Khi ra mắt, dòng máy Surface của Microsoft từng bị coi là một trò đùa ngớ ngẩn. Đến giờ, khi cả Apple và Google đều đã ra mắt một chiếc laptop lai tablet của riêng mình, người ta mới nhận ra tầm nhìn đi trước thời đại của Microsoft.
Năm 2012, khi Microsoft ra mắt chiếc Surface Pro cùng đàn em Surface RT, gần như cả thế giới công nghệ đều đã coi 2 chiếc laptop lai tablet này là những trò đùa. CEO Tim Cook của Apple lên tiếng mỉa mai: "Bạn có thể mang lai máy nướng bánh mỳ với tủ lạnh, nhưng có lẽ là sẽ chẳng ai sẽ thích cái thứ đó đâu".
Đến tháng 9 năm nay, cả Google lẫn Apple đều ra mắt những sản phẩm laptop lai tablet của riêng mình: chiếc Pixel C của gã khổng lồ tìm kiếm và chiếc iPad Pro của Táo. Sau khi dòng Surface RT bị loại bỏ, trong quý 2/2015 dòng Surface của Microsoft đã đạt tốc độ tăng trưởng 117% so với cùng kỳ 2014. Theo các thông tin rò rỉ của báo giới, Microsoft sẽ ra mắt thế hệ mới Surface Pro 4 tối ngày 6/10.
Với nhiều người, sự ra mắt của chiếc iPad Pro có thể được coi là lời thú nhận thầm lặng từ Tim Cook rằng "Microsoft đã đúng khi kết hợp tablet và laptop". Với sự kiện ra mắt chiếc laptop Pixel đầu tiên sử dụng Android trong nhiều năm, Google cũng đã mang đến niềm hy vọng cho các fan về một phân khúc sản phẩm hoàn toàn mới chạy trên hệ điều hành di động phổ biến nhất hành tinh.
2 năm sau khi ra mắt iPad Air, Apple cũng đã ra mắt iPad Pro với trọng tâm là người dùng làm việc.
Hiển nhiên, Surface Pro, iPad Pro và Pixel C đủ khác biệt để bạn có thể nói rằng 2 chiếc laptop lai tablet của Apple và Google không phải là hàng "copy" từ Microsoft. Nhưng ngược lại, sự thật rõ ràng là cả 3 ông lớn công nghệ đều đang muốn tạo ra một trào lưu mới cho thế giới: trào lưu laptop lai tablet.
Chiếc smartphone đã thay đổi hoàn toàn thế giới điện toán
Bất chấp một vài tín hiệu đáng mừng, thị trường PC truyền thống (laptop và desktop) vẫn tiếp tục sụt giảm trầm trọng. Theo số lượng của công ty nghiên cứu thị trường IDC, thị trường PC năm nay sẽ tiếp tục suy giảm 8,7%. Sự ra đời của Windows 10 đem đến hy vọng rằng doanh số PC năm sau sẽ được cải thiện đôi chút, song gần như chắc chắn hệ điều hành này sẽ không thể đưa thị trường PC trở nên sôi động như vài năm trước đây.
Mỗi năm là Apple lại lập một kỷ lục mới về doanh số iPhone.
Cùng lúc, thị trường smartphone toàn cầu vẫn tiếp tục sôi động. Cứ mỗi quý tài chính qua đi là Apple lại tuyên bố những khoản lãi khổng lồ từ iPhone. Dù không thu được lãi "khủng" nhưng Android vẫn đang là hệ điều hành phổ biến nhất thế giới: cứ 5 người trên toàn cầu thì lại có một người đang sử dụng điện thoại Android.
Sự sụt giảm của thị trường PC đi kèm với doanh số tăng trưởng vượt trội của smartphone không còn là một hiện tượng mới mẻ. Người tiêu dùng rõ ràng là rất thích được sử dụng smartphone và tablet.
Bởi vậy, cũng sẽ là không có gì đáng ngạc nhiên nếu như chúng ta ngày càng hy vọng rằng các thiết bị di động sẽ làm được nhiều điều hơn nữa. Chìa khóa để biến hy vọng này thành hiện thực là ứng dụng.
Ứng dụng của smartphone và tablet chưa đủ để làm được tất cả mọi thứ
Mô hình chợ ứng dụng trực tuyến có lẽ là một trong những món quà quý giá nhất mà Steve Jobs để lại cho thế giới điện toán.
Ảnh hưởng của smartphone và tablet được thể hiện rõ nhất qua suy nghĩ của người dùng hiện đại về các ứng dụng. Càng ngày, người dùng càng có xu hướng yêu cầu ứng dụng phải có những đặc tính nhất định: dễ cài đặt, tự động cập nhật, đồng bộ dữ liệu cá nhân qua nhiều thiết bị khác nhau, có khả năng tùy biến cá nhân. Cuối cùng và có lẽ là quan trọng nhất, người dùng phổ thông đang ngày một ưa chuộng các ứng dụng cảm ứng không cần tới chuột và bàn phím.
Đây là các đặc trưng của ứng dụng smartphone iOS và Android. Cuộc cách mạng smartphone rõ ràng là đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trên tất cả các nền tảng điện toán khác.
Vấn đề là ở chỗ không phải ứng dụng nào cũng có thể hỗ trợ màn hình cảm ứng một cách dễ dàng. Các nhà phát triển vẫn chưa tìm ra được cách để giúp các ứng dụng làm việc có thể hoạt động tốt trên màn hình cảm ứng. Đôi khi, bạn có thể gặp một vài người thực hiện tính toán chi tiêu hàng tháng trên Google Docs từ màn hình iPad hoặc Galaxy, nhưng cứ mỗi người như vậy thì lại có hàng nghìn người khác thực hiện bảng tính theo cách truyền thống và hiệu quả hơn rất nhiều: sử dụng chuột và bàn phím với Microsoft Excel. Cho đến tận năm 2015, tablet vẫn chưa phải là một phương tiện hiệu quả để quản lý các bảng tính có hàng nghìn dòng cột kích cỡ nhỏ, các chương trình đồ họa phức tạp, các tính năng văn bản nhiều công đoạn v...v...
Vẽ CAD trên tablet sẽ là hoàn toàn bất khả thi.
Đó là còn chưa kể trong môi trường doanh nghiệp, người dùng không được quyền lựa chọn công cụ phần cứng và phần mềm để làm việc. Đôi khi, một doanh nghiệp sẽ duy trì sử dụng các phần mềm tự phát triểnchỉ có thể được sử dụng từ PC trong vòng hàng chục năm. Dù có yêu quý chiếc smartphone của mình đến mấy thì bạn hay bất cứ ai cũng không thể thay đổi được sự thật này.
Microsoft là người đi đầu
Trong năm 2012, chiếc iPad vẫn đứng trên đỉnh thế giới về doanh thu trong khi những chiếc tablet Android đang cùng nhau chiếm lĩnh trọn vẹn thị trường giá rẻ. Microsoft lúc đó hoàn toàn vắng bóng trên thị trường máy tính bảng trong khi thị phần Windows Phone cho đến giờ vẫn vô cùng... lẹt đẹt.
Điều đó có nghĩa rằng xét riêng trên lĩnh vực di động thì Microsoft của năm 2012 chẳng có gì để mất nhưng lại có đầy đủ lý do để thử nghiệm những ý tưởng mới mẻ. Không ai dám chắc rằng Microsoft đã là công ty đầu tiên nghĩ ra ý tưởng mang laptop "lai" với tablet, nhưng động lực to lớn này đã giúp gã khổng lồ phần mềm trở thành tên tuổi đầu tiên theo đuổi mô hình laptop "lai" mới mẻ.
Surface Pro và Surface RT đánh dấu sự trở lại hiếm hoi của Microsoft với thị trường phần cứng.
Surface Pro là một chiếc tablet sử dụng màn hình cảm ứng, bởi đó là nhu cầu chung của thị trường phổ thông lúc bấy giờ. Bạn có thể trang bị thêm bàn phím vật lý cho Surface Pro với giá 129 USD (gần 3 triệu đồng), bởi người dùng cũng cần phải có bàn phím vật lý để làm việc. Cuối cùng, Surface Pro cũng được cài đặt phiên bản Windows 8 đầy đủ, tương thích với kiến trúc x86 truyền thống. Điều này giúp cho chiếc laptop lai tablet của Microsoft có thể xâm nhập được thị trường doanh nghiệp, một thị trường đã là "sân nhà" của Windows và Microsoft Office trong nhiều năm.
Ngay cả chiếc bút stylus của Surface Pro cũng có vai trò rất quan trọng: chiếc bút này sẽ kết hợp cảm giác nhanh nhạy khi sử dụng màn hình cảm ứng với sự chính xác tuyệt đối của con trỏ chuột. Với các cải tiến trong công nghệ màn hình, bút stylus đã trở thành một công cụ đắc lực hơn rất nhiều so với thời kỳ của Palm và O2.
Gần như tất cả các yếu tố trong công thức của Microsoft đều được suy nghĩ rất kỹ, nhưng không phải ý tưởng nào cũng thành công. Để xâm chiếm thị trường thiết bị di động chạy chip kiến trúc ARM, công ty của CEO Steve Ballmer cũng đã ra mắt một hệ điều hành mới có tên Windows RT. Bị coi là một phiên bản "què cụt" của Windows thông thường, Windows RT nhanh chóng "chết yểu" khi các nhà sản xuất lần lượt rời bỏ. Thất bại của Windows RT kéo theo khoản lỗ 1 tỷ USD có tên Surface RT – phiên bản "đàn em" của chiếc Surface Pro đầu tiên.
Nhưng thật may mắn, sau khi nhận ra sai lầm của mình, Microsoft đã nhanh chóng điều chỉnh lại hướng đi. Thế hệ Surface thứ 3 chỉ có phiên bản chạy Windows x86 đầy đủ, và chắc chắn là chiếc Surface Pro 4 sắp ra mắt cũng vậy.
Những điểm yếu "chết người" của Surface
Thế mạnh lớn nhất của Surface Pro 3 hiển nhiên là Windows 8.1 (và bây giờ là Windows 10). Nhưng nếu như Apple và Google tìm được lời giải cho các vấn đề của riêng mình, Windows sẽ lại trở thành điểm yếu lớn nhất của Surface.
Trong khi iTunes App Store và Google Play ngày một thành công thì Microsoft vẫn tiếp tục chật vật với Windows Store. Do thị phần của Microsoft trên mảng di động gần như chưa bao giờ vượt qua mức 5%, các nhà phát triển ứng dụng di động vẫn thường lựa chọn iOS và Android làm trọng tâm phát triển, bởi lượng người dùng đông đảo hơn cũng đồng nghĩa với tiềm năng doanh thu lớn hơn.
Cùng lúc, tất cả các ứng dụng Windows truyền thống sẽ không chạy tốt trên màn hình cảm ứng. Đó là còn chưa kể thế mạnh về ứng dụng Windows truyền thống sẽ được dành cho tất cả những chiếc PC chạy Windows chứ không riêng gì Surface Pro.
Cuối cùng và có lẽ là quan trọng nhất, Windows Store vẫn chưa hoàn thiện thật tốt vai trò "cầu nối" giữa PC và tablet. Tầm nhìn của Microsoft dành cho Windows Store và Windows 10 là các ứng dụng hoạt động tương đồng trên môi trường chuột/bàn phím và môi trường cảm ứng. Nhưng trong khi ngay chính cả Microsoft vẫn phải chật vật để giữ vững chất lượng và sự tương đồng của trải nghiệm Office trên iOS/Android và trải nghiệm Office trên Windows, gần như không một nhà phát triển ứng dụng nào đi theo tầm nhìn của gã khổng lồ phần mềm cả.
Sức cạnh tranh khổng lồ từ Apple
Ngay từ khi mới ra mắt, iPad Pro đã sở hữu một lượng nhà phát triển tiềm năng rất khổng lồ.
Cho dù lép vế với Android về thị phần nhưng iOS vẫn đang là hệ điều hành sinh lời nhiều nhất cho các nhà phát triển ứng dụng di động. Thế mạnh này sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong tương lai: iOS vẫn chưa thể bì kịp với Windows về số lượng ứng dụng làm việc, nhưng rõ ràng là Tim Cook và đồng sự chắc chắn sẽ lôi kéo các nhà phát triển iOS hiện tại mở rộng sang phát triển ứng dụng làm việc cho iPad Pro trong tương lai gần.
Những tính năng mới của iPad Pro và iOS 9 có thể được coi là "tấm thảm đỏ" chào đón các nhà phát triển, trong đó đáng chú ý nhất là số lượng đông đảo các API Spotlight và Siri được mở cho ứng dụng của bên thứ ba. Với khả năng đa nhiệm thực thụ, iOS 9 sẽ giúp iPad Pro có thể tạo ra trải nghiệm khá tương đồng với desktop truyền thống.
Ngay cả Microsoft cũng đã liên tục được tán thưởng vì chất lượng tuyệt vời của bộ Office for iPad. Trong khi bộ ứng dụng này có thể được coi là minh chứng cho thấy Microsoft đang đặt Office làm trọng tâm của toàn bộ công ty, người tiêu dùng cũng sẽ mất đi một lý do để mua Surface Pro 4: nếu như Office là lý do duy nhất khiến người ta không thể từ bỏ Windows để chuyển sang iPad thì nay chính Microsoft đã làm cho lý do đó trở nên vô nghĩa.
Google: Chậm chân nhưng vẫn đáng gờm
Khi từ bỏ Chrome OS để chuyển sang Android, Pixel C chắc chắn sẽ được lòng người hâm mộ của Google hơn 2 đàn anh.
So với Surface và iPad Pro thì chiếc Pixel C của Google có vẻ giống với một dự án thử nghiệm hơn là một sản phẩm thực sự nghiêm túc. Chiếc tablet lai laptop đầu tay của Google không có bút stylus và cũng không có tính năng đa nhiệm nhiều màn hình. Pixel C thực chất chỉ là một chiếc tablet có ngoại hình đẹp đi kèm với một bộ bàn phím rời mà thôi.
Nhưng sức cạnh tranh từ phía Google vẫn là không thể bỏ qua. Gã khổng lồ tìm kiếm hoàn toàn có thể sử dụng danh tiếng của Android để quảng bá cho khả năng làm việc trên tablet. Đó có lẽ cũng là lý do Google trang bị Android cho Pixel C thay vì tiếp tục sử dụng Chrome OS như 2 thế hệ Pixel trước.
Cuối cùng, Google có một thế mạnh mà Apple không có: bộ ứng dụng Google for Work. Với Google Apps, Google Drive cùng toàn bộ các ứng dụng Google Docs, Google for Work hứa hẹn sẽ là một đối thủ nặng ký của Microsoft Office trên thị trường doanh nghiệp vốn đã luôn bị gã khổng lồ phần mềm thao túng trong hàng thập kỷ.
Thế giới đang thay đổi
Trong tương lai gần, cả Apple, Google và Microsoft đều đã có những mục tiêu rõ ràng. Apple và Google sẽ phải thuyết phục cộng đồng nhà phát triển đông đảo của họ rằng chiếc tablet có thể trở thành một nền tảng làm việc thực thụ. Trong khi thị trường doanh nghiệp vẫn là "sân nhà" của Microsoft, gã khổng lồ phần mềm vẫn sẽ phải nỗ lực hết sức để cải thiện chất lượng các ứng dụng cảm ứng trên nền Windows.
Nhưng rõ ràng là thế giới điện toán lại một lần nữa thay đổi. Smartphone và tablet vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng cũng lại trở nên nhàm chán hơn trước. Trong bối cảnh đó, những chiếc laptop lai tablet được hy vọng sẽ trở thành một trào lưu mới. Với thành công bất ngờ của Surface Pro 3 cùng sự ra đời của iPad Pro và Pixel C, cả 3 ông lớn công nghệ đều đang quyết tâm trở thành người đi trước thời đại. Liệu ai sẽ là người chiến thắng? Câu trả lời sẽ có trong tương lai, nhưng ngay tại lúc này, Microsoft đang là người dẫn đầu, còn Apple và Google vẫn đang phải vội vàng copy lại chiến lược của gã khổng lồ phần mềm.
Lê Hoàng
Theo Business Insider
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét