Gần 25.000 điện thoại nhập lậu vào Việt Nam được bán trót lọt thông qua hợp đồng quảng cáo trên Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC, sử dụng hệ thống bưu điện để bán hàng nhập lậu.
Nhập lậu gần 25.000 điện thoại vào Việt Nam, các bị can đã ký hợp đồng quảng cáo trên Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC và sử dụng hệ thống Bưu điện để bán hàng nhập lậu với giá trị lên đến hàng chục tỉ đồng.
TAND TP Hà Nội chuẩn bị đưa vụ án "buôn lậu" gần 25.000 chiếc điện thoại có tổng trị giá lên tới 45 tỉ đồng ra xét xử.
Trong vụ án này có hai bị cáo là Wang Ao Feng (41 tuổi, quốc tịch Trung Quốc), bị viện KSND tối cao truy tố về tội "buôn lậu" và Nguyễn Thị Minh Ngọc (31 tuổi, trú tại quận Hải An, Hải Phòng), bị truy tố về tội "Vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới".
Theo hồ sơ vụ án, ngày 9-4-2013, cơ quan điều tra và Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra hành chính ôtô chuyên dùng của Bưu điện Trung tâm 1 thuộc Bưu điện TP Hà Nội, và tầng 3, 4 số nhà 98 Lạc Trung, quận Hoàng Mai, Hà Nội, phát hiện có gần 5.000 chiếc điện thoại di động mang nhãn hiệu "HiPhone5" sản xuất tại Trung Quốc, không có hoá đơn chứng từ, xác định số hàng này của Wang Ao Feng.
Quá trình điều tra đã làm rõ Wang Ao Feng ý thức được việc nhập khẩu và kinh doanh hợp pháp điện thoại HiPhone phải có các loại giấy phép và khai báo hải quan, nộp thuế. Do đó, Wang Ao Feng đã thực hiện xin các thủ tục trên nhưng không được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép.
Mặc dù vậy, Wang Ao Feng vẫn chủ động đặt mua 5.000 chiếc điện thoại HiPhone5 từ Trung Quốc với giá 500.000 đồng/chiếc (đã bao gồm phí vận chuyển), đưa về 98 Lạc Trung tập kết trước khi tiêu thụ.
Tháng 3-2013, số hàng này đã được công ty tại Trung Quốc vận chuyển vào Việt Nam, giao cho Nguyễn Thị Minh Ngọc để Ngọc chuyển cho Wang Ao Feng.
Cơ quan tố tụng xác định, từ tháng 5-2011 đến tháng 4-2013, Wang Ao Feng thông qua Công ty TNHH Mậu dịch Cửu Linh, Trung Quốc, do Nguyễn Thị Minh Ngọc làm đại diện tại Hải Phòng và một số công ty khác nhập khẩu tổng cộng gần 25.000 chiếc điện thoại di động HiPhone vào Việt Nam, tổng giá trị gần 45 tỉ đồng.
Toàn bộ số hàng này được xác định là hàng nhập lậu, bất hợp pháp.
Để thực hiện việc bán điện thoại nhập lậu tại Việt Nam, Wang Ao Feng đã thuê một số cá nhân Việt Nam đứng tên, sử dụng pháp nhân của 4 công ty gồm Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Thành Phương CCT, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Seven Star Việt Nam, Công ty cổ phần liên kết truyền thông số Việt Nam, Công ty cổ phần Nexus Việt Nam, để quảng cáo sản phẩm HiPhone nhập lậu, không có hoá đơn chứng từ, không có giấy chứng nhận hợp quy, giấy phép nhập khẩu trên các kênh truyền hình của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.
Đối với các nhân viên tại Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC có sai phạm khi không kiểm tra nguồn gốc của số điện thoại khi quảng cáo sản phẩm điện thoại di động HiPhone, cơ quan tố tụng chưa xác định được hậu quả của sai phạm này nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
Cơ quan điều tra đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC xử lý hành chính nghiêm đối với các cá nhân liên quan, đồng thời chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên truyền hình.
Wang Ao Feng đã sử dụng các dịch vụ tại Bưu điện Trung tâm 1 và Bưu điện Trung tâm 3 thuộc Bưu điện Hà Nội để tiêu thụ gần 19.000 chiếc điện thoại di động nhập lậu vào Việt Nam.
Cụ thể, cá nhân Wang Ao Feng đã sử dụng pháp nhân của Công ty Gangnam Style ký hợp đồng với Bưu điện Trung tâm 1 để sử dụng dịch vụ chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện trong nước và dịch vụ phát hàng, thu tiền tiêu thụ 3.228 điện thoại và một số hàng hoá khác trị giá hơn 6,7 tỉ đồng.
Ngoài ra, Wang Ao Feng cũng gửi qua Trung tâm 3, Bưu điện Hà Nội hơn 18.400 chiếc điện thoại và một số mặt hàng khác không có hoá đơn, chứng tờ kèm theo trị giá gần 38 tỉ đồng.
Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng xác định một số cá nhân tại Bưu điện Hà Nội có dấu hiệu của tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Tuy nhiên, xét thấy các cá nhân không có ý thức chiếm đoạt, quá trình điều tra đã thành khẩn khai báo, toàn bộ số tiền bán hàng đã nộp cho cơ quan điều tra nên cơ quan tố tụng xác định các cá nhân này không cần thiết phải xử lý hình sự và có văn bản đề nghị Tổng công ty Bưu điện xử lý hành chính đối với các cá nhân này, đồng thời chấn chỉnh việc cung cấp các dịch vụ bưu chính trong hệ thống bưu điện.
Theo Tuổi Trẻ
0 Nhận Xét:
Đăng nhận xét