Trong ngày thứ năm vừa qua, một hiệp hội công nghệ tại Mỹ đã lần đầu tiên lên tiếng kể từ sau vụ khủng bố tại Paris với tuyên bố từ chối cho phép các nhà hành pháp tại Mỹ được quyền sử dụng chìa khóa cửa hậu nhằm vượt qua mã hóa trên điện thoại di động.
Việc đặt cửa hậu cho phần mềm/phần cứng sẽ giúp các cơ quan tình báo/chính phủ nghe lén dễ dàng hơn, nhưng cũng dễ bị hacker lợi dụng
Tuyên bố chính thức của Hiệp hội Ngành Công nghệ Thông tin tới Reuters khẳng định: "Việc làm yếu mã hóa để giúp chính phủ có thể theo dõi các liên lạc di động nhân danh an ninh quốc gia đơn giản là vô lý". Hiệp hội Ngành Công nghệ Thông tin tại Mỹ hiện đang đại diện cho Apple, Google, Microsoft và một loạt các công ty công nghệ lớn khác.
Chủ tịch của Hiệp hội này, Dean Garfield cho biết: "Sau một thảm họa khủng khiếp như vụ khủng bố tại Paris, chúng ta hiển nhiên sẽ đi tìm những giải pháp, nhưng làm suy yếu mã hóa không phải là một giải pháp".
Vụ khủng bố tại Paris vào ngày thứ sáu vừa qua đã làm 129 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Nhà nước Hồi Giáo tự phong ISIS sau đó đã lên tiếng nhận trách nhiệm.
Sau vụ khủng bố này, nhiều quan chức tình báo tại Mỹ đã viện chứng về vụ việc để hâm nóng lại những tranh cãi về việc liệu các công ty công nghệ có nên hợp tác với các nhà chức trách để xây dựng "cửa hậu" cho các thiết bị và nền tảng số. Theo các quan chức chính phủ Mỹ, sự phổ biến của các nền tảng email và tin nhắn mã hóa như iMessage và WhatsApp đã làm suy yếu khả năng theo dõi tội phạm và đánh bại các chiến dịch khủng bố.
Nhóm hacker Anonymous mới gần đây cũng đã tuyên chiến với ISIS.
Nhưng bất chấp các thông tin ban đầu rằng những kẻ khủng bố ở Paris đã dùng các phương tiện mã hóa để liên lạc, hiện tại các nhà hành pháp vẫn chưa tìm ra bằng chứng về việc chúng đã dùng một nền tảng nhắn tin mã hóa nào cả. Tại hiện trường của một trong các vụ đánh bom, các nhà chức trách Pháp cũng đã tìm thấy một chiếc điện thoại di động được cho là thuộc về một kẻ khủng bố với tin nhắn chưa được mã hóa.
Vào tuần trước, Nhà Trắng đã hủy bỏ nỗ lực vận động các công ty công nghệ và Nghị viện nhằm cho phép các đơn vị hành pháp và tình báo có thể truy cập vào tin nhắn mã hóa qua cửa hậu. Ý tưởng này sau đó đã được cân nhắc trở lại sau vụ khủng bố tại Paris, nhưng các quan chức tại Nghị viện cho rằng khả năng đưa ra các điều luật liên bang về chống mã hóa là rất thấp.
Các nhà hoạt động vì quyền riêng tư, các công ty công nghệ và các chuyên gia bảo mật đều cho rằng các cửa hậu cho mã hóa sẽ cho phép hacker có ý đồ xấu có thể tiếp cận thông tin của nạn nhân.
Ông Dean Garfield khẳng định: "Mã hóa là một công cụ bảo mật mà chúng ta sử dụng hàng ngày để rút tiền trong tài khoản, để bảo vệ xe hơi và máy bay của mình khỏi các vụ hack có ý đồ xấu. Chúng tôi rất trân trọng các nỗ lực của các đơn vị hành pháp và cộng đồng an ninh quốc gia nhằm bảo vệ chúng tôi, nhưng làm suy yếu mã hóa hoặc tạo cửa hậu trên các thiết bị mã hóa để người tốt làm việc sẽ tạo ra những lỗ hổng để kẻ xấu lợi dụng".
Lê Hoàng
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét