX Bench, cũng tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.
Chipset Snapdragon 615 hỗ trợ sạc nhanh QuickCharge 2.0, tuy nhiên chiếc SF1 chỉ hỗ trợ tới QuickCharge 1.0. Củ sạc theo máy sạc đầy pin từ trạng thái tắt nguồn tới lúc 100% mất khoảng 2,5 giờ.
Kết luận
Obi SF1 có nhiều ưu điểm để nổi bật trong thị phần smartphone tầm trung. Máy có thiết kế lạ mắt, màn hình hiển thị tốt, thời gian sử dụng pin đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng thoải mái. Tuy nhiên, phần mềm của máy lại gây thất vọng và là yếu tố khiến trải nghiệm sử dụng không được trọn vẹn.
Có thể nói Obi SF1 được trang bị phần cứng ổn nhưng phần mềm lại chưa tương xứng. Do phần mềm chưa tối ưu tốt nên hiệu năng của máy không mượt so với cấu hình, thể hiện rõ trong quá trình sử dụng. Tương tự như vậy máy ảnh của SF1 chụp khá chậm và chất lượng ảnh còn kém khi chụp tối, chụp ngược sáng. Về khía cạnh giao diện và trải nghiệm người dùng, Obi cũng chưa đưa ra được những điểm mới để cải thiện trải nghiệm cho người dùng.
Khác với phần cứng, phần mềm là khía cạnh mà nhà sản xuất có thể sửa chữa, hoàn thiện ngay cả khi đã bán sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Nếu như Obi kịp thời đưa ra những bản cập nhật phần mềm để cải thiện hiệu năng của chiếc SF1 thì đây sẽ là một sản phẩm đáng giá trong tầm tiền, còn nếu hãng ngó lơ với việc cập nhật thì thực sự đáng tiếc, SF1 chưa thể là chiếc điện thoại "chất lượng Mỹ" mà nhiều người trông chờ.
Theo VNReview
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét