Sau những tiếng tăm gây dựng được ở mảng thiết bị lưu trữ như USB, thẻ nhớ, SSD và bộ nhớ RAM, Kingston tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực gaming với các thiết bị tai nghe và bàn di chuột chuyên cho game thủ.
HyperX Cloud Core là model cơ bản nhất trong bộ sản phẩm tai nghe chuyên game của Kingston bên cạnh 2 model cao cấp hơn là HyperX Cloud và Cloud II.
Chính vì thế, giá bán của HyperX Cloud Core cũng "mềm" hơn, hiện vào khoảng 1,4 triệu đồng so với 1,8 triệu đồng của mẫu Cloud và 2,5 triệu đồng của Cloud II.
Thiết kế
Là phiên bản thấp hơn nhưng xét riêng về thiết kế, Cloud Core không bị cắt giảm khi so với Cloud và Cloud II. Phần hộp đựng của Cloud Core vẫn được chăm chút với hình ảnh đẹp, chất liệu tốt, đóng gói cần thận. Bên trong được bọc xốp dầy dặn chống va đập không kèm gì 2 người "anh". Kingston vẫn giữ nguyên kiểu dáng đơn giản, hầm hố ở mức vừa phải trên mẫu tai nghe chuyên game tầm trung của mình. Tuy nhiên, phụ kiện đi kèm đã được giản lược bớt, không còn túi đựng, các miếng đệm tai bằng nhung để thay thế hay dây nối có remote để tùy chỉnh âm lượng, bật/tắt micro... Kingston chỉ giữ lại dây nối dài và micro có thể tháo rời.
Hộp đựng của HyperX Cloud Core vẫn được chăm chút kỹ lưỡng
Tuy nhiên, các phụ kiện đã được giảm lược bớt
Cloud Core sở hữu thiết kế với 2 củ tai dạng đóng kích thước lớn, ôm trọn lấy vành tai, đệm tai sử dụng chất liệu giả da dày dặn, êm ái. So với các tai nghe chơi game khác, củ tai của Cloud Core có phần hơi "hiền" khi không sử dụng kiểu thiếu kế góc cạnh, hầm hố mà chỉ đơn giản là một hình oval bằng nhựa phủ nhung chống trơn trượt với điểm nhấn là một miếng nhôm phay xước in logo HyperX màu đỏ nổi bật trên nền đen. Dù vậy, thiết kế này vẫn đủ để toát lên vẻ mạnh mẽ của một tai nghe cho game thủ nhờ cách phối màu đen đỏ tương phản hợp lý và logo HyperX cách điệu tựa 2 đường kiếm giao nhau.
Củ tai lớn với thiết kế dạng đóng
Lớp đệm tai giả da dày dặn và êm ái
Củ tai bên trái là nơi tập trung toàn bộ các kết nối. Trong khi phần giắc tai nghe được bọc dù chống cắt và không thể tháo rời, Cloud Core lại cho phép tháo rời phần mic khi không cần dùng đến và có sẵn một nắp đậy cao su để che chắn cho cổng kết nối này nhằm tránh bụi và hạn chế ẩm.
HyperX Cloud Core khi lắp mic
Gọng tai tiếp tục sử dụng chất liệu bằng kim loại phay xước chắc chắn và cứng cáp. Phần tiếp xúc với đỉnh đầu được làm từ mút bọc da dày dặn, giúp giảm áp lực từ gọng tai lên đầu, cũng như tránh việc tóc bị kẹp vào tai nghe. Phần bên ngoài của gọng tai là nơi được Kingston chăm chút kỹ lưỡng nhất bằng việc bọc da cùng logo HyperX được thêu dệt trang nhã. Phần viền của gọng tai, nơi tiếp nối giữa phần trong và ngoài cũng được khâu mũi vắt với chỉ đỏ dày dặn, chắc chắn, tạo vẻ sang trọng, hầm hố hơn cho chiếc tai nghe chuyên game này.
Gọng tai bằng kim loại phay xước rất cứng cáp
Lớp đệm phía trong dày dặn giúp giảm áp lựng của tai nghe lên đỉnh đầu
Phần ngoài gọng tai được bọc da, thêu, dệt khá công phu
Gọng tai cho phép dễ dàng điều chỉnh độ rộng theo 5 mức khác nhau. Tuy nhiên, độ rộng tối đa của gọng tai vẫn còn hạn chế khiến cho Cloud Core trở nên hơi chật với những người có cỡ đầu lớn. Cách khắc phục là không đặt phần gọng tai ở đỉnh đầu khi nghe mà hơi xuôi xuống phía trước.
Cảm giác khi đeo Cloud Core lên tai tương đối dễ chịu. Trọng lượng nhẹ giúp đeo lâu mà không gây đau nhức vành tai. Khả năng cách âm của chiếc tai nghe này khá tốt, giúp loại bỏ đáng kể tạp âm từ môi trường xung quanh và không để lọt âm ra ngoài. Dù vậy, nhược điểm cố hữu của đệm tai bằng da là nóng và dễ gây chảy mồ hôi tai khi sử dụng trong môi trường không thật thoáng mát là điều Cloud Core vẫn chưa thể khắc phục.
Gọng tai với 5 nấc điều chỉnh độ rộng nhưng vẫn chưa đủ với người có cỡ đầu lớn
Cảm giác khi đeo HyperX Cloud Core tương đối thoải mái, dễ chịu
Chất âm
Là một chiếc tai nghe hướng tới các game thủ, chính vì thế mà người viết sẽ thử nghiệm khả năng tái tạo âm thanh của Cloud Core với game trước tiên. Trong phần thử nghiệm âm thanh này, người viết kết nối HyperX Cloud Core với soundcard-onboard của mainboard MSI H97 Gaming 3 và lần lượt chơi các tựa game gồm: PES 2016, FIFA 16, Tom Clancys Ghost Recon - Future Soldier, Need For Speed Rivals, Ace Combat Assault Horizon và Middle-earth Shadow of Mordor.
Ấn tượng ban đầu cho thấy, Cloud Core cho ra một chất âm khỏe khoắn, giàu bass, thể hiện được sự máu lửa, tiếng súng nổ, bom rền trong cả những tựa game hành động, bắn súng như Ghost Recon - Future Soldier, Shadow of Mordor lẫn tiếng động gầm rú, tăng tốc trong Need For Speed Rivals và Ace Combat: Assault Horizon. Các nốt trầm của Cloud Core xuống được khá sâu, rắn chắc nhưng không hề gây mệt tai và lấn át các dải âm khác.
Dải cao treble của Cloud Core thiên sáng nhưng không chói, âm sáng giúp phát hiện tiếng bước chân và tiếng súng nổ trong game dễ dàng hơn. Dải trung mid tái tạo âm hơi "khô" nhưng đây lại là điểm lợi khi vào những khung cảnh game như hầm mỏ, nhà kho, nhà máy…Ở các khung cảnh này, các loại âm thanh sẽ tách ra tốt hơn thay vì chính game thủ sẽ bị váng đầu bởi các âm vọng phát ra từ đây.
Âm hình của Cloud Core cũng được tái tạo tương đối tốt. Tiếng bước chân địch hiện lên rõ ràng để bạn có thể đoán được cự li gần hay xa, địch đang di chuyển theo hướng nào từ đó có được phương án tác chiến hợp lý, rất cần thiết với các tựa game FPS.
Dù vậy, âm trường của Cloud Core lại chưa thật ấn tượng. Khung cảnh rộng lớn của các sân vận động chật kín khán giả trong PES 2016 hay FIFA 16 hiện lên có phần hơi chật hẹp, chưa lột tả hết sự hoành tráng khi có hàng chục nghìn người đang hò reo, cổ vũ. Điều tương tự cũng xảy ra ở tựa game Shadow of Mordor khi Cloud Core chưa tái tạo được hết khung cảnh thế giới mở mênh mông, bao la. Khó trách được Cloud Core bởi đây là hạn chế chung của các tai nghe dạng đóng.
Micro của Cloud Core cũng cho khả năng bắt tiếng và lọc tiếng ồn khá tốt, giúp cho việc hội thoại trong game thuận tiện, rõ ràng.
Với âm nhạc, vì là một chiếc tai nghe tối ưu cho việc chơi game nên sẽ khó lòng đòi hỏi Cloud Core phải xử lý tốt. Tuy nhiên, nếu yêu cầu về âm nhạc của bạn không quá khắt khe, HyperX Cloud Core vẫn có thể đáp ứng với khả năng tái tạo âm thanh ở mức khá.
Cụ thể khi nghe nhạc, dải bass của Cloud Core tương đối dầy dặn và chi tiết. Tiếng bass có độ sâu và tập trung. Độ chi tiết của âm bass ở mức khá. Bass của Cloud Core sẽ phù hợp nhất với các bản nhạc điện tử, nhạc dance, EDM.
Tuy nhiên, dải trung hơi lùi, mỏng, có phần nhạt nhòa khiến tiếng hát của ca sĩ trở nên có phần "khô cứng" và không thật rõ nét. Dải cao có lẽ là điểm sáng nhất trên Cloud Core khi có xu hướng sáng nhưng không bị chói giúp các nhạc cụ như violin lên đẹp, thanh và thoáng, tốc độ tốt. Âm trường tiếp tục là hạn chế khi nghe nhạc của Cloud Core bởi không tạo được không gian âm nhạc đủ rộng và thoáng đãng.
Ưu điểm:
+ Thiết kế không quá hầm hố nhưng vẫn toát lên nét mạnh mẽ của một tai nghe cho game thủ, chất lượng gia công tốt.
+ Cảm giác đeo thoải, không gây đau tai khi đeo lâu.
+ Micro có thể tháo rời, dây nối dài tiện lợi.
+ Âm thanh khi chơi game tái tạo tốt, đặc biệt là phần âm hình và tiếng cháy nổ, dễ dàng đoán được hướng địch.
Nhược điểm:
- Âm trường hơi hẹp.
- Nhấn vào dải bass có thể sẽ khiến nhiều người không thích thú.
- Hơi ít phụ kiện đi kèm.
VNReview
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét