Bức ảnh chụp lại thiên hà Milky Way với độ phân giải 46 Gigapixel (46 tỷ điểm ảnh) được xem là bức ảnh thiên văn lớn nhất thế giới từng được công bố.
Tinh vân Eta Carinae được cắt ra từ bức ảnh trên
Các nhà thiên văn tại ĐH Ruhr University Bochum (Đức) mới đây đã công bố bản đồ không gian (space map) lớn nhất thế giới từng được thực hiện với độ phân giải lên tới 46 Gigapixel (tương đương 46 tỷ điểm ảnh).
Ghép lại từ 268 lớp ảnh khác nhau được chụp liên tục trong suốt 5 năm qua, bức ảnh chụp lại Milky Way (Dải Ngân Hà) có độ phân giải 46 tỷ điểm ảnh (bao gồm 855.000 điểm ảnh theo chiều ngang và 54.000 điểm ảnh theo chiều dọc). Kích thước của tấm ảnh này nhiều gấp khoảng 2.000 lần so với ảnh chụp từ một chiếc camera kỹ thuật số có độ phân giải 20 Megapixel (20 triệu điểm ảnh).
"Nếu muốn xem đầy đủ kích thước của bức ảnh trên bằng màn hình TV Full HD, bạn sẽ cần đến hơn 22.000 màn hình đặt cạnh nhau để làm được điều này", Moritz Hackstein, một nghiên cứu sinh đã tham gia vào cuộc khảo sát không gian, chia sẻ với trang CBS News.
Bức ảnh với kích thước đầy đủ được thu nhỏ lại
Dung lượng của bức ảnh này là 194 GB, tức cao hơn khoảng 4.000 lần so với một bức ảnh "độ phân giải cao" mà bạn thường chụp, nó cũng tương đương với khoảng 20.000 bài nhạc MP3 thông thường.
Hackstein đã làm việc với các giáo sư tại trường của mình để tạo ra trang web cho phép bạn xem chi tiết bức ảnh trên. Bạn cũng có thể phóng to để nhìn rõ các ngôi sao hơn (hãy kiên nhẫn chờ đợi, và bạn sẽ không phải hối hận khi có thể nhìn rõ hàng tỷ ngôi sao có trong Milky Way - thiên hà mà chúng ta đang sinh sống).
Tinh vân Lagoon (M8) được thể hiện trong bức ảnh
Phúc Thịnh
Theo CBS News
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét