Mấy hôm nay đọc thấy nhiều trang báo liên tục đề cập đến việc đầu tư 4G tại Việt Nam như một động thái tạo dư luận. Chuyện cũng bình thường nếu không có tin, theo một báo cáo mới đây từ hãng Ericsson, tốc độ 3G tại Việt Nam bị xếp chót bảng trong khu vực Đông Nam Á. Vậy thì lúc này, câu chuyện 4G được đề cập đến còn có một tác dụng khác – "giá đỡ dư luận".
"Phép thắng lợi tinh thần" với 4G
Việc Viettel thử nghiệm 4G ngay trong tháng 10 tới, theo tôi sẽ nhanh chóng được hiện thực hóa. Thứ nhất là bởi hơn bất cứ doanh nghiệp viễn thông nào khác, Viettel đang có đủ tiềm lực mạnh mẽ nhất để triển khai 4G. Thứ hai, xin nhắc lại một câu chuyện: Năm 2009, khi các nhà mạng đang triển khai 3G thì ông Nguyễn Mạnh Hùng – hồi ấy còn là Phó Tổng giám đốc Viettel – đã nhận định: sớm nhất cũng phải đến 2015 Việt Nam mới có thể triển khai 4G. Bây giờ ông Hùng đã trở thành Tổng giám đốc lèo lái cả một con tàu lớn nhiều nguồn lực, ông càng có điều kiện để triển khai theo kế hoạch.
Lúc này, những điều hay ho, tốt đẹp nhất về 4G lại được đề cập đến trong các cuộc hội thảo hoặc trong những bài phỏng vấn, phân tích trên mặt báo. Ai cũng biết, các hãng như Qualcomm có nói tốt về 4G là chuyện đương nhiên vì công nghệ LTE là do họ sáng tạo ra, các nhà mạng Việt Nam mà lên 4G thì Qualcomm vớ bẫm. Nhưng vấn đề chúng ta cần "hồi ức" lại một chút ở đây là: những điều nói tốt về 4G hiện nay chúng ta cũng đã từng được nghe vào thời điểm chuẩn bị đầu tư 3G tại Việt Nam. Hồi ấy các hãng và các nhà mạng tạo dư luận về 3G như là một phép thần thông về internet di động băng rộng, cứ kết nối là chạy vèo vèo, nào là xem phim, truyền hình trực tuyến, video call, ứng dụng vào các dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống.v.v… Sáu năm rồi ngoảnh lại, tốc độ 3G Việt Nam mới chỉ chủ yếu giải quyết được bài toán về băng thông internet di động cho những dịch vụ phổ cập không đòi hỏi băng thông quá lớn như lướt web, đọc tin tức, nghe nhạc, chơi game, chơi Facebook…
Hiện 4G thậm chí còn được vẽ lên "đẹp" hơn 3G hồi ấy. Theo lời ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam và Đông Dương, thì giá thành mỗi MB của 4G giảm tới 99% so với 2G trong khi tốc độ trao đổi dữ liệu lại tăng 12.000 lần so với 2G. Tại Sài Gòn hay Hà Nội, có thể dùng 3G xem phim HD với tốc độ truyền dữ liệu trung bình từ 3-4Mbps. Thế nhưng nếu dùng 4G, theo ông Nam, tốc độ truyền dữ liệu đo được ở nhà đã khoảng từ 40-45Mbps, như vậy tăng 10 lần so với 3G, song điều quan trọng là giá thành lại rẻ hơn 3G. Một "happy ending" thực sự trong lập luận để kết lại rằng là nên đầu tư 4G để đi vào thời đại Internet of Things, thời đại Big Data… Ai phản đối được? Dạo dư luận lót đường để chuẩn bị đầu tư cho 3G tổng cộng mất đến 33.000 tỉ đồng cũng có ai phản đối đâu, chỉ thấy toàn màu hồng. Nhưng khi 3G đã được cung cấp trên thị trường 1-2 năm thì mới hé lộ những tư duy, lập luận phản biện, đơn cử như có thể chẳng cần đầu tư công nghệ 3G mà cứ thẳng lên 4G có khi lại tiết kiệm hơn.
Nếu bà con lúc này sử dụng 3G trong một tình thế không thể khác khi được nghe đến một 4G đẹp đẽ chẳng khác nào được truyền cho liệu pháp tâm lí "phép thắng lợi tinh thần". Tốc độ 3G của Việt Nam không tốt và thiếu ổn định qua đánh giá của người dùng trong nước và báo cáo quốc tế, thì người tiêu dùng có thể mơ về 4G đang tươi đẹp thế kia…
Câu hỏi về chất lượng đầu tư và chất lượng dịch vụ
Nếu nhìn vào tốc độ dịch vụ 3G tại Việt Nam để đánh giá thì rất dễ gây hiểu lầm 3G chỉ được như thế. Xin hãy tỉnh táo nhìn nhận rằng, đó là tốc độ 3G tại Việt Nam và đó là chất lượng 3G tại Việt Nam. Cứ theo số liệu từ báo cáo nghiên cứu Ericsson Mobility Report thì rõ, tốc độ dữ liệu di động trung bình tại Việt Nam chỉ đạt 160kbps. Đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng là Myanmar, một quốc gia vừa trỗi dậy về thu hút đầu tư nước ngoài, mà tốc độ dữ liệu di động trung bình vẫn còn hơn Việt Nam tới 460kbps; còn nếu so với Singapore (21.870kbps), Australia (11.190kbps), Hàn Quốc (dưới 10.000kbps), Nhật Bản (dưới 5.000kbps) thì cách biệt xa lắm…
Bao nhiêu năm dịch vụ 3G ở Việt nam có cái tiếng hơn là cái chất. Cái tiếng gây nên nỗi thất vọng về chất lượng (chậm và không ổn định). Nếu dùng dịch vụ 3G tại Việt Nam để làm tham chiếu đánh giá công nghệ 3G trên thế giới thì e rằng sẽ méo mó mất thôi. Chất lượng 3G tại Việt Nam đã làm méo mó dịch vụ 3G của thế giới, cũng giúp "đẻ" ra cái gọi là "nỗi thất vọng về một dịch vụ 3G kiểu Việt Nam".
Vấn đề nằm ở đâu đã quá rõ: Không phải công nghệ 3G tệ thế (như ở Việt Nam) mà vấn đề chính nằm ở chỗ tại thị trường Việt Nam chất lượng đầu tư cho các dự án, mạng lưới 3G như thế nào? Đây thực sự là một câu chuyện thâm sâu chỉ có cơ quan chức năng mới lôi ra được với từng con số chứng minh đến cụ tỉ, nhưng như thế không có nghĩa là dư luận không nhìn thấy vấn đề. Nước người ta cũng đầu tư 3G mà tốc độ nhanh như thế, còn ở mình thì… Thiết bị được mua sắm có chất lượng ra sao? Mạng lưới 3G dày - thưa như thế nào? Một thời kì dịch vụ 3G Việt Nam chạy đua cạnh tranh theo giá rẻ có phải chính là nguyên nhân gây ra hệ lụy "tiền nào của nấy" về chất lượng?
Chất lượng đầu tư là yếu tố đầu tiên tác động đến chất lượng dịch vụ, cùng với yếu tố quản lí điều hành nó sẽ cùng lí giải cho vấn đề của chất lượng dịch vụ được cung cấp trên thị trường. Xin hỏi các nhà mạng, vì sao 7, 8 năm trước khi chúng ta đặt vấn đề đầu tư cho 3G dư luận cảm thấy háo hức, xôn xao, sôi nổi bàn tán đến thế, còn bây giờ - năm 2015 này – khi vấn đề đầu tư 4G đã nhiều lần được xới lên với những nét tươi hồng song dân tình, thậm chí cả giới truyền thông về công nghệ chẳng mấy thiết tha? Bởi hơn ai hết, giới truyền thông viết về công nghệ bây giờ không thể không dự phòng một khả năng trong thời gian tới lại sẽ ra lò một… dịch vụ 4G kiểu Việt Nam, và cũng sẽ cách biệt rất xa về chất lượng so với dịch vụ 4G ở các quốc gia khác.
Đã thất vọng về chất lượng 3G tại Việt Nam nhiều rồi, vậy thì lúc này có nhắc đến hay nghĩ đến tương lai 4G tại Việt Nam cũng để tạo "phép thắng lợi tinh thần" mà thôi.
Thẩm Hồng Thụy
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét