Trên bản cập nhật phần mềm mới nhất, ASUS đã mang đến một số thay đổi nhỏ, đồng thời cải tiến hiệu năng cho ZenFone 2 Laser. Tuy nhiên, thay đổi đáng chú ý nhất chính là khả năng phơi sáng với thời gian tối đa là 32s. Kết hợp với camera độ phân giải 13 MP cùng khả năng lấy nét nhanh, người dùng có thể sáng tạo nhiều hơn với chiếc smartphone của mình.
Hôm nay, diễn đàn sẽ giới thiệu đến các bạn một số nguyên tắc cơ bản cũng như cách để chụp ảnh phơi sáng với ZenFone 2 Laser.
Phơi sáng là gì và chụp ảnh phơi sáng vào thời gian nào?
Trước tiên, các bạn cần hiểu định nghĩa phơi sáng là gì? Trong nhiếp ảnh, phơi sáng được hiểu theo cách cơ bản là bạn mở màn trập và ánh sáng sẽ liên tục đi vào trong suốt khoảng thời gian phơi sáng. Khi đó, cảm biến sẽ ghi nhận lại mọi vị trí ánh sáng chiếu vào và cho ra bức ảnh với nhiều hiệu ứng độc đáo.
Thông thường, phơi sáng có thể áp dụng cho cả ảnh chụp vào ban đêm lẫn ban ngày. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, việc thay đổi tốc độ màn trập lâu được sử dụng nhiều nhất là vào ban đêm, khi có những chủ thể chuyển động như xe máy, ô tô, pháo hoa,... Ngoài ra, bạn cũng có thể ghi lại hình ảnh bầu trời lúc chập tối, ánh sáng lúc bình minh hay tại những nơi có mặt nước để tạo hiệu ứng phản chiếu mạnh.
Nếu chụp phơi sáng vào ban ngày, người ta thường áp dụng để chụp dòng thác nước, sông, suối… nơi có nước chảy trắng xóa. Khi đó, sợi nước như được kéo dài ra, bạn sẽ có được những bức ảnh với thác nước chảy như chậm đi, mềm mại hơn.
Công cụ cần chuẩn bị để chụp ảnh phơi sáng
Tất nhiên, để chụp được ảnh phơi sáng thì bạn phải sử dụng những thiết bị cho phép điều chỉnh tốc độ màn trập như trong bài viết là chiếc ASUS ZenFone 2 Laser. Ngoài ra, vì cảm biến trên smartphone cần thu nhận ánh sáng trong một khoảng thời gian nhất định nên người dùng cũng cần đến một tripod hoặc monopod để có thể ổn định được máy, tránh hiện tượng rung, nhòe.
Nếu có điều kiện hơn, bạn có thể sử dụng thêm filter để tận dụng khả năng phơi sáng lên đến 32s của máy. Tuy nhiên, vì bài viết hướng đến những người chụp ảnh cơ bản nên mình sẽ chỉ sử dụng hai thứ, một là chiếc ASUS ZenFone 2 Laser, hai là chân máy tripod.
Các nguyên tắc cơ bản khi chụp ảnh phơi sáng
Cho dù bạn chụp bằng smartphone hay máy ảnh chuyên nghiệp, chụp ảnh phơi sáng có một số nguyên tắc cơ bản mà bạn cần chú ý, cụ thể như sau:
- Chọn vị trí chụp thích hợp để có thể tạo ra hiệu ứng độc đáo với ánh sáng. Sau đó, cắm chặt ZenFone 2 Laser với tripod, siết chặt các con ốc và kiểm tra xem thử vị trí đặt chân máy có bằng phẳng hay quá rung hay không, tránh hiện tượng nhòe làm ảnh hưởng đến chất lượng ảnh chụp.
- Khi chụp ảnh phơi sáng, có một số thông số cơ bản mà bạn nên chú ý như để ISO ở giá trị thấp nhất, điều chỉnh White Balance (WB) cho phù hợp, chọn điểm lấy nét (thường là vị trí gần vùng sáng và vùng vô cực). Sau này, nếu đã quen dần với những thao tác trên thì bạn có thể chuyển sang chế độ lấy nét tay để tấm ảnh của mình có độ chi tiết cao hơn.
- Cuối cùng, thiết lập thời gian phơi sáng, có thể là 2s, 4s, 8s, 16s hay 32s tùy ý. Tuy nhiên, qua một số thử nghiệm thì ZenFone 2 Laser thường thể hiện khả năng tốt ở tốc độ 2s hoặc 4s, có thể là 8s, nếu như đặt lên mức 16s hoặc 32s thì ảnh thường bị cháy sáng và khi đó bạn sẽ phải sử dụng đến những tấm filter. Ngoài ra, bạn cũng nên thiết lập chế độ hẹn giờ để chụp trên ZenFone 2 Laser nhằm giảm thiểu tối đa hiện tượng ảnh bị nhòe do rung, lắc.
- Thông thường, thao tác của mình thường là đặt ISO thấp nhất, sau đó chọn điểm lấy nét và bắt đầu lấy nét bằng tay, thiết lập tốc độ màn trập ở mức 2s, chụp một tấm ảnh và đưa ra đánh giá. Nếu ảnh vẫn chưa như ý thì tiếp tục tăng thời gian phơi sáng lên, sau đó điều chỉnh lại WB cho phù hợp. Cuối cùng là lưu vào máy và bắt đầu công việc hậu kỳ.
Bước 1: Sau khi đã chọn một vị trí phù hợp và gắn chặt smartphone với chân máy, khởi động ứng dụng camera mặc định trên ZenFone 2 Laser, đi đến mục cài đặt bằng cách nhấn vào biểu tượng 4 hình vuông nhỏ ở góc dưới bên trái màn hình.
Bước 2: Lúc này, một màn hình mới sẽ hiện ra, cung cấp cho người dùng rất nhiều chế độ chụp khác nhau, từ "Tự động", "Thủ công", "HDR", "Siêu độ phân giải",... cho đến "Toàn cảnh". Như đã nói ở trên, chụp ảnh phơi sáng có nghĩa là bạn sẽ thay đổi tốc độ màn trập, vì vậy bạn hãy nhấn chọn vào mục "Thủ công".
Bước 3: Sau đó, ứng dụng camera mặc định sẽ chuyển sang chế độ "Tự động", cho phép người dùng can thiệp vào hầu hết tất cả những thông số trên bức ảnh, ngoại trừ khẩu độ trên smartphone là một con số cố định.
Bước 4: Bạn nhìn lên góc trên bên phải của màn hình sẽ thấy ba gạch màu nhỏ. Nhấn vào đó thì sẽ có một thanh cài đặt nhỏ xuất hiện dọc theo màn hình chính, được sắp xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới, bao gồm WB, EV, ISO, S và lấy nét. Như đã nói ở trên, chúng ta sẽ thiết lập ISO ở mức thấp nhất. Trên ZenFone 2 Laser, mức ISO thấp nhất mà bạn có thể đặt là 50.
Bước 5: Tiếp theo, bạn hãy chọn điểm lấy nét lên chủ thể chính. Với ảnh phơi sáng thường chủ đề chính là phong cảnh với khoảng cách chủ thể ở xa. Một số smartphone gần đây có hệ thống lấy nét tự động khá tốt nên bạn có thể thử, trước khi chuyển hẳn sang lấy nét thủ công bằng cách chạm lên màn hình vị trí muốn lấy nét và nhấn giữ lâu vào điểm đó để máy ghi nhớ và khóa điểm lấy nét tại vị trí đó.
Nhiều bạn vẫn thường nghĩ lấy nét ở vô cực sẽ giúp ảnh nét “từ đầu tới đuôi” nhưng thực tế ống kính tích hợp trên điện thoại đều thuộc loại cho góc nhìn rất rộng nên để trường ảnh sâu (DOF) và chi tiết rõ nhất chỉ cần lấy nét ở một khoảng trước vô cực. Tùy vào máy, khung cảnh, đối tượng lấy nét mà sẽ có khoảng chọn lấy nét khác nhau và quan trọng hơn là bạn phải chụp nhiều trên thiết bị của mình để biết chính xác khoảng tiêu cự nét toàn dải.
Bước 6: Lúc này, bạn hãy lựa chọn tốc độ màn trập cho phù hợp. Nếu như mới bắt đầu, bạn nên thử ở mức 1s, sau đó tăng từ từ lên cho đến khi thấy vừa ý. Trên ZenFone 2 Laser, mình nhận thấy máy sẽ thể hiện tốt ở mức 2s và 4s, nếu tăng lên 8s thì sẽ rất dễ bị rung, nhòe trong khi lên đến mức 16s và 32s thì rất khó để có hình ảnh như ý nếu như không sử dụng đến filter. Theo thói quen thì mình thường chụp trước một tấm cho đến khi vừa ý, sau đó mới thiếp lập lại WB.
Bước 7: Lưu ý là trước khi bắt đầu quá trình chụp, bạn cũng nên chuyển máy sang chế độ hẹn giờ để giảm thiểu tối đa hiện tượng nhòe do rung, lắc, thường là khoảng 2s đến 5s sau khi bấm là tối ưu nhất.
Bước 8: Kiểm tra lại bức ảnh của mình sau khi chụp xem đã vừa ý chưa, ảnh có hiện tượng rung, nhòe hay mất chi tiết do lấy nét chưa tốt hay không. Nếu chưa, hãy bắt đầu điều chỉnh các thông số lại từ đâu, nếu bức ảnh tiếp theo tốt hơn, bắt đầu thiết lập lại WB để màu sắc của ảnh hài hòa và dễ nhìn hơn.
Bước 9: Tương tự như những thể loại ảnh khác, hậu kỳ là một bước cực kỳ quan trọng khi chụp phơi sáng, đặc biệt là khi bạn chụp bằng smartphone, những thiết bị vốn có kích cỡ cảm biến nhỏ như ZenFone 2 Laser. Bạn có thể sử dụng một số phần mềm chỉnh sửa cơ bản hoặc các công cụ mạnh mẽ hơn trên máy tính như Photoshop hay Lightroom.
Thông thường, bạn nên cân chỉnh lại bố cục, cắt ghép lại sao cho nhìn hài hòa, sau đó thay đổi ánh sáng, WB, giảm noise, thêm màu sắc nếu cần cho đến khi thấy thích, giống như ở minh họa bên dưới.
Ảnh bên trái (chưa qua chỉnh sửa) và ảnh bên phải (đã hậu kỳ).
Mời các bạn xem qua một số bức ảnh phơi sáng bằng ASUS ZenFone 2 Laser chưa qua chỉnh sửa:
Một số bức ảnh đã qua chỉnh sửa:
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét