Dell thôn tính EMC với giá 67 tỷ USD, trở thành công ty khổng lồ

Dell vừa thông báo kế hoạch mua lại công ty lưu trữ dữ liệu EMC với giá 67 tỷ USD. Thương vụ này sẽ trở thành vụ thôn tính lớn nhất trong lịch sử của ngành công nghệ.
Theo hãng tin Financial Times, Dell đã nhận được cái gật đầu của ban điều hành EMC với giá mua khoảng 33,15 USD với mỗi cổ phiếu. Tuy vậy, thương vụ vẫn còn chờ các cổ đông của EMC thông qua.
Vụ thôn tính này sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của Dell không chỉ giới hạn ở lĩnh vực máy tính và được coi là bước đi chiến lược của hãng này khi mảng kinh doanh máy tính ngày càng suy giảm. Trong quý 3 năm nay, Dell là nhà sản xuất máy tính thứ ba thế giới với 13,1% thị phần, đứng sau HP và Lenovo, theo hãng nghiên cứu thị trường IDC.
Kết hợp kinh nghiệm của Dell trong việc bán sản phẩm và dịch vụ tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng với năng lực của EMC đối với nhóm doanh nghiệp lớn, vụ thôn tính này sẽ biến Dell trở thành một trong những nhà cung cấp sản phẩm công nghệ lớn nhất tới các khách hàng doanh nghiệp lớn.
"Sự kết hợp của Dell và EMC tạo ra nhà cung cấp giải pháp doanh nghiệp lớn, mang lại cho khách hàng của chúng tôi những công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ hiện nay", Michael Dell, người sáng lập hãng Dell nói trong thông cáo. "Công ty mới của chúng tôi đặt mục tiêu sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong các lĩnh vực chiến lược nhất của ngành công nghệ thời gian tới gồm trung tâm dữ liệu, hạ tầng liên kết, đám mây, di động và bảo mật".
Joe Tucci, giám đốc điều hành của EMC sẽ tiếp tục là chủ tịch và giám đốc điều hành của EMC đến khi thương vụ thôn tính này hoàn tất, sau đó Michael Dell sẽ tiếp quản và trở thành chủ tịch và giám đốc điều hành công ty hợp nhất.
Hai công ty dự tính sẽ hoàn tất thương vụ này vào giữa năm 2016.
Theo CNN Money, thương vụ này sẽ hoàn tất việc chuyển giao của Dell từ một hãng chuyên sản xuất máy tính cá nhân sang một nhà cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin cho doanh nghiệp. Quá trình này đã bắt đầu khi Dell mua Perot Systems với giá 4 tỷ USD hồi năm 2009 và tăng tốc từ năm 2013, khi nhà sáng lập Micheal Dell đưa hãng trở thành một công ty tư nhân bằng cách chi đến 24,9 tỷ USD để mua lại cổ phần từ các cổ đông bên ngoài.
EMC là một người khổng lồ của mảng IT doanh nghiệp. Đây là một trong số các nhà cung cấp phần cứng lưu trữ lớn nhất thế giới. EMC cũng sản xuất máy chủ và sở hữu hãng bảo mật RSA, vốn nổi tiếng với các token SercurID. Hãng còn chiếm đến 81% cổ phần ở VMware – công ty đứng đầu thế giới về phần mềm ảo cho phép doanh nghiệp chạy nhiều hệ điều hành khác nhau trên thiết bị của họ.
Song cả Dell và EMC gần đây khá chật vật với các xu hướng công nghệ mới đã vượt qua họ (như công nghệ đám mây).
EMC đã làm nên tên tuổi nhờ bán các hệ thống lưu trữ cho doanh nghiệp làm trung tâm dữ liệu. Nay các hãng cung cấp dịch vụ đám mây như Amazon có thể lưu trữ tất cả dữ liệu của doanh nghiệp với giá rẻ hơn. Việc doanh nghiệp vận hành riêng trung tâm dữ liệu không còn thịnh hành nữa.
Trong khi đó, nhà sản xuất máy chủ lớn thứ hai thế giới Dell đang đối mặt với khó khăn tương tự. Đó là do doanh nghiệp "khoán trắng" dữ liệu cho Amazon, Google, Microsoft. Nhiều doanh nghiệp còn để các nhà cung cấp nói trên xử lý luôn cả máy chủ web và mail.
Đặc biệt gần đây Dell còn khó khăn hơn vì là hãng duy nhất trong top 5 nhà sản xuất máy chủ có doanh số bị giảm trong quý II, theo hãng nghiên cứu thị trường Gartner.
Cả hai hãng Dell và EMC đã đầu tư nhiều cho đám mây nhưng cả hai đều vấp phải những khó khăn chuyển giao. Cổ phiếu EMC đầu năm nay đã sụt giảm mạnh và như nói từ đầu, Dell buộc phải mua lại cổ phiếu (trở thành công ty tư nhân) để rời xa sự thất thường trồi sụt của Phố Wall.
NHM
Theo Cnet
Chia sẻ lên Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 Nhận Xét:

Đăng nhận xét